* Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã vượt mức viện trợ hằng năm cho Afghanistan trước đây. Số liệu từ Viện Kinh tế thế giới Kiel cho biết Ukraine đã nhận 46,6 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ chỉ trong một năm qua, trong khi viện trợ cho Afghanistan trong giai đoạn 2001-2010 là 43,4 tỷ USD/năm. Điều đáng nói là viện trợ quân sự cho Ukraine không tính vũ khí và khí tài quân sự hiện vật.
Dữ liệu của Viện Kiel cũng so sánh viện trợ quân sự hằng năm của Mỹ trong các cuộc chiến trước đây nước này từng can dự với giá trị đồng USD quy đổi theo thời giá 2022. Ảnh: Viện kinh tế thế giới Kiel |
Dữ liệu của Viện Kiel cũng so sánh viện trợ hằng năm của Mỹ trong các cuộc chiến trước đây nước này từng can dự với giá trị đồng USD quy đổi theo thời giá 2022. Theo đó, Mỹ đã viện trợ quân sự cho:
- Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1965-1975: 90,9 tỷ USD/năm.
- Iraq trong giai đoạn 2003-2010: 125,1 tỷ USD/năm.
- Hàn Quốc trong giai đoạn 1950-1953: 138,2 tỷ USD/năm.
* Ba Lan sẽ mua xe thiết giáp chiến đấu mới để thay thế cho thế hệ xe chiến đấu đang lỗi thời hiện tại. Ngày 2-3, Defense News cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký hợp đồng với Huta Stalowa Wola cung cấp xe chiến đấu bộ binh Borsuk.
Tại buổi lễ ký kết chính thức, ông Błaszczak khẳng định: “Ký kết hợp đồng mua sắm 1.400 xe chiến đấu bộ binh Borsuk cho quân đội Ba Lan là dự án lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan trong 50 năm trở lại đây”.
Ông Błaszczak cũng cho biết quân đội sẽ nhận 4 chiếc Borsuk đầu tiên vào cuối năm nay. Xe chiến đấu bộ binh Borsuk được trang bị súng máy 30mm Mk44 Bushmaster II S và súng máy UKM-2000C 7,62mm. Dự kiến Borsuk sẽ thay thế tất cả xe chiến đấu bộ binh BWP-1, một biến thể của BMP-1, đã già cỗi của Ba Lan. Trên chiến trường, xe chiến đấu bộ binh Borsuk sẽ phối hợp tác chiến cùng xe tăng K2 Black Panther do Hàn Quốc sản xuất được Ba Lan đặt hàng 1.000 chiếc vào năm ngoái. Ngoài K2 Black Panther, Ba Lan cũng dự định sẽ mua xe thăng M1A2 Abrams của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak trong lễ tiếp nhận xe tăng K2 Black Panther đặt hàng từ Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images |
* Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng với công ty khởi nghiệp (startup) Air Company về dự án sản xuất nhiên liệu cho máy bay phản lực từ khí CO2. Startup về nhiên liệu hàng không bền vững này nhận được hợp đồng trị giá 65 triệu USD để nghiên cứu và phát triển hệ thống chiết xuất CO2 từ không khí và chuyển đổi nó thành ethanol, methanol và parafin.
Air Company đã nghiên cứu xong quy trình chuyển đổi CO2 thành nhiên liệu phản lực và đã công bố sách trắng về quy trình này, tuyên bố đã loại bỏ một bước trong quy trình Fischer-Tropsch đã tồn tại gần 100 năm nay. Quy trình của Air Company gồm các bước tạo ra, thu và lưu giữ khí CO2 từ việc lên men ngô công nghiệp, sau đó điện phân nước để tạo khí hydro và oxy. Oxy được xả vào môi trường, còn hydro được nạp vào lò phản ứng cùng khí CO2 thu được từ ngô và một chất xúc tác khác để phản ứng hóa học xảy ra, tạo thành ethanol, methanol, nước và paraffin. Quá trình chưng cất sẽ tách riêng các thành phần này để sử dụng cho các sản phẩm khác như sản xuất rượu vodka, nước sát khuẩn tay và nhiên liệu hàng không bền vững.
Tuy nhiên, công ty còn xa mới đạt được mục tiêu là tạo phạm vi ảnh hưởng rộng lớn. Hợp đồng với Bộ Quốc phòng sẽ giúp Air Company tinh chỉnh quy trình sản xuất và xây dựng nhà máy sản xuất quy mô lớn.
* Hãng tin Yonhap đưa tin ngày 2-3 Hải quân Hàn Quốc nhận tàu hộ vệ tên lửa mới lớp Pohang có trang bị tăng cường vũ khí chống ngầm trong bối cảnh nước này đang tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm đối phó với những thách thức an ninh khu vực.
Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch thay thế đội tàu đang đến niên hạn loại biên bằng các tàu chiến hiện đại. Ảnh: Yonhap News |
Theo Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), tàu hộ vệ tên lửa Pohang có lượng giãn nước 2.800 tấn và được đóng tại Nhà máy đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo. Đây là tàu chiến thứ 6 trong số các tàu chiến đóng mới theo chương trình mua sắm tăng cường năng lực quốc phòng của Hàn Quốc có mật danh FFX Batch-II. Theo chương trình, Hải quân Hàn Quốc sẽ đóng tàu chiến có lượng giãn nước lớn hơn nhằm thay thế cho đội tàu 1.500 và 1.000 tấn sắp đến niên hạn loại biên.
Tàu hộ vệ tên lửa Pohang dài 122m, có thể trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa dẫn đường hạm đối hạm và máy bay trực thăng săn ngầm. Ngoài ra, bản thân Pohang cũng được tăng cường khả năng phát hiện và tấn công tàu ngầm với hệ thống dò âm và ngư lôi chống ngầm tầm xa. Pohang sẽ là lớp tàu chiến chủ lực của Hải quân Hàn Quốc trong tương lai.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)