* Máy bay siêu vượt âm SR-72 của Mỹ mạnh thế nào?
Được phát triển bởi Lockheed Martin, SR-72 được đánh giá là bước nhảy vọt mang tính chuyển đổi trong công nghệ siêu thanh. Là phiên bản kế nhiệm của SR-71 Blackbird, máy bay thế hệ tiếp theo này được thiết kế với tốc độ tối đa Mach 6 (khoảng 7.400km/giờ), nhanh gần gấp đôi bản tiền nhiệm, cùng nhiều khả năng vượt trội phù hợp với các tình huống chiến đấu hiện đại.
Trước đó, vào tháng 11-2018, Lockheed Martin xác nhận, nguyên mẫu SR-72 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2025 và nền tảng mang tên lửa siêu vượt âm này có thể sẽ đi vào hoạt động vào những năm thập niên 2030. Thiết kế của SR-72 phản ánh sự hội tụ của những tiến bộ công nghệ và nhu cầu chiến lược.
Với tốc độ Mach 6, máy bay có thể vượt qua ngay cả những hệ thống phòng không tinh vi nhất, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-500. Hoạt động ở độ cao vượt xa các máy bay chiến đấu hiện tại, nền tảng này có thể sẽ phóng tên lửa siêu vượt âm với tốc độ và độ chính xác lớn, cho phép tấn công nhanh các mục tiêu.
Hình ảnh mẫu thiết kết máy bay siêu vượt âm SR-72 của Lockheed Martin. Ảnh: Army Recognition |
Hệ thống đẩy của máy bay được kết hợp giữa động cơ tua-bin và động cơ scramjet, cho phép SR-72 tăng tốc nhanh, duy trì tốc độ siêu vượt âm liên tục trên quãng đường dài. Về mặt vũ khí, SR-72 dự kiến sẽ mang theo tên lửa siêu vượt âm, cho phép tấn công các mục tiêu có giá trị cao chỉ trong vòng vài phút. Cùng với khả năng thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, máy bay có thể tấn công nhanh các hệ thống khí tài của đối phương trong các môi trường có nguy cơ cao.
Tiên tiến là vậy, nhưng việc phát triển SR-72 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vật liệu để đáp ứng tốc độ Mach 6 cùng với lo ngại về khả năng mở rộng sản xuất và tính bền vững khi chi phí phát triển các công nghệ siêu vượt âm là rất cao.
* Australia triển khai xe tăng M1A2 SEP V3 Abrams mới
Theo thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Australia, nước này đã bắt đầu triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams SEP V3 mới mua của Mỹ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của quốc gia này.
Việc triển khai diễn ra 3 tháng sau khi xe được giao đến Australia. Vào giữa tháng 11, 4 trong tổng số 14 chiếc M1A2 SEP V3 đã được biên chế cho Trung đoàn kỵ binh số 2, số còn lại sẽ được bàn giao vào năm 2025. Những xe tăng M1A2 SEP V3 mới này là một phần không thể thiếu trong hệ thống chiến đấu hiệp đồng của Quân đội Australia và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các vị trí chiến lược quan trọng của nước này. Xe tăng được tăng cường đáng kể hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động, bảo đảm quân đội phản ứng hiệu quả với các mối đe dọa hiện đại và hoạt động trong nhiều tình huống chiến đấu.
Xe tăng M1A2 SEP V3 mang nhiều cải tiến so với phiên bản M1A1 Abrams đang trong biên chế. Ngoài khả năng cơ động và bảo vệ vượt trội, phiên bản M1A2 SEP V3 còn được trang bị một loạt các tính năng tiên tiến nhằm cải thiện nhận thức tình huống và hiệu quả hoạt động của kíp lái. Những tính năng này bao gồm thiết bị quan sát nhiệt độc lập của chỉ huy giúp cải thiện khả năng phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa. Xe cũng được trang bị các hệ thống điều khiển hỏa lực nâng cao như máy tính đường đạn kỹ thuật số, máy đo khoảng cách bằng laser và kính ngắm ảnh nhiệt, cho phép lấy phần tử bắn và hạ mục tiêu chính xác hơn.
Một chiếc M1A2 SEP V3 do Mỹ sản xuất mới được chuyển đến cho Quân đội Australia. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia |
Một trong những cải tiến rõ nhất của M1A2 SEP V3 là trạm vũ khí điều khiển từ xa (RWS). Hệ thống này cho phép kíp lái vận hành vũ khí gắn trên xe, chẳng hạn như súng máy cỡ nòng 7,62mm và súng phóng lựu MK19 40mm ở khoảng cách an toàn. Các giá đỡ thấp cho những vũ khí này cung cấp khả năng bảo vệ nâng cao cho kíp lái trong khi vẫn duy trì hiệu quả hoạt động.
Đến cuối năm 2025, Australia dự kiến sẽ có tổng cộng 75 xe tăng M1A2 SEP V3, thay thế các biến thể M1A1 cũ hơn hiện đang sử dụng. Đào tạo chuyển đổi kíp lái đã được tiến hành để bảo đảm khả năng vận hành các hệ thống mới, đồng thời bảo đảm sự tích hợp liền mạch vào lực lượng thiết giáp của quân đội nước này.
* Máy bay chiến đấu F-16 sẽ trình diễn cùng UAV Bayraktar TB2
Bộ Quốc phòng Romania thông báo, một cuộc diễu binh quy mô lớn sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm 106 năm Quốc khánh Romania. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 2.500 binh lính cùng các chuyên gia quân sự, 190 phương tiện và 45 máy bay. Đặc biệt, màn kết hợp giữa máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất được người dân chờ đón.
Việc mua UAV Bayraktar TB2 đã được công khai vào năm 2023 thông qua một thỏa thuận mua 18 chiếc, các thiết bị liên quan và các gói bảo trì trị giá khoảng 300 triệu USD với Thổ Nhĩ Kỳ. Những chiếc đầu tiên đã được giao cho Romania vào tháng 6-2024, số còn lại dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2025, củng cố đáng kể năng lực UAV của Romania, cung cấp cho quân đội một nền tảng linh hoạt cho cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công.
Bayraktar TB2 không phải là UAV duy nhất trong kho vũ khí ngày càng lớn mạnh của Romania. Năm 2022, Bộ Quốc phòng Romania cũng đã ký hợp đồng với Elbit Systems của Israel để mua 21 chiếc Watchkeeper X. Bayraktar TB2 nổi bật với cảm biến quang điện/hồng ngoại và khả năng truyền dữ liệu theo thời gian thực. Được trang bị các loại đạn dược chính xác hạng nhẹ như MAM-L và MAM-C, nền tảng này có thể vô hiệu hóa các loại xe bọc thép, pháo binh và hệ thống radar với độ chính xác cao.
F-16 là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư linh hoạt và có nhiều kinh nghiệm thực chiến nhất. Máy bay được trang bị hệ thống radar tiên tiến cùng nhiều loại đạn dẫn đường chính xác nhằm phát hiện, theo dõi và tấn công chính xác máy bay đối phương ở tầm xa.
UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images |
Việc Romania mua máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất và máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội nước này, mang đến cho nước này sự kết hợp mạnh mẽ giữa các hệ thống máy bay có người lái và không người lái tiên tiến.
Sự kết hợp giữa Bayraktar TB2 và các máy bay chiến đấu F-16 trong sự kiện lớn này nhấn mạnh những nỗ lực hiện đại hóa của Romania, chứng minh khả năng tương tác giữa hai nền tảng, thể hiện sự sẵn sàng của quân đội trong thực hiện các hoạt động phức tạp, đa nền tảng.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)