Quân sự thế giới hôm nay (2-6): Nga bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Kyrgyzstan

02/06/2024 07:07

Quân sự thế giới hôm nay (2-6-2024) có những nội dung sau: Mỹ bắt đầu đưa vào sử dụng UAV theo sáng kiến Replicator, Nga bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Kyrgyzstan, tàu đổ bộ Nhật Bản tham gia tập trận đa quốc gia ở Thái Bình Dương.

* Mỹ bắt đầu đưa vào sử dụng UAV trong sáng kiến Replicator

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đã bắt đầu tiếp nhận lô máy bay không người lái (UAV) đầu tiên trong sáng kiến Replicator, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong chiến lược triển khai hàng nghìn UAV vào tháng 8-2025.

Là sáng kiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, Replicator tập trung vào 4 tiêu chí bao gồm: Nhỏ gọn, thông minh, giá thành rẻ và số lượng lớn. Về tiêu chí nhỏ gọn, Replicator tập trung vào các nền tảng có kích thước nhỏ gọn, cho phép triển khai dễ dàng hơn và khả năng bị phát hiện thấp hơn. Bên cạnh đó, các nền tảng được trang bị hệ thống tự động hóa có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và có khả năng giảm sự can thiệp của con người. Sáng kiến cũng nhắm mục tiêu sản xuất các nền tảng với chi phí thấp, cho phép sản xuất và triển khai hàng loạt. Giá thành rẻ sẽ dẫn đến việc dễ đáp ứng yêu cầu về số lượng nhiều, việc sở hữu vô số hệ thống này có thể mang lại lợi thế đáng kể và khiến đối phương gặp khó khăn.

UAV cảm tử Switchblade 600 là một trong những hệ thống đầu tiên được hưởng lợi từ nguồn tài trợ này. Ảnh: AeroVironment

Giai đoạn đầu tiên của sáng kiến có tên gọi Replicator 1 dự kiến sẽ được triển khai trong khoảng 18 đến 24 tháng. Từ trước đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vận hành hơn 11.000 UAV cho mục đích đào tạo, giám sát và thử nghiệm. Những loại UAV này bao gồm RQ-11B Raven hạng nhẹ cho đến UAV do thám RQ-4 Global Hawk với kích cỡ lớn.

Bộ Quốc phòng nước này cũng đã phân bổ 500 triệu USD từ dự luật chi tiêu quốc phòng năm tài chính 2024 để hỗ trợ Sáng kiến Replicator. UAV cảm tử Switchblade 600 là một trong những hệ thống đầu tiên được hưởng lợi từ nguồn ngân sách này. Được thiết kế để bay lảng vảng trước khi tấn công mục tiêu, vũ khí này đang được lực lượng Ukraine sử dụng.

Mặc dù vậy, thông tin về số lượng cũng như đơn vị tiếp nhận vẫn được giữ bí mật, nhưng nhiều người suy đoán, những UAV này có thể được triển khai đến các vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, liên lạc, và làm mồi nhử.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang nỗ lực có thêm 500 triệu USD trong ngân sách năm tới cho sáng kiến này.

* Nga bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Kyrgyzstan

Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Kyrgyzstan Ruslan Mukambetov mới đây xác nhận, nước này sẽ sớm nhận được hệ thống phòng không S-300 từ Nga.

Khả năng phòng không hiện tại của Kyrgyzstan chủ yếu bao gồm các hệ thống có từ thời Liên Xô, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn 9K32 Strela-2 và 9K35 Strela-10, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka, và pháo phòng không S-60, S-75M3 Dvina. Trong nhiều thập kỷ qua, nước này cũng vận hành một hệ thống tên lửa S-125 Neva/Pechora.

Trong những năm gần đây, Kyrgyzstan đã bắt đầu hiện đại hóa hạ tầng phòng không. Cùng với việc mua các hệ thống tên lửa phòng không Pechora-2BM từ Belarus và máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như Bayraktar TB2, Akıncı, Aksungur và Anka,  Kyrgyzstan đang đàm phán với Nga để mua các hệ thống như S-300 và có thể là S-400 trong tương lai.

Tổ hợp tên lửa S-300 có nhiều biến thể khác nhau.  Ảnh: Armyrecognition

Hệ thống phòng không S-300 được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1970 và được Nga liên tục nâng cấp. Được thiết kế bởi Cục thiết kế trung ương Almaz, S-300 là một trong những hệ thống phòng không tích hợp có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu và tấn công bằng nhiều loại tên lửa khác nhau. Hiện tại, hệ thống này đã phát triển với nhiều biến thể, bao gồm S-300P và S-300V. Nhiều nâng cấp đã giúp hệ thống này trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phòng không của Nga.

S-300 có khả năng theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, phát hiện mục tiêu ở phạm vi lên tới 300km và hoạt động ở độ cao lên tới 27km. Hệ thống có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo với tên lửa đạt tốc độ Mach 6 (khoảng 7.428km/giờ). Thời gian triển khai hệ thống là 5 phút, cho phép phản ứng nhanh trước các mối đe dọa. Hệ thống phòng không này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có tính cơ động cao, với các bộ phận có thể gắn trên xe giúp triển khai một cách nhanh chóng. Những tính năng này giúp cho S-300 trở thành hệ thống phòng không đa năng được nhiều quốc gia sử dụng.

* Tàu đổ bộ lớp Osumi của Nhật Bản tham tập trận của Pháp ở Thái Bình Dương

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Pháp, tàu đổ bộ JS Kunisaki lớp Osumi của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia MARARA 2024 do Pháp đứng đầu diễn ra tại Polynesia thuộc Pháp

Là cuộc tập trận quân sự đa quốc gia, MARARA tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Cuộc tập trận được tổ chức 2 năm một lần nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các nước tham gia, nâng cao khả năng ứng phó chung và tăng cường ổn định khu vực.

Tàu đổ bộ lớp Osumi JS Kunisaki của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Năm nay, cuộc tập trận MARARA có sự tham gia của lực lượng đến từ 15 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Peru, Singapore và Thái Lan. Mỹ đã gửi lực lượng Thủy quân lục chiến, Lục quân, Hải quân và Cảnh sát biển tham gia sự kiện này.

Tại sự kiện năm nay (diễn ra từ ngày 27-5 đến 8-6), lực lượng các nước thực hiện các nội dung khác nhau như chăm sóc thương binh, tìm kiếm cứu nạn và hoạt động ứng phó thảm họa. Trong các nội dung được tổ chức trên các đảo Tahiti và Huahine, các lực lượng thể hiện khả năng ứng phó với các thảm họa liên quan đến lốc xoáy.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (2-6): Nga bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Kyrgyzstan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO