Nga hiện đại hóa máy bay ném bom Tu-95MSM
Tập đoàn Nhà nước Rostec của Nga vừa công bố những bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa dòng máy bay ném bom chiến lược Tu-95MSM. Ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành của Rostec, nhấn mạnh khả năng tác chiến được nâng cấp của Tu-95MSM, đặc biệt là khả năng triển khai tên lửa hành trình tầm xa.
Việc nâng cấp Tu-95MSM là biểu hiện cho nỗ lực hiện đại hóa một trong những dòng máy bay ném bom mang tính biểu tượng nhất của Không quân Nga. Phiên bản này tích hợp công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, cải thiện tính linh hoạt và hiệu quả tác chiến.
Máy bay ném bom Tu-95MSM của Không quân Nga. Ảnh: Army Recognition |
Trọng tâm thiết kế của Tu-95MSM nằm ở hệ thống động cơ cánh quạt độc đáo, được trang bị 4 động cơ Kuznetsov NK-12MP. Các động cơ này vận hành các cánh quạt 8 lưỡi AV-60N quay đảo chiều. Điều này khiến Tu-95MSM trở thành lựa chọn lý tưởng cho các nhiệm vụ tuần tra và tác chiến dài ngày, với khả năng hoạt động trên những phạm vi rộng lớn, đáp ứng các nhiệm vụ chiến lược.
Quá trình hiện đại hóa Tu-95MSM tập trung vào việc cải tiến hệ thống vũ khí. Máy bay hiện có khả năng triển khai tên lửa hành trình tầm xa, bao gồm Kh-101 và phiên bản tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Kh-102. Các tên lửa này có tầm bắn lên tới 5.500km, cho phép Nga có thể triển khai tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương từ máy bay Tu-95MSM bay trên không phận của mình.
Các nâng cấp cũng được tiến hành với hệ thống điện tử hàng không của máy bay Tu-95MSM. Các hệ thống định vị, liên lạc và điều khiển được hiện đại hóa giúp cải thiện độ chính xác trong quá trình vận hành. Việc tích hợp các thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến và biện pháp phòng vệ làm tăng khả năng sống sót cho Tu-95MSM. Ngoài ra, phần đuôi máy bay được trang bị pháo tự động hai nòng GSh-23 cỡ 23mm, giúp máy bay nâng cao khả năng tự bảo vệ trước các mối đe dọa trên không.
Mỹ ký thỏa thuận thử nghiệm công nghệ siêu vượt âm với Anh và Australia
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa ký thỏa thuận hợp tác thử nghiệm công nghệ siêu vượt âm mới với Anh và Australia, tập trung vào việc tăng cường chia sẻ thông tin và nâng cấp cơ sở hạ tầng thử nghiệm của 3 quốc gia.
Thỏa thuận với tên gọi là “Chương trình nghiên cứu và thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh” (HyFliTE), dự kiến sẽ tiến hành tới 6 hoạt động thử nghiệm bay chung trước năm 2028. Mục tiêu của thỏa thuận là tăng tốc độ thử nghiệm các công nghệ siêu vượt âm bằng cách tận dụng nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm từ cả 3 nước.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ được gắn các loại tên lửa siêu thanh. Ảnh: Defense News |
Ông Heidi Shyu, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật, cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường năng lực chung để phát triển và áp dụng các công nghệ siêu vượt âm cho nhiệm vụ tấn công và phòng thủ, thông qua một loạt các thử nghiệm và thí nghiệm giữa 3 bên, từ đó thúc đẩy phát triển các vũ khí và công nghệ quan trọng trong lĩnh vực này”.
Thỏa thuận HyFliTE nằm trong trụ cột thứ hai của AUKUS, một thỏa thuận quốc phòng 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ, gồm nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu thanh. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã công bố nhiều hoạt động hợp tác, bao gồm đẩy mạnh nghiên cứu và hoạt động diễn tập chung nhằm tăng cường năng lực phối hợp trong các lĩnh vực như tự động hóa và tác chiến điện tử.
Mặc dù không tiết lộ cụ thể về các kế hoạch thử nghiệm sắp tới, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc triển khai thỏa thuận này sẽ tiêu tốn khoảng 252 triệu USD.
HyFliTE được xây dựng dựa trên các nỗ lực hợp tác trước đây giữa Mỹ và Australia, hai quốc gia đã tiến hành nghiên cứu về công nghệ siêu vượt âm trong hơn 15 năm qua. Năm 2017, bộ quốc phòng 2 nước đã hoàn thành “Chương trình nghiên cứu phương tiện bay siêu thanh” (HiFiRE), tập trung vào phát triển vũ khí tấn công tốc độ cao, các hệ thống hỗ trợ, và tiến hành các bài thử nghiệm.
Năm 2020, 2 nước tiếp tục triển khai “Chương trình thử nghiệm nghiên cứu thiết bị bay tích hợp Southern Cross, hay còn gọi là (SCIFiRE), nhằm phát triển tên lửa tấn công chính xác với tốc độ Mach 5 có sử dụng động cơ phản lực scramjet. Kết quả nghiên cứu từ SCIFiRE đã góp phần quan trọng vào chương trình phát triển tên lửa tấn công siêu vượt âm của Không quân Mỹ.
Ấn Độ đàm phán mua pháo ATAGS 155mm
Theo thông tin được đăng tải ngày 19-11-2024 trên tờ The Hindu BusinessLine, công ty đa quốc gia của Bharat Forge Limited, có trụ sở tại Pune (Ấn Độ), đang trong quá trình đàm phán một hợp đồng mua bán với Bộ Quốc phòng Ấn Độ để cung cấp Hệ thống pháo kéo tiên tiến (ATAGS) 155mm và các xe kéo pháo đi kèm cho Lục quân Ấn Độ.
Hệ thống pháo kéo tiên tiến ATAGS 155mm của công ty Bharat Forge Limited. Ảnh: Tata Advanced System |
Hệ thống pháo kéo tiên tiến ATAGS là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm nâng cao khả năng tự chủ quốc phòng, phù hợp với sáng kiến "Make in India" của Bộ Quốc phòng nước này. Quá trình đàm phán bắt đầu từ sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ chấp thuận chủ trương vào tháng 3-2023. Công ty Bharat Forge được chọn tham gia đàm phán sau khi vượt qua các giai đoạn đánh giá kỹ thuật và đấu thầu thương mại, cũng như chứng minh được rằng hệ thống pháo này đáp ứng các yêu cầu của Lục quân Ấn Độ.
Hệ thống pháo kéo tiên tiến ATAGS là sản phẩm hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và các đối tác tư nhân, gồm Bharat Forge Limited và Tata Advanced Systems. ATAGS là hệ thống pháo kéo cỡ nòng 155mm/52 caliber, với tầm bắn hơn 48km khi sử dụng đạn đặc biệt, vượt xa các hệ thống pháo truyền thống. ATAGS được trang bị công nghệ tự động hóa tiên tiến, bao gồm tự động ngắm bắn và nạp đạn, giúp tăng hiệu suất trên chiến trường và giảm công sức cho kíp chiến đấu. Pháo ATAGS bắn duy trì phát một hoặc bắn cấp tập. Thiết kế dạng mô-đun giúp ATAGS hoạt động tốt trên nhiều địa hình và tương thích với nhiều loại đạn dược. Các xe kéo pháo đi kèm đảm bảo khả năng cơ động nhanh chóng, hỗ trợ triển khai và di chuyển kịp thời để bảo toàn lực lượng trong chiến đấu. ATAGS đã được thử nghiệm trong các môi trường điều kiện khắc nghiệt, từ sa mạc đến vùng núi cao, và chứng minh hiệu suất vượt trội.
Việc ký kết hợp đồng sẽ không chỉ giúp hiện đại hóa lực lượng pháo binh của Lục quân Ấn Độ mà còn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, nâng cao vị thế của ngành quốc phòng trong nước. Bên cạnh đó, với những khả năng đã được chứng minh, ATAGS có tiềm năng lớn để trở thành một mặt hàng xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ hoàn tất vào cuối năm tài chính 2024-2025. Dù giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ, nhưng đây được xem là bước ngoặt quan trọng, khẳng định khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường vũ khí toàn cầu.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)