Quân sự thế giới hôm nay (19-2): Đức cung cấp thêm pháo tự hành cho Ukraine

19/02/2024 07:11

Quân sự thế giới hôm nay (19-2) có những nội dung sau: Đức sẽ cung cấp thêm pháo tự hành PzH 2000 155mm cho Ukraine; Roketsan phát triển tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser tầm trung LOMTAS; Iran ra mắt tên lửa chống tên lửa đạn đạo mới.

* Đức sẽ cung cấp thêm pháo tự hành PzH 2000 155mm cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Đức mới đây xác nhận sẽ cung cấp thêm 18 pháo tự hành bánh xích 155mm Panzerhausitze 2000 (PzH 2000) cho Ukraine. Quyết định này sẽ giúp tăng số lượng các đơn vị pháo bánh xích 155mm cung cấp cho Ukraine lên gấp đôi.

Việc cung cấp pháo tự hành PzH 2000 là một phần của gói viện trợ lớn hơn của Đức dành cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không, xe bọc thép và công nghệ giám sát tiên tiến.

Pháo tự hành PzH 2000 155mm là xương sống của quân đội Đức trong yểm trợ pháo binh. Ảnh: Army Recognition 

Pháo tự hành PzH 2000, do Đức phát triển, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại.

Được trang bị pháo 155mm, pháo tự hành PzH 2000 có khả năng bắn nhiều loại đạn, từ đạn nổ mạnh đến đạn khói và đạn chiếu sáng. Một trong những tính năng nổi bật nhất của pháo tự hành PzH 2000 là hệ thống nạp đạn tự động, giúp tăng đáng kể tốc độ bắn. Trong điều kiện tối ưu, nó có thể đạt tốc độ bắn 3 phát/9 giây, trong đó nhiều quả đạn được bắn nhanh liên tiếp đến mức chúng có thể hạ cánh đồng thời vào mục tiêu, mặc dù được phóng đi ở những góc bắn khác nhau.

Hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến của lựu pháo cho phép lấy phần tử bắn ở mức độ chính xác cao ở khoảng cách lên tới 30km với đạn tiêu chuẩn và hơn 40km với đạn được hỗ trợ tên lửa. Một số phiên bản của PzH 2000 thậm chí còn có tầm bắn lên tới 50km khi sử dụng đạn đặc biệt.

Tính cơ động là một lợi thế quan trọng của pháo tự hành PzH 2000. Nó có thể di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau, từ sa mạc đến địa hình phủ tuyết, với tốc độ lên tới 60km/giờ.

Pháo tự hành PzH 2000 còn kết hợp các biện pháp bảo vệ phức tạp, bao gồm hệ thống chống vũ khí NBC (hạt nhân, sinh học, hóa học), khiến nó trở thành một khí tài uy lực mạnh trên chiến trường. Sự kết hợp giữa khả năng cơ động nhanh, tốc độ bắn cao và xác định mục tiêu chính xác khiến pháo tự hành PzH 2000 trở nên quan trọng trong các hoạt động quân sự hiện đại, có khả năng định hình động lực chiến trường thông qua khả năng pháo binh vượt trội.

* Roketsan phát triển tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser tầm trung LOMTAS

Roketsan, công ty quốc phòng nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, đang phát triển LOMTAS dựa trên công nghệ tên lửa OMTAS, có hệ thống dẫn đường hồng ngoại (IIR) và tầm bắn hơn 4km.

Tên lửa chống tăng tầm trung OMTAS. Ảnh cắt từ clip: Public Defense

Tên lửa chống tăng LOMTAS vượt trội hơn các loại tên lửa dẫn đường bằng laser như KORNET-E, Skif và Corsar nhờ khả năng dẫn đường bằng laser bán chủ động. Việc sản xuất nhanh chóng khiến nó trở thành một lựa chọn lý tưởng để đáp ứng các yêu cầu tác chiến ngày nay.

Do LOMTAS được phát triển dựa trên OMTAS, nên việc tìm hiểu về vũ khí chống tăng tầm trung này rất cần thiết trong bối cảnh những thông tin về LOMTAS vẫn còn khá kín. Tên lửa OMTAS là vũ khí chống tăng tầm trung tiên tiến của Thổ Nhĩ Kỳ có tính năng hồng ngoại kép và bộ tìm kiếm laser, cho phép tấn công mục tiêu bất kể giờ giấc hay điều kiện thời tiết. Tên lửa được trang bị khả năng “bắn và quên” và “bắn và cập nhật”, giúp nâng cao khả năng thích ứng và hiệu quả trong tác chiến.

Tên lửa OMTAS có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ở khoảng cách xa tới 4km. Nó được trang bị đầu đạn song song để phá hủy giáp phản ứng nổ. Đầu đạn được thiết kế đặc biệt có khả năng xuyên thủng lớp bảo vệ của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.

Một khía cạnh độc đáo của OMTAS là tính năng kép '”tấn công hàng đầu” và “tấn công trực tiếp”. Tính linh hoạt này cho phép nó thực hiện các cuộc tấn công từ trên cao hoặc tấn công trực tiếp dựa trên yêu cầu chiến thuật của nhiệm vụ trước mắt. Tên lửa OMTAS dễ dàng được triển khai trên các phương tiện trên bộ, máy bay trực thăng hoặc phương tiện trên biển, cung cấp giải pháp đa diện trong nhiều điều kiện chiến trường khác nhau.

* Iran ra mắt tên lửa chống đạn đạo mới

Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRNA) đưa tin Iran vừa ra mắt loại vũ khí mới phiên bản nội địa bao gồm hệ thống tên lửa chống đạn đạo Arman và hệ thống phòng không tầm thấp Azarakhsh.

Một tên lửa của Iran được trưng bày trong buổi lễ ra mắt tại căn cứ hải quân ở Konarak, Iran, tháng 12-2023. Ảnh: Reuters

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực khi lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các tàu liên quan đến Mỹ, Anh và Israel ở Biển Đỏ để thể hiện tình đoàn kết với Gaza.

Để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các địa điểm bên trong Yemen cũng như các cơ sở của các nhóm được cho là do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Ngược lại, các căn cứ quân sự của Mỹ đã bị tấn công ở Syria và Iraq. Israel cũng đã tấn công các mục tiêu được cho là của Iran ở Syria.

Theo IRNA, với việc đưa các hệ thống vũ khí mới vào mạng lưới phòng thủ, khả năng phòng không của Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tăng lên đáng kể. Hệ thống tên lửa Arman có thể đối đầu đồng thời với 6 mục tiêu ở khoảng cách từ 120 đến 180km, trong khi hệ thống phòng không Azarakhsh có thể xác định và tiêu diệt mục tiêu ở cự ly lên tới 50km, sử dụng 4 tên lửa “sẵn sàng bắn”.

Tháng 6 năm ngoái, Iran đã trình làng tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên được sản xuất trong nước mang tên Fattah với tầm bắn 1.400km.

MAI HƯƠNG (Tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (19-2): Đức cung cấp thêm pháo tự hành cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO