* Ấn Độ gây tiếng vang với mũ chống đạn Kavro Doma 360
MKU, một công ty quốc phòng của Ấn Độ, vừa trình làng mũ chống đạn có tên Kavro Doma 360 tại Triển lãm Milipol Paris 2023 diễn ra mới đây tại Pháp. Loại mũ bảo hiểm mới này được đánh giá là bước phát triển đáng chú ý trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu khi cung cấp khả năng bảo vệ trước hỏa lực súng trường, đặc biệt là AK-47.
Theo trang Defenseadvancement, Kavro Doma 360 có khả năng chống đạn lõi thép nhẹ (MSC) 7,62×39mm dùng cho AK-47, cũng như các loại đạn tiêu chuẩn của NATO là 7,62×51mm và 5,56×45mm. Đây là loại mũ chống đạn súng trường đầu tiên được chứng minh có khả năng bảo vệ đồng đều ở cả 5 vùng đầu (trước, sau, trái, phải, đỉnh).
Kavro Doma 360 gây tiếng vang với khả năng bảo vệ trước hỏa lực đáng gờm của súng trường, đặc biệt là AK-47. Ảnh: MKU |
Kavro Doma 360 được trang bị thiết bị nhìn đêm, thiết bị liên lạc, mặt nạ và đèn pin, là loại mũ bảo hiểm chống hỏa lực súng trường đầu tiên trên thế giới không có bu lông hay bất kỳ bộ phận kim loại nào, giúp giảm tối đa sát thương khi va chạm. Kavro Doma 360 có lớp vỏ không chốt, mang lại diện tích bảo vệ cao hơn 40% so với mũ bảo hiểm tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Kavro Doma 360 còn được thiết kế không chỉ cung cấp khả năng bảo vệ người dùng khỏi các tác động thẳng mà còn cả các tác động xoay, được biết là có khả năng gây chấn động lớn hoặc chấn thương sọ não. Dây mũ có thể điều chỉnh cả chiều dọc và chiều ngang nhằm giữ ổn định ở mức cao nhất và vừa khít với người dùng.
Theo ông Neeraj Gupta, Giám đốc điều hành của MKU, phiên bản chiến đấu cao cấp kích thước nhỏ của Kavro Doma 360 nặng 1,45kg, trong khi phiên bản chiến đấu tiên tiến kích thước lớn nặng 1,8kg. Ông Gupta tiết lộ, Quân đội Ấn Độ đã đặt hàng 80.000 mũ chống đạn 7,62×39mm.
* Quân đội Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa tấn công chính xác mới PrSM Inc 1
Army Recognition dẫn thông cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa tấn công chính xác mới PrSM Inc 1. Đây được đánh giá là cột mốc quan trọng trong nỗ lực nâng cao khả năng bắn chính xác tầm xa của bệ phóng pháo phản lực dẫn đường phóng loạt M270A2 và bệ phóng của hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS.
Theo thông cáo, tên lửa được phóng từ bệ phóng HIMARS đã tấn công chính xác các mục tiêu. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy khả năng kiểm soát quỹ đạo đáng gờm của PrSM Inc 1 khi bám sát mục tiêu ở tốc độ siêu thanh.
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công Tên lửa tấn công chính xác mới PrSM Inc 1. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Được phát triển bởi “ông lớn” Lockheed Martin, PrSM là tên lửa đất đối đất tầm xa có độ chính xác cao thế hệ tiếp theo với phạm vi hoạt động từ 60 đến 499km. Vũ khí này có kiến trúc hệ thống mở, cho phép tương thích tối đa với các bệ phóng hiện tại như HIMARS và M270.
Vào tháng 9-2022, Quân đội Mỹ đã đặt mua 54 tên lửa PrSM từ “gã khổng lồ” quốc phòng Lockheed Martin với giá 77,5 triệu USD. Hệ thống tên lửa tấn công tiên tiến hơn và mạnh mẽ hơn này sẽ thay thế cho hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) hiện tại, mang lại tầm bắn xa hơn, chính xác hơn và khả năng sát thương cao hơn.
Một tính năng đáng chú ý của hệ thống PrSM là khoang chứa tên lửa phóng với khả năng chứa 2 tên lửa thay vì sức chứa 1 tên lửa như ATACMS. Trong tương lai, chương trình phát triển PrSM của Mỹ sẽ tập trung vào việc mở rộng tầm bắn và tăng cường khả năng tấn công nhiều mục tiêu hơn của tên lửa.
* Đức “tậu” thêm 3 máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Naval News đưa tin, chính phủ Đức vừa duyệt chi thêm 1,1 tỷ Euro để mua thêm 3 chiếc P-8A Poseidon nhằm nâng cao khả năng của lực lượng hải quân nước này. Trước đó vào năm 2021, Đức đã đạt được thỏa thuận mua 5 chiếc P-8A từ Mỹ, trở thành quốc gia thứ 8 sở hữu máy bay trinh sát đa năng này.
Là phiên bản quân sự của máy bay thương mại Boeing 737, P-8A Poseidon được thiết kế để thay thế phi đội máy bay P-3 Orion đã già cỗi của Hải quân Mỹ với vai trò là máy bay tác chiến chống ngầm tiền phương của lực lượng này. Được trang bị radar mảng pha quét đa nhiệm Raytheon APY-10, hệ thống hỗ trợ điện tử AN/ALQ-240, hệ thống cảm biến đa phổ quang-điện và hồng ngoại kỹ thuật số L-3 Wescam MX-20HD, cùng cảm biến khí tượng nâng cao AN/APS-154, ngư lôi và tên lửa, P-8A có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau như tác chiến chống tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát và tìm kiếm cứu nạn.
Đức sẽ là quốc gia thứ 8 sở hữu P-8A Poseidon. Ảnh: RNZAF |
Máy bay săn ngầm P-8A có chiều dài thân 39,47m, cao 12,83m, sải cánh 37,64m, trọng lượng cất cánh tối đa 85.820kg, có thể chở phi hành đoàn gồm 9 người. Sử hữu 2 động cơ phản lực CFM56-7B27A, P-8A Poseidon có thể đạt tốc độ tối đa 815km/giờ với tầm hoạt động lên tới 2.222km, trần bay 12.496m.
Về phân bố hoả lực, P-8A có tổng số 11 giá treo vũ khí với 5 giá treo ở khoang trong và 6 giá treo bên ngoài với khả năng mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa hành trình đối đất AGM-84H/K SLAM-ER, tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, ngư lôi hạng nhẹ Mk54 và thủy lôi.
Theo kế hoạch, 5 chiếc P-8A trong hợp đồng mua sắm ban đầu sẽ được giao cho Hải quân Đức (Marineflieger) vào tháng 10-2024.
* Ecuador tiếp nhận 15 xe bọc thép Ural 4x4
Trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của mình, Lực lượng Vũ trang Ecuador mới đây đã mua 15 xe bọc thép chiến thuật Otokar Ural 4x4 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.
Được thiết kế để hoạt động ở những địa hình và môi trường khó khăn, Otokar Ural 4x4 nổi bật với khả năng linh hoạt và tính cơ động cao. Với lớp giáp bảo vệ tiên tiến, loại xe bọc thép này có khả năng sống sót cao trước các mối đe dọa đạn đạo và các thiết bị nổ tự chế (IED).
Ngày 17-11, Lực lượng Vũ trang Ecuador đã tiếp nhận 15 xe bọc thép Ural 4x4. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ecuador |
Việc bổ sung Otokar Ural 4x4 vào biên chế Quân đội Ecuador là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của nước này trong việc nâng cao năng lực phòng thủ. Khi Ecuador tiếp tục đối mặt với những thách thức an ninh phức tạp, việc bổ sung các phương tiện bọc thép tiên tiến này vào lực lượng vũ trang được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia của nước này.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)