Quân sự thế giới hôm nay (16-2): Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng

16/02/2023 17:16

Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 7%, rơi máy bay UH-60 Black Hawk ở Mỹ, Hải quân hoàng gia Thái Lan và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tăng cường hợp tác là những thông tin quân sự thế giới quan trọng ngày 16-2.

* Rơi máy bay quân sự ở Alabama (Mỹ) khiến 2 binh sĩ thiệt mạng. Theo CNN, chiếc máy bay gặp nạn là trực thăng Black Hawk của lực lượng Vệ binh quốc gia bang Tennessee đang trong quá trình huấn luyện gần Huntville. Vụ tai nạn xảy ra vào 3 giờ chiều ngày 15-2 (khoảng 3 giờ sáng 16-2 giờ Việt Nam) tại Hạt Madison. Camera an ninh một ngôi nhà gần đó cho thấy chiếc Black Hawk đã rơi thẳng xuống mặt đất và lửa đã bùng lên dữ dội. Lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng dập tắt đám cháy nhưng toàn bộ phi hành đoàn đã tử nạn bên trong chiếc Black Hawk.

Một chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk. Ảnh: Lockheed Martin

Danh tính các binh sĩ thiệt mạng hiện chưa được công bố và cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn. Sikorsky UH-60 Black Hawk là máy bay trực thăng quân sự đa nhiệm, một trong những khí tài chủ lục của quân đội Mỹ trong 4 thập kỷ qua.

* Tư lệnh Lục quân Philippines nhận định ký kết các thỏa thuận về lực lượng viếng thăm (VFA) với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh và đối tác khác trong khu vực sẽ đem lại lợi ích cho cả Philippines và các bên đối tác. Trong cuộc họp báo ngày 15-2 tại thành phố Quezon, Trung tướng (3 sao) Romeo Brawner Jr., Tư lệnh Lục quân Philippines, khẳng định: “Quan điểm của tôi là Philippines sẽ được nhiều ích lợi nếu cho phép lực lượng quân sự các nước tới và cùng huấn luyện với chúng ta. Họ sẽ không thực sự xây dựng căn cứ và đóng quân ở lại mà sẽ cùng tham gia huấn luyện cùng các lực lượng của Philippines. Xu hướng hiện nay của quân đội các nước trên toàn thế giới là tiến hành huấn luyện các tình huống tác chiến cùng nhau”.

Cũng theo ông Brawner, khả năng tác chiến hiệp đồng là rất quan trọng trong bối cảnh khu vực và thế giới đang chứng kiến nhiều diễn biến an ninh phức tạp và nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng phải bắt đầu từ huấn luyện và tập trận chung.

VFA là thỏa thuận giúp hoạt động tiếp cận quân sự dễ dàng hơn giữa 2 nước, bao gồm các quy trình giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh từ sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại nước sở tại. Hiện nay, Philippines đang thực hiện VFA rộng rãi nhất với Mỹ và quốc gia Đông Nam Á này vừa cho phép Mỹ mở rộng hệ thống căn cứ của mình nhằm tăng cường khả năng đối phó với những bất ổn an ninh. Mới đây, Nhật Bản cũng đã đề nghị Philippines xem xét ký kết thỏa thuận tiếp cận quân sự nhằm nâng cao năng lực bảo vệ lãnh hải của mình.

Tư lệnh Hải quân hoàng gia Thái Lan Đô đốc Choengchai Chomchoengpaet (thứ hai từ trái sang) và Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Đô đốc Sakai Ryo (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh trên tàu khu trục Teruzuki. Ảnh: Bangkok Post

* Hải quân hoàng gia Thái Lan ký kết điều khoản tham chiếu tăng cường hợp tác với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Điều khoản được ký kết trong chuyến thăm chính thức JMSDF từ ngày 12 đến 16-2 của Đô đốc Choengchai Chomchoengpaet, Tư lệnh Hải quân hoàng gia Thái Lan, nhằm mục đích tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên.

Trong chuyến thăm JMSDF, đoàn Thái Lan đã tham qua các căn cứ hải quân và một số tàu chiến hiện đại của Nhật Bản, trong đó có tàu khu trục JS Teruzuki (DD-116). Ông Chomchoengpaet cũng được Thứ trưởng Quốc phòng Ino Toshiro tiếp đón trọng thị. Thời gian gần đây chứng kiến sự tăng cường hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực giữa Nhật Bản và Thái Lan, trong đó nổi bật là trong hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo.

* Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng

Theo Tạp chí Air&Speace Forces, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc và nhiều nước châu Âu tăng mạnh trong năm 2022 dù chịu ảnh hưởng của lạm phát. Đây là điểm đặc biệt, cho thấy xu hướng phát triển trong những năm tiếp theo trong bối cảnh hầu hết các nước đều cắt giảm ngân sách quốc phòng một phần do Covid-19 có tác động mạnh mẽ nên các nền kinh tế, một phần do những biến động liên quan giá dầu.

Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Malaysia thông báo sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng do giá dầu giảm, làm ảnh hưởng chung đến quy mô nền kinh tế. Australia thì đang chuẩn bị có những bước cải tổ Lực lượng quốc phòng, trong đó dự định cắt giảm chi tiêu cho Lục quân, tập trung phát triển Hải quân và Không quân. Các quốc gia Trung Đông vẫn thường có tỷ lệ chi tiêu quốc phòng cao thì trong 3 năm gần đây đã chứng kiến mức sụt giảm khoảng 2% mỗi năm.

Theo số liệu của IISS, chi tiêu quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc tăng 7% so với năm 2022. Ảnh: Reuters

Air&Speace Forces dẫn số liệu của IISS (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế) cho thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2022 tăng 7% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong 30 năm qua ở quốc gia châu Á này. Theo số liệu này, tính cả tác động của lạm phát, Trung Quốc đã chi thêm 16 tỷ USD so với năm 2021. Con số Trung Quốc đưa ra là 242,4 tỷ USD dành cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2022.

Tuy nhiên, con số này còn chưa tính đến ngân sách dành cho các lĩnh vực cũng cần phải tính vào chi tiêu quốc phòng như nghiên cứu - phát triển, không gian vũ trụ... Nếu tính cả những chi tiêu này, con số có thể lên tới 360 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất tăng chi tiêu quốc phòng. Nhật Bản cũng là một ví dụ đặc biệt khi duyệt chi tăng đến 26% ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (16-2): Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO