* Nga trang bị thiết bị xác định mục tiêu bằng laser cho xe tăng T-80BVM
Bộ Quốc phòng Nga mới đây xác nhận, Omsktransmash, một trong những nhà sản xuất xe tăng lớn của Nga và là thành viên của Tập đoàn Uralvagonzavod, đang tiến hành hiện đại hóa hàng loạt xe tăng T-80BVN bằng cách trang bị các hệ thống bảo vệ tiên tiến nhằm chống lại vũ khí có độ chính xác cao và máy bay không người lái (UAV).
Quyết định nâng cấp T-80BVN xuất phát từ những trải nghiệm thực tế trong thời gian vừa qua. Một điểm đáng chú ý của phiên bản nâng cấp là kính ngắm đa kênh Sosna-U của pháo thủ được cài đặt bổ sung thiết bị xác định mục tiêu bằng tia laser, cho phép tổ lái ngắm bắn chính xác các mục tiêu của đối phương và cung cấp khả năng bảo vệ chống lại UAV.
Kính ngắm đa kênh Sosna-U của pháo thủ T-80BVM được trang bị thiết bị xác định mục tiêu bằng laser. Ảnh: Yandex |
Kênh truyền hình Zvezda TV của Bộ quốc phòng Nga trích dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc thử nghiệm hiện đang được tiến hành đối với bản nâng cấp mới của T-80BVM, trong đó có nhắc tới việc sử dụng một hệ thống tác chiến điện tử có nhiệm vụ phá các kênh GPS và vô tuyến điều khiển khác của UAV đối phương.
Là phiên bản hiện đại hóa của xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 của Nga, T-80BVM được đánh giá cao bởi khả năng bảo vệ vượt trội so với phiên bản tiền nhiệm nhờ được trang bị các tấm giáp phản ứng Relikt giúp tăng cường khả năng bảo vệ kíp chiến đấu khỏi tên lửa chống tăng và đạn nổ HEAT.
T-80BVM có trọng lượng chiến đấu khoảng 46 tấn, dài khoảng 9,5m. Xe tăng được trang bị động cơ tua-bin khí công suất 1.250 mã lực cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 70 km/giờ trên đường trường và 45 km/giờ trên địa hình. Xe tăng có tổ lái gồm 3 người, bao gồm chỉ huy, xạ thủ và lái xe. Phạm vi hoạt động của T-80BVM phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như địa hình và tốc độ. Trên đường bộ, phiên bản này có thể di chuyển tới 500km mà không cần tiếp nhiên liệu.
T-80BVM được trang bị pháo nòng trơn 125mm, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn xuyên giáp (APFSDS) và đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT). Ngoài ra, xe tăng cũng được lắp đặt súng máy 7,62mm và súng phòng không 12,7mm.
Về khả năng chiến đấu, T-80BVM có hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến giúp cải thiện đáng kể độ chính xác và khả năng phát hiện mục tiêu. Xe tăng cũng được trang bị giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ tích cực để nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường.
* Tây Ban Nha mua tên lửa tấn công hải quân Kongsberg
Navy Recognition dẫn thông báo của Kongsberg cho biết, công ty của Na Uy vừa đạt thỏa thuận cung cấp tên lửa tấn công hải quân (NSM) cho Hải quân Tây Ban Nha. Thương vụ trị giá 305 triệu Euro được đánh giá là một bước tiến đáng kể trong trang bị hải quân của Tây Ban Nha.
NSM là tên lửa hành trình đa năng được thiết kế để chống hạm hoặc tấn công trên bộ. Được phát triển bởi Công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy, tên lửa này được đưa vào sử dụng từ năm 2012 và được nhiều quốc gia sử dụng, bao gồm Na Uy, Mỹ, Ba Lan, Romania, Canada, Đức, Australia, Malaysia, Anh, Hà Lan, Bỉ và Latvia.
NSM là tên lửa hành trình đa năng được thiết kế để chống hạm hoặc tấn công trên bộ. Ảnh: Kongsberg |
Tên lửa này nặng 400kg, dài 3,48m, rộng 700mm khi xếp gọn và 1,36m khi mở cánh, tầm hoạt động trên 200km với phiên bản tiêu chuẩn và 250km đối với phiên bản NSM 1A. NSM có khả năng bay ở độ cao thấp gần mặt biển giúp tránh bị radar phát hiện. Hệ thống dẫn đường của NSM là sự kết hợp của hệ thống dẫn đường quán tính và GPS, máy đo độ cao bằng laser, hệ thống TERCOM, giúp mang lại độ chính xác cao trong việc phát hiện và tấn công mục tiêu.
Tên lửa tấn công hải quân của Kongsberg được đánh giá cao bởi khả năng chống lại các mục tiêu trên biển và trên bộ. Khả năng chống chịu cao trước các hệ thống phòng không hiện đại và khả năng tự động nhận dạng các lớp tàu khiến NSM trở thành vũ khí đáng gờm cho bất kỳ hạm đội nào.
Được biết, NSM sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp F-110, hiện đang được công ty Navantia của Tây Ban Nha chế tạo.
* Ba Lan đưa vào sử dụng trực thăng AW101 Merlin đầu tiên
Trang Janes đưa tin, Ba Lan đã bắt đầu đưa vào sử dụng chiếc đầu tiên trong 4 chiếc trực thăng tác chiến chống ngầm AW101 Merlin nhằm đáp ứng các yêu cầu về tác chiến chống ngầm (ASW) và tìm kiếm và cứu nạn trong chiến đấu (CSAR) của lực lượng hải quân nước này.
Vào tháng 4-2019, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 4 máy bay trực thăng AW101, thay vì 8 chiếc như dự định ban đầu, với giá 430 triệu USD để thay thế máy bay trực thăng Mi-14 đã cũ.
AW101 Merlin được sản xuất cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: defense-aerospace.com |
Được sản xuất bởi Leonardo cho cả mục đích quân sự và dân sự, AW101 Merlin được đánh giá là trực thăng đa năng, linh hoạt và tiên tiến nhất hiện nay với khả năng thực hiện linh hoạt các nhiệm vụ khác nhau trong điều kiện khắc nghiệt. Điểm nổi bật nhất của AW101 Merlin là thiết kế ca-bin rộng rãi, rộng nhất trong phân khúc với chiều dài 6,5m và rộng 2,5m, có thể chứa tới 30 người.
Hiện vẫn chưa có thông tin nào về thời điểm bàn giao 3 chiếc AW101 còn lại. Việc bổ sung AW101 Merlin vào biên chế đánh dấu một bước tiến đáng kể nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và tìm kiếm cứu nạn của Hải quân Ba Lan.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)