Quân sự thế giới hôm nay (16-6): Nga đưa tên lửa Kh-101 trang bị đầu đạn chùm vào thực chiến

16/06/2024 07:12

Quân sự thế giới hôm nay (16-6) có những nội dung sau: Nga lần đầu đưa tên lửa Kh-101 mang đầu đạn chùm vào thực chiến ở Ukraine; Quân đội Romania nhận UAV Bayraktar TB2 đầu tiên từ Thổ Nhĩ Kỳ; Indonesia cân nhắc mua tên lửa chống hạm YJ-12E của Trung Quốc.

*Nga lần đầu đưa tên lửa Kh-101 mang đầu đạn chùm vào tham chiến ở Ukraine

Trang Defense Blog đưa tin, Nga đã bắt đầu sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 trang bị đầu đạn chùm để tấn công từ xa các sân bay của Ukraine, nhằm phá hủy máy bay và các phương tiện hỗ trợ.

Cuộc tấn công mới nhất nhằm vào một căn cứ không quân ở khu vực Kiev.

Tên lửa Kh-101 được gắn dưới giá treo của máy bay ném bom Tupolev Tu-95 và một phần tên lửa với đầu đạn chùm. Ảnh: The Aviationist 

Biến thể Kh-101 mới nhất có tầm bay hàng nghìn ki-lô-mét, đặt ra thách thức lớn đối với lực lượng vũ trang Ukraine. Những tên lửa này sử dụng đầu đạn kép, đầu đạn thứ nhất vẫn là đầu đạn nổ mạnh trong khi đầu đạn thứ hai là đạn chùm với những quả đạn con trông giống như những quả cầu kim loại hoặc hình trụ cụt, có đường kính khoảng 10cm. Chúng có hệ thống nổ tự động với bộ hẹn giờ kích hoạt sau một khoảng thời gian nhất định, gây ra mối nguy hiểm đáng kể vì có thể phát nổ bất ngờ.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tên lửa Kh-101 đã liên tục được Nga cải tiến để đáp ứng yêu cầu chiến trường. Đây là lần nâng cấp thứ 4 của tên lửa hành trình này. Ở lần nâng cấp đầu tiên, Kh-101 được trang bị khả năng nhả mồi bẫy hồng ngoại trong quá trình bay và gắn ống kính quang học đơn trong hệ thống dẫn đường. Đến lần thứ 2, tên lửa đã có hệ thống quang học với 3 thấu kính, tăng độ chính xác đáng kể so với phiên bản trước đó. Ở lần nâng cấp thứ 3, Nga tập trung vào nâng cấp đầu đạn có trọng lượng gấp đôi.

* Quân đội Romania nhận UAV Bayraktar TB2 đầu tiên từ Thổ Nhĩ Kỳ

Quân đội Romania đang tiến hành các thủ tục tiếp nhận máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Tháng 8-2022, Bộ Quốc phòng Romania đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc mua máy bay không người lái Bayraktar TB2 để trang bị cho lực lượng trên bộ. Ảnh: Daily Sabah

Các chuyến bay huấn luyện đầu tiên của Romania dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Việc đưa vào sử dụng UAV Bayraktar TB2 nằm trong lộ trình quân sự hóa với mục tiêu nâng cao năng lực phòng thủ của Romania và đưa Quân đội Romania lên vị trí tiên phong về công nghệ quân sự hiện đại.

Trước đó, vào tháng 8-2022, Bộ Quốc phòng Romania đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc mua các UAV Bayraktar TB2 với tổng giá trị khoảng 321 triệu USD. Gói này bao gồm cả các loại đạn dược liên quan, dịch vụ hỗ trợ hậu cần và thiết bị đào tạo cụ thể. Hợp đồng mua bán được ký vào tháng 4 năm ngoái và số UAV này dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay và năm 2025.

Bayraktar TB2, do công ty Baykar Makina của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, là máy bay chiến đấu không người lái, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và tấn công chính xác.

Với thiết kế thân máy bay nguyên khối, cánh đuôi hình chữ V ngược kết hợp với phần đuôi dọc chạy dài, ở giữa là cánh quạt đẩy, Bayraktar TB2 có trọng lượng cất cánh tối đa 650kg và có thể mang tải trọng vũ khí 150kg. UAV này có chiều dài 6,5m, sải cánh rộng 12m, có thể hoạt động liên tục trên không trong 27 giờ và trần bay là 7.600m. Máy bay có thể mang theo 4 quả bom dẫn đường laser MAM-L với bán kính điều khiển từ trạm mặt đất là 150km hoặc tên lửa Roketsan Cirit, giúp nâng cao khả năng tấn công hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau.

Bayraktar TB2 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến với 3 kênh thu phát tín hiệu điều khiển dự phòng và hệ thống liên lạc hiện đại, hỗ trợ các liên kết dữ liệu được mã hóa để truyền video theo thời gian thực.

Với những đặc điểm nổi bật trên, Bayraktar TB2 được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới và được xem là một vũ khí đáng tin cậy và linh hoạt trong chiến tranh hiện đại.

* Indonesia cân nhắc mua tên lửa chống hạm YJ-12E của Trung Quốc

Theo Bulgarian Military, Indonesia đang cân nhắc mua tên lửa chống hạm YJ-12E của Trung Quốc.

YJ-12E là biến thể xuất khẩu của tên lửa chống hạm YJ-12B do Trung Quốc phát triển nhằm tấn công các tàu hải quân lớn, bao gồm cả tàu sân bay. Ảnh: China Military

Ngoài tên lửa của Trung Quốc, Indonesia đã có kế hoạch mua tên lửa chống hạm Atmaca của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện tại, quốc gia này đang đàm phán về việc cùng sản xuất tên lửa Atmaca. Atmaca là tên lửa chống hạm tiên tiến có tầm bắn lên đến 200km. Indonesia đặt mua 45 tên lửa Atmaca nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng hải quân. Những tên lửa này có thể sẽ được triển khai trên các tàu hộ tống lớp Fatahillah, lớp Parhum và KCR FPB 57.

Trong khi tên lửa Atmaca được triển khai trên tàu chiến, Indonesia có kế hoạch mua YJ-12E để trang bị cho các căn cứ quân sự bờ biển. Các chuyên gia quân sự Indonesia nhấn mạnh rằng Atmaca và YJ-12E sẽ đóng vai trò là khí tài bổ sung cho lực lượng quốc phòng.

YJ-12E là biến thể xuất khẩu của tên lửa chống hạm YJ-12B do Trung Quốc phát triển nhằm tấn công các tàu hải quân lớn, bao gồm cả tàu sân bay. Với tốc độ và khả năng cơ động cao, YJ-12E được đánh giá là một vũ khí đáng gờm trong tác chiến trên biển.

Về thông số kỹ thuật, YJ-12E có chiều dài khoảng 6,3m và có đường kính khoảng 0,76m. Với kích thước này, tên lửa có thể mang theo một đầu đạn lớn trong khi vẫn duy trì cấu hình hợp lý để di chuyển với tốc độ cao.

YJ-12E có thể đạt tốc độ tối đa Mach 3 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh) và có khả năng né tránh đánh chặn trong giai đoạn bay cuối. Điều này khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó có thể theo dõi và đánh chặn. Tên lửa này có thể được tích hợp cho nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm máy bay, tàu mặt nước và có thể là bệ phóng trên đất liền.

Tính linh hoạt này nâng cao khả năng triển khai tên lửa trong nhiều tình huống tác chiến khác nhau. YJ-12E có tầm hoạt động 400km, cho phép nó tấn công các mục tiêu từ khoảng cách đáng kể, mang lại lợi thế tác chiến trong khi bệ phóng vẫn nằm ngoài tầm bắn của hệ thống phòng thủ của đối phương.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (16-6): Nga đưa tên lửa Kh-101 trang bị đầu đạn chùm vào thực chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO