* Xe tăng Leopard 2A6MC2 nâng cấp của Canada có gì mới?
Mới đây, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6MC2 của Canada được cho là đã xuất hiện trên kênh truyền hình Đức ARD 1, đánh dấu lần đầu xuất hiện trước công chúng.
Việc đại tu Leopard 2A6MC2 CAN bao gồm nâng cấp hệ thống quang học, hệ thống điều khiển hỏa lực và giao diện người dùng, thay thế công nghệ lỗi thời để cải thiện tuổi thọ hoạt động của xe tăng. Ảnh: ARD 1 |
Leopard 2A6MC2 là phiên bản nâng cấp của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 của Đức do Canada sản xuất. Chúng được tạo ra bằng cách chuyển đổi 20 xe tăng Leopard 2A6M theo hợp đồng trị giá 76 triệu USD với tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann của Đức. Đợt đại tu này bao gồm nâng cấp quang học, hệ thống điều khiển hỏa lực và giao diện người dùng, thay thế công nghệ lỗi thời để cải thiện tuổi thọ hoạt động của xe tăng, đáp ứng yêu cầu của Quân đội Canada.
Theo nhiều nguồn tin, lần chuyển đổi đầu tiên đã hoàn thành và được chấp thuận vào năm 2022. Việc chuyển đổi trên 19 xe tăng còn lại đã bắt đầu tại Canada năm 2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Những xe tăng nâng cấp này sẽ có tên gọi là Leopard 2A6MC2 CAN.
Về thông số kỹ thuật, Leopard 2A6M CAN được trang bị động cơ diesel MTU 1.500 mã lực và hộp số RENK, cho phép đạt tốc độ tối đa 68km/giờ và phạm vi hoạt động 550km trên đường bộ. Xe được trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall L55 120mm và 2 súng máy 7,62mm.
Xe có trọng lượng 62,3 tấn khi chiến đấu, có thể vượt qua các chướng ngại vật cao tới 1,1m và rộng 3m. Các tính năng khác của xe bao gồm giáp mô-đun và composite, khả năng bảo vệ NBC (vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học) và các tùy chọn cho giáp mô-đun bổ sung, giúp tăng khả năng hoạt động của xe trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
* Saudi Arabia mua tiêm kích thế hệ thứ 5 KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ?
Mới đây, một tài khoản trên mạng X đưa tin Saudi Arabia đang có ý định mua hơn 100 máy bay chiến đấu KAAN, tiêm kích thế hệ thứ 5 do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The National Interest |
KAAN (còn được gọi là TF-X) là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiến đấu và trinh sát. Dự án do TAI cùng nhiều đối tác trong nước và quốc tế thực hiện.
Được trang bị động cơ đôi EJ200, KAAN có thể bay ở tốc độ siêu thanh mà không cần đốt sau (afterburner). Với chiều dài 21m, sải cánh rộng 14m và chiều cao 6m, KAAN có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,8 (gấp 1,8 lần vận tốc âm thanh) và trần bay là 16.764m. Tiêm kích này cũng có thể tương tác với các vũ khí, khí tài quan trọng khác của Không quân, như F-35A, nâng cao hiệu quả hoạt động của máy bay trong các nhiệm vụ chung.
Với tải trọng hơn 6.000kg, KANN có thể mang theo tên lửa không đối không và không đối đất trên 10 giá treo bên ngoài. Hệ thống radar mảng pha chủ động AESA cung cấp phạm vi quét hơn 100km, tăng cường đáng kể khả năng nhận thức tình huống và độ chính xác của mục tiêu.
Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp vũ khí, tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vũ khí của quốc gia. Các tập đoàn Turkish Aerospace Industries (TAI), ASELSAN hay Roketsan đã trở thành những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự tiên tiến. Một trong những vũ khí nổi bật là máy bay không người lái Bayraktar TB2, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.
Saudi Arabia cũng đang tích cực tìm cách mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 để hiện đại hóa phi đội máy bay và tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh khu vực ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, những nỗ lực này phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn, chủ yếu là do lệnh cấm của Mỹ đối với máy bay F-35. Để ứng phó với những hạn chế này, Saudi Arabia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế với các đối tác quốc tế khác, bao gồm Rafale của Pháp, tiêm kích thế hệ thứ 5 KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ và J-31 của Trung Quốc. Riyadh cũng đang tìm cách đàm phán chuyển giao công nghệ và các điều khoản sản xuất tại địa phương trong các thỏa thuận này để phát triển năng lực công nghiệp và quân sự nội địa.
* Tàu chiến ven bờ KD Maharaja Lela của Malaysia sẽ thử nghiệm trên biển vào tháng 11
Theo thông tin do Defense Studies công bố ngày 16-10, tàu chiến ven bờ (LCS) đầu tiên thuộc lớp Maharaja Lela, KD Maharaja Lela, của Hải quân Hoàng gia Malaysia đang trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng tại Xưởng đóng tàu Hải quân Lumut (LUNAS).
KD Maharaja Lela là tàu chiến ven bờ lớp Maharaja Lela đầu tiên của Malaysia. Ảnh: Lumut Naval Shipyard |
Con tàu chính thức hạ thủy vào tháng 5 vừa qua và sẽ bước vào thử nghiệm trên biển vào tháng 11. Giai đoạn thử nghiệm này sẽ mất khoảng hai năm, dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Malaysia vào tháng 8-2026. Việc lắp đặt và thử nghiệm bao gồm lắp đặt các hệ thống đẩy, thiết bị chiến đấu và thông tin liên lạc. Đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa Hải quân của Malaysia với 4 tàu chiến ven bờ bổ sung đang được đóng và dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2029.
QUỲNH OANH (tổng hợp)