Quân sự thế giới hôm nay (2-12): Pháp nâng cấp pháo tự hành CAESAR, Mỹ hoãn phóng phi thuyền X-37B

02/12/2023 06:34

Quân sự thế giới hôm nay (2-12) có những nội dung sau: Pháp nâng cấp pháo tự hành CAESAR, Mỹ lùi lại thời điểm phóng phi thuyền bí ẩn X-37B, Hàn Quốc đề nghị cung cấp tàu ngầm KSS III cho chương trình tàu ngầm Orka của Ba Lan…

* Pháp nâng cấp pháo tự hành CAESAR

Theo Army Recognition, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu mới đây đã công bố sáng kiến tích hợp các tính năng mới vào pháo tự hành CAESAR. Sáng kiến thể hiện những nỗ lực của Pháp trong việc hiện đại hóa kho vũ khí cũng như nâng cao năng lực quốc phòng trước những thách thức an ninh toàn cầu hiện nay.

Pháo tự hành CAESAR cấu hình 6x6 được trang bị hệ thống pháo cỡ nòng 155mm. Ảnh: Army Recognition

CAESAR là pháo tự hành bánh lốp do nhà sản xuất vũ khí Nexter Systems của Pháp và tập đoàn quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann của Đức hợp tác phát triển. Theo nhà sản xuất, CAESAR tương thích với tất cả các loại đạn pháo cỡ 155mm của NATO, và pháo tự hành thế hệ mới còn có thể bắn cả các loại đạn thông minh. Hệ thống này có tầm bắn 35-42km tùy từng loại đạn.

CAESAR có 2 phiên bản cấu hình bánh lốp 6x6 và 8x8. CAESAR 6×6 có trọng lượng khoảng 18 tấn, chiều dài tổng thể 10m, chiều cao 3,7m và chiều rộng 2,55m. Kíp điều khiển của hệ thống gồm 4 người. Trong khi đó, phiên bản 8x8 có trọng lượng 32 tấn, chiều dài 12,3m, cao 3,1m và rộng 2,8m, và được vận hành bởi kíp 5 người.

Việc sử dụng khung gầm xe tải bánh lốp giúp pháo tự hành CAESAR có khả năng cơ động cao, dễ bảo dưỡng và sửa chữa hơn so với sử dụng khung gầm bánh xích. Cabin của xe được bọc thép nhằm bảo vệ kíp điều khiển trước các loại đạn 7,62mm và mảnh pháo, trên nóc cabin gắn một súng máy 12,7mm. Pháo có tốc độ bắn 6 phát/phút. Hệ thống cũng có thể bắn loạt 3 phát trong 18 giây do được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động.

CAESAR còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực ATLAS, hệ thống dẫn đường quán tính SIGMA 30, hệ thống định vị toàn cầu GPS, radar đo sơ tốc đầu nòng, cùng nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại khác.

Pháo tự hành CAESAR được đưa vào biên chế Lục quân Pháp từ tháng 7-2008 và hiện đang được sử dụng tại một số quốc gia như Pháp, Indonesia, Saudi Arabia và Thái Lan.

* Mỹ lùi thời gian phóng phi thuyền bí ẩn X-37B

Trang Space đưa tin, Lực lượng Không gian Mỹ thông báo lùi lại thời điểm phóng máy bay không gian X-37B.

Lực lượng Không gian Mỹ chuẩn bị phóng X-37B. Ảnh: U.S. Space Force

Theo lịch ban đầu, tên lửa SpaceX Falcon Heavy mang máy bay không gian X-37B sẽ được phóng vào ngày 7-12 từ bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida để thực hiện sứ mệnh thứ 7 của mình. Tuy nhiên, vụ phóng bị lùi lại đến ngày 10-12.

X-37B là phi thuyền không người lái do hãng Boeing chế tạo với thiết kế tương tự tàu con thoi nhưng có kích thước nhỏ hơn. Phi thuyền này có chiều dài 8,9m, cao 2,9m và sải cánh rộng 4,5m, được phóng lên bằng tên lửa đẩy sau đó tách ra và hoạt động trong không gian bằng các tấm pin năng lượng mặt trời. Động cơ của phi thuyền giúp nó quay về Trái đất và hạ cánh như máy bay thông thường.

Vụ phóng thử tên lửa Falcon Heavy năm 2018. Ảnh: SpaceX

Không quân Mỹ đã chế tạo hai máy bay X-37B. Tính đến thời điểm hiện tại, X-37B đã hoàn thành 6 nhiệm vụ quỹ đạo với tổng thời gian hoạt động là 3.774 ngày. Phi thuyền tối mật này thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2010.

Cũng theo Space, trong các nhiệm vụ trước đó, X-37B được phóng lên bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX và Atlas V của United Launch Alliance (ULA), công ty chung của Lockheed Martin và Boeing. Đây là lần đầu tiên X-37B được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.

Lực lượng Không gian Mỹ cũng tiết lộ rằng một trong những nhiệm vụ của X-37B trong sứ mệnh thứ 7 lần này là vận hành phi thuyền "theo chế độ quỹ đạo mới", từ đó đẩy phi thuyền lên quỹ đạo cao hơn bình thường.

* Hàn Quốc đề nghị cung cấp tàu ngầm KSS III cho chương trình tàu ngầm Orka của Ba Lan

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Warsaw (Ba Lan), Hanwha Ocean - công ty đóng tàu Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài với Ba Lan trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là hải quân.

Tàu ngầm KSS III Dosan Ahn Chang-ho của Hải quân Hàn Quốc. Ảnh: ROK Ministry of National Defense

Công ty cho biết sẵn sàng cung cấp tàu ngầm KSS-III, một trong những tàu ngầm tốt nhất thế giới, cho Chương trình mua tàu ngầm mang tên “Orka” của Ba Lan. Không chỉ cung cấp các tàu ngầm hiện đại, Hanwha Ocean cũng đề nghị cung cấp các chương trình huấn luyện toàn diện, bao gồm các khóa học cơ bản về tàu ngầm, huấn luyện chiến thuật mô phỏng và huấn luyện trên biển cho Hải quân Ba Lan.

Bên cạnh đó, Hanwha Ocean cũng cho biết Hải quân Hàn Quốc sẵn sàng hỗ trợ các cuộc thử nghiệm và huấn luyện trên biển cũng như chia sẻ kinh nghiệm vận hành và bảo trì tàu ngầm với Ba Lan. Trước đó, Hanwha Ocean đã cung cấp pháo tự hành K9 Thunder 155mm, hệ thống pháo phản lực phóng loạt K239 Chunmoo, xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và máy bay chiến đấu tấn công hạng nhẹ KA-50 cho quốc gia Trung Âu này.

Hiện đang phục vụ trong lực lượng Hải quân Hàn Quốc, tàu ngầm KSS III có trọng lượng 3.600 tấn, chiều dài 83,5m, rộng 9,6m, trọng tải khoảng 3.000 tấn, có thể chở thủy thủ đoàn 50 người.

Trong giai đoạn đầu tiên của chương trình phát triển tàu ngầm lớp KSS-III, Hàn Quốc có 3 tàu ngầm: ROKS Dosan Ahn Chang-ho, Ahn Mu và Shin Chae-ho. Tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho được đưa vào hoạt động vào tháng 8-2021, tàu ROKS Ahn Mu được đưa vào vận hành đầu năm nay, và tàu ngầm ROKS Shin Chae-ho dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (2-12): Pháp nâng cấp pháo tự hành CAESAR, Mỹ hoãn phóng phi thuyền X-37B
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO