* Anduril Industries lần đầu tung video thử nghiệm đạn tuần kích Altius-700M
Theo Military Leak, công ty quốc phòng Anduril của Mỹ mới công bố video thử nghiệm đạn tuần kích Altius-700M. Cuộc thử nghiệm được thực hiện ở một căn cứ quân sự thuộc bang Utah, Mỹ.
Hình ảnh đạn tuần kích Altius-700M tấn công mục tiêu. Ảnh: Military Leak |
Video cho thấy, Altius-700M được phóng đi từ một bệ phóng mặt đất, bay lảng vảng trên không trung một thời gian trước khi tấn công thành công một mục tiêu giả định. Theo nhà sản xuất và nhóm đối tác của Bộ Quốc phòng Mỹ, Altius-700M đã hoàn thành xuất sắc các bài thử nghiệm và đáp ứng tất cả các mục tiêu đề ra, cho thấy đây là hệ thống có khả năng hoạt động chính xác và tấn công hiệu quả các mục tiêu đã chọn.
Thông tin từ Anduril cho biết, Altius-700M có tầm hoạt động tối đa 100 dặm (gần 161km), có thể bay liên tục trong 75 phút và mang đầu đạn nặng 33 pound (15kg), tương đương lượng nổ của tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire. Altius-700M có thể tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, công sự kiên cố. Cũng theo nhà sản xuất, Altius-700M có thể được triển khai từ nhiều nền tảng như mặt đất, trên không và trên biển. Altius-700M cũng có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ khác như thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát và theo dõi mục tiêu.
Video được Anduril công bố về đạn tuần kích Altius-700M. Nguồn: Anduril Industries |
Theo Forbes, Altius-700M có thể sẽ được trang bị cho Lục quân Mỹ từ năm 2025. Hiện, công ty Anduril đã đầu tư hơn 60 triệu USD xây dựng cơ sở sản xuất rộng tới 180.000 foot vuông (gần 17km2) ở Atlanta thuộc bang Georgia để mở rộng quy mô sản xuất Altius-700M. Trong 6 năm qua, Anduril đã thiết kế, sản xuất và cung cấp hàng trăm biến thể Altius cho khách hàng của Chính phủ Mỹ. Với tải trọng chưa từng có, tầm bắn tốt và khả năng tự động cao trong thực hiện các cuộc tấn công phối hợp, Altius-700M hiện đang là loại đạn tuần kích chiến thuật nguy hiểm nhất hiện nay.
* IAI và Bộ Quốc phòng Czech ký hợp đồng cung cấp và bảo trì radar MMR
Ngày 18-3, GBP Aerospace & Defence đưa tin, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) và Bộ Quốc phòng Czech mới ký một hợp đồng cung cấp và bảo trì các radar đa nhiệm (MMR) cho Cộng hòa Czech. Thỏa thuận có thời gian thực hiện 20 năm và cũng có sự tham gia của các công ty địa phương của Czech, RETIA và VTU. Những công ty sẽ đóng vai trò quan trọng là nhà thầu phụ trong các quy trình hoạt động khác nhau.
Radar MMR giúp tăng cường khả năng nhận biết tình huống trên không và có thể tích hợp mượt mà với các hệ thống phòng không như Barak, David’s Sling và Iron Dome. Hiện IAI đã bán ra 200 hệ thống radar MMR cho các đối tác. Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bộ phận Phòng không & Hải quân tại IAI ELTA Eyal Shapira cho biết, hệ thống radar MMR đã được Israel sử dụng rộng rãi và chứng minh hiệu quả trong thực chiến. Radar MMR sẽ giúp Cộng hòa Czech tăng cường đáng kể năng lực phòng không của mình.
IAI và Bộ Quốc phòng Czech ký hợp đồng cung cấp và bảo trì radar MMR. Ảnh: GBP Aerospace & Defence |
Radar MMR có thể cùng lúc xác định và phân loại hàng trăm mục tiêu, bao gồm các phương tiện không người lái, tên lửa, máy bay, hỏa lực pháo binh, và các mối đe dọa khác từ trên không. Đáng chú ý là MMR còn tương thích với các hệ thống phòng không theo chuẩn của NATO.
* Indonesia vẫn có thể mua máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57?
Đạo luật chống lại đối thủ thông qua biện pháp trừng phạt của Mỹ (CAATSA) được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vào năm 2017 đã đặt ra rào cản đối với nhiều quốc gia đang tìm cách mua máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 của Nga. Theo Bulgarian Military, Indonesia là một trong những quốc gia đang vướng phải những khó khăn như vậy trong quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân của mình khi khó có thể tiếp cận và mua được máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57.
Một số nguồn tin Indonesia cho biết, truyền thông Mỹ đã từng đưa tin nếu không có các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA của Mỹ, Không quân Indonesia rất có thể đã được tăng cường tiềm lực với máy bay Su-35 và có thể là máy bay Su-57 trong tương lai. Cũng có thông tin cho rằng, kế hoạch của Indonesia mua Su-35 hoặc Su-57 vẫn có thể được thực hiện nếu quốc gia vạn đảo này tìm được cách “lách qua” các hạn chế của lệnh trừng phạt CAATSA.
Nhiều quốc gia gặp khó khi tìm cách mua máy bay chiến đấu Su-35, Su-57 của Nga do đạo luật CAATSA của Mỹ. Ảnh: RIA Novosti |
Trước đó, tháng 3-2020, Bloomberg trích một nguồn tin ẩn danh của Mỹ cho biết Washington đã thuyết phục Jakarta hủy bỏ thương vụ mua Su-35 với Nga do hoạt động mua sắm này “rơi vào tầm ngắm” của đạo luật CAATSA. Sau một thời gian kín tiếng, Bộ Quốc phòng Indonesia sau đó đã lên tiếng thông báo hủy bỏ hợp đồng Su-35 với Nga do đạo luật CAATSA và chọn mua F-15 EX của Mỹ và Rafale của Pháp.
Bộ Quốc phòng Indonesia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của Không quân Indonesia. Bulgarian Military trích thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Indonesia như sau: “Hiện tại, nhiều máy bay của Không quân, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-5 Tiger, đang sắp hết thời gian sử dụng. Nỗ lực thay thế F-5 Tiger bằng Su-35 hiện đang gặp khó do các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA của Mỹ”.
CAATSA là luật liên bang Mỹ ban hành năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, dù đã phê chuẩn thực hiện luật này, chính ông Trump cũng từng đưa ra một thông báo cho biết luật CAATSA là chưa đầy đủ và còn thiếu sót. Theo kênh YouTube Lycma Mil-Tech, trong quá trình vội vàng thông qua luật CAATSA, Quốc hội Mỹ đã đưa vào một số điều khoản có khả năng vi hiến. Tuy nhiên, cơ hội để Indonesia “lách qua” được luật này là khá nhỏ.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)