Quân sự thế giới hôm nay (19-2): Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên

19/02/2023 14:31

Quân sự thế giới hôm nay (19-2) có những thông tin về nguy cơ chiến tranh gia tăng ở châu Á khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nghi là Hwasong-17 vào vùng biển Nhật Bản, Philippines hoàn thành huấn luyện cho thủy quân lục chiến vận hành tên lửa siêu thanh BrahMos, Israel tấn công tên lửa vào khu vực đông dân cư ở Damacus, Syria.

* Ngày 19-2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức đưa tin quân đội Triều Tiên đã bắn thử một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa ra vùng biển Nhật Bản. Vụ thử tên lửa là động thái mới nhất của Triều Tiên sau khi tuyên bố sẽ “đáp trả mạnh mẽ” thái độ thù địch của Hàn Quốc và Mỹ với các cuộc tập trận sắp tới. Trước đó, Triều Tiên cũng tổ chức duyệt binh lớn trong đêm 8-2, kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội với nhiều vũ khí, khí tài hạng nặng, trong đó có hệ thống tên lửa được cho là Hwasong-17.

Tên lửa phóng thử hôm 18-2 có thông số tương tự Hwasong-17 đã được Triều Tiên thử vào tháng 11-2022. Được phóng đi từ khu vực Sunan, Bình Nhưỡng, tên lửa đạt độ cao 5.768,5km và bay một quãng đường 989km trong thời gian 66 phút trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản (Triều Tiên gọi là biển Đông Triều Tiên). Theo KCNA, “cuộc diễn tập bất ngờ” này là “minh chứng” cho thấy sự ổn định trong năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên. Thông tin từ chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên mới phóng thử có tầm bắn 14.000km, có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Mỹ.

Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tại khu vực Sunan, Bình Nhưỡng ngày 18-2. Ảnh: CNN 

* Hải quân Philippines sẵn sàng vận hành hệ thống tên lửa BrahMos dự kiến sẽ được trang bị cho lực lượng vào cuối năm nay. Khóa huấn luyện vận hành vừa kết thúc do phía Ấn Độ cung cấp tập trung vào hoạt động tác chiến và công tác bảo trì thuộc một số gói hậu cần quan trọng của hệ thống tên lửa bờ chống hạm (SBASMS) sẽ được chuyển giao cho Philippines. Việc mua sắm tên lửa BrahMos được coi là một động thái quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển cho Hải quân Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong những tháng gần đây.

BrahMos (còn có tên gọi khác là PJ-10) là một tên lửa hành trình siêu thanh động cơ phản lực tầm trung có thể được triển khai từ tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay hoặc mặt đất. Là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới vào thời điểm ra mắt, BrahMos là sản phẩm của BrahMos Aerospace liên doanh giữa Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và NPO Mashinostroyeniya của Liên bang Nga.

Biến thể BrahMos Ấn Độ xuất theo đơn đặt hàng của Philippines có tầm bắn 290km. Mỗi tổ hợp tên lửa gồm ít nhất 3 hệ thống hỏa lực cơ động, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát, một hệ thống radar và các phương tiện, khí tài hỗ trợ kèm theo. Mỗi hệ thống hỏa lực cơ động có 3 tên lửa siêu thanh chống hạm. Các tổ hợp này sẽ được biên chế cho Tiểu đoàn tên lửa SBASM thuộc Trung đoàn phòng thủ bờ biển của Thủy quân lục chiến Philippines. Khóa huấn luyện mới kết thúc là một phần quan trọng trong gói Hợp đồng dự án tên lửa bờ chống hạm ký kết giữa Hải quân Philippines và Ấn Độ năm 2022.

Hải quân hoàng gia Thái Lan tiếp nhận máy bay Dornier Do 228 nâng cấp đầu tiên. Ảnh: Military Leak

* Hải quân hoàng gia Thái Lan tiếp nhận máy bay do thám hàng hải Dornier Do 228 đầu tiên đã được Công ty RUAG International Holding (công ty con của BGRB) của Thụy Sĩ nâng cấp. Dornier Do 228 là máy bay đa dụng có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn với hai động cơ cánh quạt. Máy bay được Dornier GmbH (sau này là DASA Dornier, Fairchild-Dornier) thiết kế và sản xuất từ năm 1981 đến năm 1998. Năm 2009, RUAG bắt đầu chế tạo Dornier 228 thế hệ mới (Dornier 228NG) tại Đức. Dornier 228NG sử dụng khung máy bay cũ với các công nghệ và hiệu suất cải tiến, như động cơ cánh quạt năm cánh, buồng lái bằng kính và có tầm hoạt động xa hơn. Năm 2020, RUAG Aviation bán chương trình Dornier 228 cho General Atomics.

* Canada đưa tàu hải quân hạng nhẹ tới Haiti trong bối cảnh bạo lực từ các băng nhóm đường phố ngày càng gia tăng. Theo Vancouver Sun, trong bối cảnh Haiti đang chìm trong bạo lực trên đất liền, lý do chính cho việc Canada điều tàu chiến tới đây là nhằm mục đích ngăn chặn vận chuyển vũ khí bất hợp pháp cho các băng nhóm đường phố.

Ngoài ra, tàu chiến Canada cũng có thể thu thập thông tin tình báo phục vụ cho việc lập lại trật tự ở quốc gia đang rơi vào vòng kiểm soát của các băng đảng tội phạm này. Tình trạng hỗn loạn này bắt đầu kể từ khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Haiti vào năm 2021 và trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra vài tháng sau đó khiến hơn 2.000 người chết và hơn 12.000 người bị thương. Các băng đảng đường phố sau đó đã giành quyền kiểm soát phần lớn thủ đô. Thực phẩm và nguồn cung y tế đang cạn kiệt cùng một đợt bùng phát dịch tả mới đã làm gia tăng thêm khó khăn cho Haiti. Trước tình hình bạo loạn lan rộng, Thủ tướng Ariel Henry đã kêu gọi sự giúp đỡ từ lực lượng vũ trang các nước trong khu vực nhưng hiện không nhiều quốc gia tuyên bố và thực thi các hoạt động hỗ trợ.

* Ngày 19-2, Israel bắn tên lửa vào một tòa nhà ở trung tâm Damascus, Syria khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Vụ tấn công cũng làm hư hỏng nhiều tòa nhà gần quảng trường Omayyad, thủ đô Syria. Đây là khu vực tập trung đông dân cư xen kẽ nhiều tòa nhà của các cơ quan an ninh. Thông tin chính thức do Bộ Y tế Syria đưa ra cho biết ngoài 5 người thiệt mạng, 15 người khác cũng bị thương. Israel hiện chưa có phản ứng nào trước thông tin nói trên. Cơ quan phát ngôn chính thức của quân đội Israel cũng từ chối trả lời khi được CNN liên lạc xác nhận thông tin.

Tên lửa Israel tấn công vào Damacus khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Ảnh: India Today

Trong vài tháng gần đây, Israel đã tăng cường tấn công các sân bay và căn cứ không quân của Syria với mục đích được cho là ngăn chặn Iran sử dụng đường không vận chuyển vũ khí cho lực lượng của mình ở Syria và Lebanon. Về vấn đề này chính phủ Syria phủ nhận thông tin các lực lượng Iran đang hoạt động ở Syria mà chỉ khẳng định sự có mặt của các cố vấn quân sự Teheran ở nước này.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/quan-su-the-gioi-hom-nay-19-2-cang-thang-tiep-tuc-leo-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-719411
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/quan-su-the-gioi-hom-nay-19-2-cang-thang-tiep-tuc-leo-thang-tren-ban-dao-trieu-tien-719411
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (19-2): Căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO