* Gói nâng cấp chiến đấu cơ F-35 lại tiếp tục bị trì hoãn
Theo Air & Space Magazine (Tạp chí Hàng không và vũ trụ), gói nâng cấp cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, còn được gọi là gói làm mới công nghệ 3 (TR-3), lại tiếp tục bị trì hoãn. Điều này khiến mốc thời gian bàn giao F-35 cho các đối tác tiếp tục bị đẩy lùi lại.
Phản ứng trước những thông tin này, Lầu Năm Góc vẫn giữ lập trường cứng rắn: Từ chối nhận các phiên bản F-35 còn thiếu nâng cấp. Do đó, việc đưa vào sử dụng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này bị trì hoãn đáng kể. Có nhiều yếu tố gây ra sự chậm trễ này của Lockheed Martin, bao gồm từ các vấn đề liên quan tích hợp phần mềm và cả sự chậm trễ trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử.
Gói nâng cấp chiến đấu cơ F-35 lại tiếp tục bị trì hoãn. Ảnh: Bulgarian Military |
Các nghị sĩ Mỹ đã không hề giấu giếm sự thất vọng về những chậm trễ liên tục kéo dài này, điển hình là Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Donald Norcross. Ông Donald Norcross đã bày tỏ sự thất vọng rõ ràng của mình trong phiên điều trần gần đây nhất của Ủy ban Quân vụ Hạ viện như sau: “Hết năm này qua năm khác, chúng ta lại gặp nhau trong chính căn phòng này và lần nào gặp nhau thì vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Bất cứ ai nhìn vào đây đều có thể dễ dàng hiểu được nguồn cơn đem lại sự thất vọng cho chúng tôi”.
Lockheed Martin đã đề xuất một giải pháp thay thế trong khi tiếp tục giải quyết cuộc khủng hoảng đối với chiến đấu cơ thế hệ mới nhất này của Mỹ. Đó là Lockheed Martin sẽ bàn giao một số bản F-35 đã được nâng cấp một phần theo gói TR-3. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch này của Lockheed Martin thì những phiên bản nâng cấp một phần của chiến đấu cơ F-35 có thể sẽ được phép bay vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.
Military Watch cho biết, ông Jim Taiclet, Giám đốc điều hành Lockheed Martin, cũng xác nhận rằng công ty sẽ chỉ bàn giao được từ 75 đến 110 chiếc F-35 trong năm 2024; tức là chỉ đạt mức giao hàng từ 50-73% so với dự kiến. Sau đợt cắt giảm sản lượng trước đó vào năm 2023, việc cắt giảm thêm sản lượng sản xuất trong năm 2024 khiến năm nay rất có thể là năm đầu tiên chiến đấu cơ thế hệ thứ năm J-20 của Trung Quốc có khả năng vượt qua F-35 để trở thành máy bay chiến đấu thế hệ mới được sản xuất nhiều nhất trên thế giới.
* Boeing nhận thêm hợp đồng sản xuất máy bay trực thăng MH-139A Grey Wolf
Theo Military Leak, Không quân Mỹ tiếp tục ký kết hợp đồng trị giá 178 triệu USD với Boeing. Hợp đồng sẽ bao gồm việc Boeing sản xuất 7 máy bay trực thăng MH-139A Grey Wolf (Sói xám) và cung cấp gói bảo trì và huấn luyện cho Không quân Mỹ.
Boeing nhận hợp đồng sản xuất máy bay trực thăng MH-139A Grey Wolf. Ảnh: Military Leak |
Như vậy, tổng số máy bay trực thăng MH-139A Grey Wolf Không quân Mỹ đã ký kết với Boeing đến nay đã lên đến con số 26. Trực thăng MH-139A Grey Wolf đầu tiên được đưa vào bay thử là vào tháng 12-2023 và hiện đang tiếp tục được thử nghiệm bổ sung. Những chiếc còn lại theo hợp đồng hiện đang trong các giai đoạn sản xuất khác nhau. Tháng 9-2018, MH-139 Grey Wolf đã được Không quân Mỹ chọn để thay thế đội bay UH-1N. Giám đốc chương trình MH-139 Azeem Khan cho biết: “Việc phát triển "Sói xám" và hướng tới sản xuất mẫu trực thăng này với công suất tối đa là một bước quan trọng trong ưu tiên hiện đại hóa quân đội Mỹ”.
MH-139A Grey Wolf của Boeing là máy bay trực thăng đa nhiệm được phát triển dựa trên phiên bản máy bay trực thăng thương mại AW139 đã được đưa vào sử dụng trước đó. Với hiệu suất, tính linh hoạt trong vận hành và độ an toàn cao, MH-139A sẽ đảm nhiệm vai trò bảo vệ các cơ sở tên lửa đạn đạo liên lục địa và vận chuyển các quan chức chính phủ và lực lượng an ninh Mỹ.
Được tích hợp các hệ thống khí tài chưa từng có như hệ thống điện tử hàng không và sàn đáp hiện đại, MH-139A có tính linh hoạt cao và hiệu suất vận hành vượt trội, có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ trong Không lực Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Những ưu thế vượt trội của MH-139A bao gồm: Bay nhanh hơn 50%, bay xa hơn 50%, cabin lớn hơn 30% và sức nâng tăng thêm 5.000 pound (2.267kg) so với nền tảng cũ (AW139), có khả năng lái tự động hoàn toàn để giảm tải công việc cho phi công, có kích thước phù hợp để tối ưu hoạt động và giảm chi phí vận hành và hỗ trợ.
* Zimbabwe đặt mua máy bay huấn luyện Super Mushshak của Pakistan
Zimbabwe đặt mua máy bay huấn luyện Super Mushshak của Pakistan. Ảnh: airforce-technology.com |
Theo Military Africa, Tập đoàn Hàng không Kamra của Pakistan đã nhận được hợp đồng cung cấp 12 máy bay huấn luyện Super Mushshak cho Zimbabwe. Cũng theo Military Africa, hợp đồng có giá trị hàng triệu USD này đã được nhắm tới khi Zimbabwe tham gia một triển lãm an ninh và quốc phòng do Islamabad tổ chức vào năm 2022. Tại triển lãm này, đã có 30 hợp đồng các loại được ký kết.
Máy bay huấn luyện MFI-17 Super Mushshak là loại máy bay hạng nhẹ 2 hoặc 3 chỗ ngồi, sử dụng một động cơ, với thiết kế càng hạ cánh có 3 bánh cố định, không thu vào khi bay. Máy bay được phát triển đáp ứng tiêu chuẩn FAR 23 của Mỹ, có thể cất cánh từ các đường băng ngắn được chuẩn bị ngẫu nhiên. Máy bay được trang bị động cơ piston 260 mã lực với các tùy chọn buồng lái kính hiện đại, hệ thống kiểm soát tình huống và hệ thống điều khiển kép.
Như vậy, Zimbabwe đã chính thức gia nhập danh sách các quốc gia châu Phi, trong đó có Nigeria, mua máy bay huấn luyện Super Mushshak từ Pakistan.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.