* Pháp bán máy bay Rafale cho Brazil?
Các báo cáo gần đây cho biết, Pháp đã đề xuất bán 24 máy bay chiến đấu đa năng Rafale cho Brazil, một động thái đánh dấu bước tiến tiềm năng trong quan hệ quốc phòng Pháp - Brazil. Đề xuất gần đây của Pháp còn bao gồm một loạt các thiết bị quân sự có thể nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Brazil.
Trọng tâm của lời đề nghị là 24 máy bay chiến đấu Rafale, một nền tảng tinh vi được thiết kế cho cả nhiệm vụ trên không và tấn công mặt đất. Tính đa năng của Rafale là nhờ vào hệ thống vũ khí ấn tượng của nó. Theo đó, máy bay chiến đấu này có thể mang tên lửa không đối không MICA, tên lửa hành trình tầm xa SCALP và vũ khí không đối đất dạng mô-đun AASM.
Máy bay Rafale của Không quân Pháp. Ảnh: aviation.com |
Ngoài ra, Rafale còn hỗ trợ mang tên lửa hành trình chống hạm Exocet. Là quốc gia với đường bờ biển dài, máy bay chiến đấu này được đánh giá sẽ mang lại khả năng tấn công trên biển mạnh mẽ cho Brazil. Rafale cũng có thể mang tên lửa hạt nhân ASMP-A cho các hoạt động chiến lược.
Máy bay được trang bị 2 động cơ Snecma M88-2, vừa cung cấp lực đẩy mạnh mẽ vừa giúp tiết kiệm nhiên liệu. Điều này rất cần thiết cho các hoạt động kéo dài ở những khu vực rộng lớn như vùng Amazon và vùng ven biển của Brazil. Mỗi động cơ M88-2 tạo ra lực đẩy lên tới 16.500 pound, cho phép máy bay đạt tốc độ 2.205km/giờ và trần bay trên 15,2km. Tầm bay chiến đấu hơn 1.600km cho phép máy bay có thể thực hiện các cuộc tuần tra tầm xa mà không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên, điều này rất quan trọng với một quốc gia có lãnh thổ rộng lớn như Brazil.
Rafale cũng nổi bật nhờ công nghệ điện tử hàng không và radar với khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, duy trì mức độ nhận thức tình huống cao ngay cả trong điều kiện bị chế áp điện tử. Điều này đặc biệt có lợi cho các nhiệm vụ đánh chặn và giám sát. Ngoài ra, máy bay chiến đấu này còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Spectra, cung cấp khả năng phát hiện mối đe dọa, khả năng gây nhiễu và các biện pháp đối phó với tên lửa, bổ sung thêm một lớp bảo vệ đảm bảo khả năng sống sót trong môi trường có nguy cơ cao.
* Ba Lan sẽ nhận xe tăng M1A2 SEP V3 Abrams trước thời hạn
Công ty General Dynamics Land Systems của Mỹ vừa mới xác nhận sẽ bàn giao lô xe tăng M1A2 SEP V3 Abrams đầu tiên cho Ba Lan vào cuối năm nay, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Trước đó, vào năm 2022, nước này đã ký hợp đồng trị giá 4,75 tỷ USD để mua 250 xe tăng M1A2 SEP V3, 26 xe cứu hộ M88A2 HERCULES và 17 xe cầu M1110 JAB trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Theo hợp đồng, việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới và hoàn tất vào năm 2026.
Là phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất, M1A2 SEP V3 được đánh giá mạnh mẽ hơn nhiều so với các phiên bản tiền nhiệm nhờ được tích hợp các hệ thống tiên tiến giúp tăng cường đáng kể hiệu quả chiến đấu, khả năng sống sót và hiệu quả hậu cần. Theo đó, với hệ thống kiểm soát hỏa lực và pháo chính 120mm được nâng cấp, máy bay có khả năng bắn các loại đạn đa năng tiên tiến mới. Loại đạn này cho phép người vận hành chuyển đổi giữa các chế độ bắn, giúp cải thiện tính linh hoạt trong chiến đấu và khả năng xử lý đa dạng các mục tiêu từ vị trí bộ binh đến các phương tiện bọc thép.
M1A2 Abrams SEP V3 được nâng cấp đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Khả năng bảo vệ và khả năng sống sót của phiên bản này cũng được cải thiện đáng kể nhờ được trang bị giáp phản ứng nổ và lớp giáp thụ động cùng các hệ thống bảo vệ chủ động (APS) được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn đang bay tới, giúp chống lại các mối đe dọa từ vũ khí nhỏ và đạn chạm nổ. Ngoài ra, SEP V3 còn được trang bị bộ nguồn phụ (APU) để quản lý năng lượng tốt hơn, cung cấp năng lượng cho các hệ thống thiết yếu mà không cần chạy động cơ chính, giúp giảm cả nhiệt và âm thanh của xe.
Phiên bản M1A2 SEP V3 cũng cung cấp khả năng kết nối tiên tiến, tạo điều kiện trao đổi dữ liệu theo thời gian thực với các hệ thống quản lý chiến trường và nâng cao nhận thức về tình huống. Những nâng cấp kỹ thuật số này cho phép các đơn vị chia sẻ thông tin nhanh chóng, hỗ trợ các hoạt động phối hợp và lập kế hoạch chiến thuật.
Việc tiếp nhận mẫu xe tăng này được đánh giá không chỉ giúp Quân đội Ba Lan củng cố năng lực phòng thủ quốc gia mà còn nhấn mạnh cam kết của nước này trong nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và vai trò quan trọng của mình như một đồng minh chiến lược của NATO.
* Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên xuất khẩu tàu mặt nước không người lái
Army Recognition đưa tin, tại Triển lãm Milipol Qatar 2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận bán tàu mặt nước không người lái ULAQ 11 cho Qatar, đánh dấu lần đầu tiên nước này xuất khẩu một tàu mặt nước không người lái.
Thỏa thuận này là minh chứng cho năng lực ngày càng tăng của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong phát triển công nghệ hàng hải tự động. Được thiết kế dành riêng cho các nhiệm vụ bảo vệ cảng và căn cứ, ULAQ 11 với các tính năng tiên tiến, dự kiến sẽ nâng cao năng lực của Qatar trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng. Con tàu hiện đại này được trang bị các cảm biến và hệ thống liên lạc tiên tiến cùng các chức năng tác chiến được điểu khiển bởi AI, cho phép thực hiện giám sát có độ chính xác cao, phát hiện mối đe dọa và các động tác phòng thủ mà không cần thủy thủ đoàn.
Tàu mặt nước không người lái được cho là đang định hình lại chiến tranh hải quân hiện đại bằng cách cung cấp các khả năng tiên tiến cho hoạt động trinh sát, chiến đấu và chiến lược mà không gây nguy hiểm cho con người. Chúng đóng vai trò then chốt trong chiến tranh phi đối xứng, nơi cần có phản ứng nhanh và hiệu quả để giải quyết đa dạng các mối đe dọa, từ tàu chiến của đối phương, khủng bố hoặc cướp biển. Với chi phí sản xuất thấp so với tàu có người lái và giảm khả năng thiệt hại về người, các tàu mặt nước không người lái có thể thực hiện các nhiệm vụ có rủi ro cao.
Trong môi trường có rủi ro cao, tàu loại này sẽ vượt trội nhờ khả năng nhận thức tình huống thông qua hệ thống cảm biến tiên tiến và chức năng tự động. Khả năng thực hiện giám sát tại các khu vực tranh chấp có nghĩa là chúng có thể thu thập thông tin tình báo quan trọng và truyền tải thông tin đó theo thời gian thực. Các tính năng này đặc biệt hữu ích cho việc nhắm mục tiêu tầm xa, theo dõi chuyển động của đối phương và phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng dưới nước như tàu ngầm.
Bản vẽ tàu mặt nước không người lái ULAQ trong tương lai. Ảnh: Meteksan |
Đặc biệt, tính đa năng của tàu mặt nước không người lái trong các hoạt động chiến đấu cũng được nâng cao thông qua chiến thuật "bầy đàn". Theo đó, nhiều chiếc sẽ hoạt động cùng lúc nhằm áp đảo hàng phòng thủ của đối phương, từ đó giúp bảo vệ các khí tài quan trọng và cải thiện khả năng kiểm soát khu vực.
Tàu mặt nước không người lái trong tương lai dự kiến sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo tinh vi hơn nữa, cho phép thích ứng với môi trường chiến đấu phức tạp, tránh bị phát hiện và tối ưu hóa lộ trình. Những tiến bộ này có thể cho phép chúng đảm nhận vai trò trong các nhóm tác chiến tàu sân bay, tăng cường lớp bảo vệ xung quanh các khí tài có giá trị cao như tàu sân bay, cũng như trong các hoạt động chống tàu ngầm, nơi yếu tố tàng hình và tự động là tối quan trọng.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)