* Xuất hiện hình ảnh UAV tấn công S-71 trên Su-57 của Nga
Theo Bulgarian Military, mạng xã hội đang lan truyền một hình ảnh được coi là đầu tiên về một nguyên mẫu của máy bay không người lái (UAV) tấn công S-71 được thiết kế để tích hợp cho tiêm kích Su-57 của lực lượng Không quân Nga.
Một điểm thú vị là vào ngày 1-4 vừa qua, thông tin chi tiết về bằng sáng chế và phương pháp vận hành của UAV tấn công S-71 đã được công bố. Thời điểm này trùng với ngày “Cá tháng Tư” khiến nhiều nguồn tin ban đầu coi tin tức này là trò đùa. Tuy nhiên, sự thực là Nga đã cho ra đời khí tài nói trên. Đến cuối tháng 7 vừa qua, Giám đốc điều hành Tập đoàn Rostec, ông Sergey Chemezov, đã xác nhận việc đưa dòng UAV này vào kho vũ khí của tiêm kích Su-57.
Hình ảnh của UAV tấn công S-71K Kovyor được treo dưới cánh của tiêm kích Su-57. Ảnh: Bulgarian Military |
Việc tích hợp UAV tấn công vào tiêm kích Su-57 đã chứng minh khả năng công nghệ trong lĩnh vực không người lái và là một bước tiến quan trọng đối với việc phát triển năng lực chiến đấu của hàng không Nga.
UAV S-71 có thân hình thang để tàng hình, cánh xuôi hình chữ V ngược có thể gập lại, được trang bị động cơ turbine phản lực TRDD-50, tốc độ tối đa đạt mức Mach 0,6 và độ cao 8.000 mét.
Các chuyên gia đánh giá, UAV S-71 đã trải qua những thay đổi đáng kể về thiết kế dựa trên những bài học rút ra từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hiện UAV này có 2 phiên bản là S-71K Kovyor hoạt động như một tên lửa không đối đất có điều khiển, mang đầu đạn dạng bom chùm và S-71M Monokhrom là một UAV tự động, tích hợp sẵn cảm biến quang điện cho hoạt động ban ngày và ban đêm, với khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu. Trong khi S-71K được treo bên ngoài thì S-71M còn có thể đặt trong khoang vũ khí của tiêm kích.
* Italy mua UAV MQ-9A Reaper biến thể mới nhất của Mỹ
Jane’s đưa tin, chính phủ Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng bán 6 UAV MQ-9A Reaper biến thể Block 5 mới nhất cùng một số radar và phụ tùng đi kèm trị giá hơn 730 triệu USD cho Italy.
Quân đội Italy đã vận hành 6 UAV MQ-9 phiên bản cũ theo hợp đồng ký năm 2008, trong đó có 1 chiếc bị rơi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện vào năm 2019. Do đó, 5 chiếc còn lại cũng sẽ được nâng cấp lên chuẩn Block 5.
Theo tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), thỏa thuận trên sẽ giúp bảo đảm tăng cường khả năng của quân đội Italy trước những nguy cơ an ninh hiện tại và tương lai.
UAV MQ-9 của quân đội Italy. Ảnh: Military Leak |
MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo cho không quân nước này. Đây là dòng UAV tìm-diệt đầu tiên của Mỹ được thiết kế cho hoạt động trinh sát tầm xa ở độ cao lớn. Máy bay có thể hoạt động trên không tới 14 giờ với vận tốc tối đa đạt 482km/giờ, tải trọng tối đa 4,7 tấn. Giá xuất xưởng của chiếc máy bay này khoảng 30 triệu USD.
Máy bay được trang bị hệ thống giám sát tiên tiến bao gồm: Hệ thống theo dõi mục tiêu đa quang phổ, nhiệt hồng ngoại AN/DAS-1 MTS-B; radar tích hợp nhận diện vật thể trên bề mặt AN/APY-8 Lynx II; radar đánh dấu và theo dõi SeaVue. Máy bay cũng trang bị một loạt các loại vũ khí như: Tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire; tên lửa không đối không AIM-92 Stinger; tên lửa không đối đất Brimstone.
Trong đó, biến thể Block 5 chủ yếu tập trung vào các hệ thống điện tử hàng không cải tiến, công suất điện được cải thiện, tải trọng được tăng lên, giúp nó linh hoạt và hiệu quả hơn trong nhiều tình huống hoạt động khác nhau.
* Algeria công bố vũ khí phòng thủ bờ biển mua từ Trung Quốc
Army Recognition dẫn nguồn từ báo chí Algeria cho biết nước này đã công bố biên chế dòng tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B do Trung Quốc sản xuất.
Thực chất, những hình ảnh đầu tiên về YJ-12B ở Algeria đã xuất hiện trên các kênh tin tức vào năm 2022; tuy nhiên, chính phủ Algeria không xác nhận hoặc chính thức hóa thông tin này. Do đó, dư luận cũng chưa biết được chi tiết hợp đồng giữa hai bên đối với vũ khí này.
Báo chí Algeria đưa thông tin về hệ thống tên lửa YJ-12B. Ảnh: Army Recognition |
YJ-12B là phiên bản đặt trên bệ phóng mặt đất của tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 tiêu chuẩn trong Hải quân Trung Quốc, vốn lần đầu xuất hiện trước công chúng vào những năm đầu thập niên 2010 và được đưa vào sử dụng từ năm 2014. YJ-12 có tốc độ tối đa lên tới Mach 4 (khoảng 5.000km/giờ), tầm hoạt động tối đa 500km và quỹ đạo lướt trên biển, đủ để tạo ra mối đe dọa lớn đối với tàu mặt nước của đối phương.
Tên lửa có chiều dài 6,3m và có đường kính 0,76m. Với kích thước này, tên lửa có thể mang theo một đầu đạn lớn (205 đến 500kg tùy phiên bản) trong khi vẫn duy trì cấu hình hợp lý để di chuyển với tốc độ cao. Đáng chú ý, tên lửa có khả năng né tránh đánh chặn trong giai đoạn bay cuối, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó có thể theo dõi và đánh chặn. Tên lửa có thể được tích hợp cho nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm máy bay, tàu mặt nước và bệ phóng mặt đất.
MINH ANH(tổng hợp)