* Israel công bố video đường hầm kiên cố dưới bệnh viện al Shifa ở Gaza
Đoạn phim, được cho là quay tại al Shifa- bệnh viện lớn nhất Gaza, bắt đầu bằng những hình ảnh được mô tả là “trục đường hầm” trông giống như một lỗ tròn trên mặt đất.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trục đường hầm sâu 10m, được điều chỉnh bằng cách sử dụng thang dài 3m và cầu thang xoắn ốc dài 7m. Cuối trục là một đoạn đường hầm gồm hai phần với độ dài tổng cộng 55m. IDF cho biết, đường hầm được vận hành bởi Hamas.
Trục đường hầm được phát hiện sau một vụ nổ. Đường hầm có cửa chống nổ và lỗ châu mai. Ảnh: Sky News |
“Lối vào đường hầm chứa nhiều cơ chế phòng thủ khác nhau, như cửa chống nổ và lỗ châu mai”. Đây là nỗ lực của Hamas nhằm ngăn chặn lực lượng Israel, IDF cho biết trên nền tảng mạng xã hội X, trước đây là Twitter.
Nhà phân tích quân sự Sean Bell của Sky News cho biết robot đã được sử dụng để tiếp cận đường hầm vì đây là môi trường tiềm ẩn nguy hiểm cho quân đội. Nhà phân tích này cho biết, đây là bằng chứng cho thấy Hamas có vẻ như đã hoạt động dưới lòng đất.
Hamas và nhân viên bệnh viện đã từng phủ nhận tuyên bố của IDF về việc Hamas có một trung tâm chỉ huy ngay dưới bệnh viện.
Richard Brennan, giám đốc khẩn cấp khu vực của Tổ chức Y tế thế giới, cho biết “bất kỳ việc sử dụng cơ sở y tế nào cho mục đích quân sự đều vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.
* Nga chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình siêu âm tầm rộng Su-30MK?
Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga đã được cấp bằng sáng chế máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi với khả năng siêu âm và cận âm.
Những hình ảnh được cho là máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi do Nga phát triển. Ảnh trên: 5Mods, ảnh dưới: X (Twitter) |
Mặc dù không cung cấp tài liệu về bằng sáng chế, các nhà phân tích của TASS, cho rằng chiếc máy bay chiến đấu cải tiến này của UAC có nhiều nét tương đồng với máy bay chiến đấu Su-30MK.
Bulgarian Military dẫn thông cáo báo chí TASS đăng tải nhấn mạnh ngoài khả năng nhanh chóng phát hiện và loại bỏ các mục tiêu trên không, trên mặt đất ở các tốc độ bay và độ cao khác nhau, máy bay chiến đấu tàng hình chiến thuật hai chỗ ngồi, đa chức năng này còn đóng vai trò là trung tâm chỉ huy trên không để điều phối hoạt động của các nhóm máy bay trong môi trường định hướng mạng, các đơn vị quân sự trên mặt đất, và các phương tiện bay không người lái.
Điểm nổi bật của phát minh này là tầm bay được tăng lên và thời gian bay kéo dài nhờ mở rộng thùng nhiên liệu thêm 10% so với thiết kế ban đầu.
Tuy nhiên, “sự mới mẻ” của chiếc máy bay này đã khiến một số chuyên gia Nga cho rằng đây là phiên bản hai chỗ ngồi của Su-75 Checkmate vì các lý do sau: Thứ nhất là đã có một nguyên mẫu; thứ hai là ngày 13-11, Denis Manturov, người đứng đầu Bộ Công Thương, tuyên bố nguyên mẫu Su-75 sẽ xuất hiện trước cuối năm 2025; thứ ba là hiện chỉ có hai máy bay chiến đấu tàng hình được biết đến do Nga sản xuất, Su-57 được sản xuất hàng loạt và Su-75 đầy triển vọng.
Bất chấp sự hoài nghi, các chuyên gia cũng không hoàn toàn bác bỏ khả năng các kỹ sư Nga đang thiết kế hoặc thực sự chế tạo một máy bay chiến đấu hoàn toàn mới với thiết kế sáng tạo.
Hai năm trước, thế giới đã bất ngờ khi Nga tuyên bố chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình mới một động cơ Su-75 Checkmate.
Su-30MK là phiên bản thương mại hóa của Su-30M, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1993.
* IRGC công bố tên lửa đạn đạo mang đầu đạn HGV
Lực lượng hàng không vũ trụ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiết lộ một phiên bản mới của tên lửa đạn đạo Fattah được trang bị đầu đạn phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV).
Tên lửa đạn đạo Fattah được trang bị đầu đạn phương tiện lướt siêu vượt âm. Ảnh minh họa: Tasnim Military |
Tên lửa này đã được trưng bày trong chuyến thăm của lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Ayatollah Seyed Ali Khamenei, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran, tới cuộc triển lãm thành tựu của lực lượng hàng không vũ trụ IRGC ở Tehran ngày 19-11.
Tháng 6, phiên bản đầu tiên của Fattah với tầm bắn 1.400km đã được ra mắt.
Theo Hãng thông tấn Tasnim, đầu đạn của Fattah-I có động cơ hình cầu chạy bằng nhiên liệu rắn với vòi phun có thể di chuyển được cho phép tên lửa di chuyển theo mọi hướng. Tuy nhiên, Fattah-II được trang bị đầu đạn HGV có thể cơ động và lướt với tốc độ siêu thanh. Đầu đạn HGV cho phép tên lửa đạn đạo thay đổi đáng kể quỹ đạo sau khi phóng.
Tùy thiết kế và tiện ích, đầu đạn có thể đạt tốc độ từ Mach 5 đến 20.
Tên lửa đạn đạo thông thường đi theo quỹ đạo đạn đạo có thể dự đoán được và rất dễ bị các hệ thống phòng không tấn công. Khả năng cơ động trong quá trình bay của HGV khiến chúng trở nên khó đoán, cho phép né các hệ thống phòng không một cách hiệu quả.
MAI HƯƠNG(tổng hợp)