* Nga xây “thành phố ngầm” ở mặt trận Kherson
Theo Bulgarian Military,các cơ quan truyền thông Nga cho biết Lực lượng Vũ trang Nga đang tiến hành xây dựng một “thành phố ngầm” ở mặt trận Kherson nhằm bảo vệ nhóm quân Dnipro trước các cuộc oanh tạc từ trên không.
Nga xây dựng “thành phố ngầm” ở mặt trận Kherson. Ảnh: Bulgarian Military |
“Thành phố ngầm” được thiết kế sẽ bao gồm không gian ở, khu vực ăn, phòng tập thể dục và các tiện nghi thiết yếu khác. Khu vực bếp có thể chứa tối đa 75 người, trong khi mỗi khu sinh hoạt có thể chứa 6 đến 8 binh lính, được lắp đặt hệ thống sưởi, điện và hệ thống thông báo tập trung. Điều đáng chú ý là tổng chiều dài của các tuyến đường kéo dài tới hơn 3km, trong khi độ sâu đo được khoảng 3m.
Hình ảnh "thành phố ngầm" mà quân đội Nga đang xây dựng. Ảnh: Bulgarian Miliary |
* Anh lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật với pháo tự hành Archer ở Thụy Điển
Mới đây, Lục quân Anh công bố binh lính Anh ở Thụy Điển đã lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật với pháo tự hành bánh lốp Archer 155mm.
Cuộc tập trận này được tiến hành sau khi chương trình “đào tạo huấn luyện viên” chuyên sâu kéo dài 14 tuần kết thúc, cho thấy quá trình huấn luyện nghiêm ngặt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng Bắc Âu của Thụy Điển.
Đây cũng là lần đầu tiên binh lính Anh thực hiện nhiệm vụ bắn đạn thật bằng pháo tự hành Archer 6x6 155mm mà không có sự hỗ trợ của Lục quân Thụy Điển. Việc chuyển đổi cấu hình hệ thống từ bánh xích sang bánh lốp đặt ra những thách thức riêng, nhấn mạnh nhu cầu thích ứng với nền tảng mới.
Binh lính Anh lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật ở Thụy Điển với pháo tự hành Archer 155mm cấu hình bánh lốp 6x6. Ảnh: British MoD |
Trước đó, Lục quân Anh đã ký hợp đồng mua 14 pháo tự hành Archer do công ty BAE Systems Bofors của Thụy Điển phát triển nhằm bổ sung và thay thế pháo tự hành bánh xích AS90 155mm.
Pháo tự hành Archer được biết đến với tính cơ động, khả năng triển khai nhanh và tầm bắn xa hơn so với AS90. Hệ thống này được vận hành bởi kíp 3 hoặc 4 người và có thể đạt vận tốc tối đa 70km/giờ. Archer có tầm bắn 50km khi sử dụng đạn tăng tầm, tăng đáng kể so với tầm bắn 25km của pháo tự hành AS90. Hệ thống có thể triển khai nhanh chóng và chuyển sang trạng thái khai hỏa chỉ trong 20 giây.
Việc mua pháo tự hành Archer thể hiện những nỗ lực của Anh trong việc tăng cường năng lực quân sự của lực lượng pháo binh cũng như nhằm duy trì khả năng phòng thủ khi đang viện trợ vũ khí cho Ukraine. Lô 14 pháo Archer đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong Lục quân Anh vào tháng 4 năm nay.
* Ukraine có kế hoạch mua tiêm kích tàng hình Kaan của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Ukraine Vasyl Bodnar tiết lộ rằng Ukraine đang có ý định mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Kaan do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Đại sứ Bodnar cũng cho biết, các chuyên gia Ukraine đang tham gia vào việc phát triển động cơ phản lực cho máy bay Kaan.
Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar cho rằng Kaan có thể cạnh tranh với các máy bay tiên tiến khác như F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: TAI |
Ông Bodnar nhấn mạnh rằng máy bay chiến đấu Kaan có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với tiêm kích của Mỹ như F-35 Lightning II và F-22 Raptor.
Kaan là tên gọi mới của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm TF-X. Chương trình phát triển TF-X được khởi xướng bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) và Cơ quan Công nghiệp quốc phòng (SSB). Kaan được thiết kế để giành lợi thế trong các cuộc đối đầu trên không. Theo dự kiến, tiêm kích này sẽ thay thế hoàn toàn vị trí của F-16 Fighting Falcon trong không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2030. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2028.
Máy bay chiến đấu Kaan có chiều dài 21m, sải cánh rộng 14m, trọng lượng cất cánh 27 tấn, vận tốc tối đa Mach 1.8 (tương đương 2.200 km/giờ), trần bay tối đa 16,8km và tầm hoạt động 1.200km. Phiên bản hoàn thiện của Kaan sẽ được tích hợp radar AESA, hệ thống tác chiến điện tử tích hợp AI và các tên lửa hiện đại nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Một điểm đáng chú ý khác là thân máy bay được làm bằng vật liệu composite sợi carbon và các bộ phận thân vỏ của tiêm kích này sẽ được sản xuất bằng công nghệ in 3D.
Nguyên mẫu đầu tiên của TF-X sử dụng 2 động cơ GE F110 được sản xuất trong nước. Tuy vậy, phiên bản chính thức sẽ được trang bị một động cơ tốt hơn với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài như Rolls Royce hoặc General Electric.
Nếu nghiên cứu và sản xuất thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thứ 4 trên thế giới sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 hiện tại trên thế giới bao gồm bộ đôi F-22 và F-35 của Mỹ, Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)