* Houthi tấn công tàu hàng Mỹ
Theo CNBC, ngày 15-1, tàu container Gibraltar Eagle do Mỹ sở hữu và vận hành đã bị tấn công bởi một tên lửa đạn đạo chống hạm phóng đi từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen.
Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết, cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 16 giờ (giờ địa phương) ở vùng biển phía Đông Nam thành phố Aden, Yemen. Tuy nhiên, tàu Gibraltar Eagle treo cờ Quần đảo Marshall báo cáo không có thương tích hay thiệt hại đáng kể nào xảy ra và vẫn tiếp tục hành trình của mình.
Tàu Gibraltar Eagle tại Bỉ vào tháng 7 năm ngoái. Ảnh: The Guardian |
Theo Tổ chức Điều hành Thương mại hàng hải Vương quốc Anh, hiện tổ chức này đang điều tra vụ việc và khuyến cáo các tàu thương mại “di chuyển một cách thận trọng và báo cáo bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào” xảy ra trong khu vực.
Vụ tấn công tàu Gibraltar Eagle diễn ra ngay sau khi Mỹ và Anh phối hợp thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen nhằm đáp trả việc lực lượng Houthi liên tục tấn công các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ kể từ cuối năm ngoái, gây ra ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại toàn cầu. Các tay súng Houthi tuyên bố các cuộc tấn công của họ ở Biển Đỏ là để đáp trả những hoạt động quân sự của Israel đang diễn ra ở dải Gaza.
Trước đó, tối Chủ nhật, ngày 14-1, Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ cũng thông báo về việc máy bay chiến đấu của Bộ tư lệnh này đã bắn hạ một tên lửa hành trình nhằm vào tàu chiến USS Laboon của Mỹ đang hoạt động ở vùng biển phía Nam Biển Đỏ. Không có thương tích hay thiệt hại nào được báo cáo sau vụ việc.
* MBDA sẽ trang bị tên lửa Sea Ceptor cho tàu khu trục lớp Miecznik của Ba Lan
Nhà sản xuất vũ khí MBDA đã ký hợp đồng với Ba Lan về nội dung trang bị tên lửa hạm đối không cho các tàu khu trục lớp Miecznik của hải quân nước này.
Theo đó, hệ thống tên lửa phòng không hải quân Sea Ceptor của MBDA sẽ được trang bị trên các tàu chiến của Ba Lan, bảo vệ các tàu chiến này khỏi các mối đe dọa như tên lửa chống hạm siêu thanh và tàu mặt nước không người lái.
MBDA sẽ trang bị tên lửa Sea Ceptor cho tàu khu trục lớp Miecznik của Ba Lan. Ảnh: MBDA |
Tên lửa Sea Ceptor sẽ được tích hợp vào hệ thống hỏa lực cùng với các loại vũ khí khác trong dòng tên lửa mô-đun phòng không chung (CAMM) của MBDA sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk41. Việc tích hợp này sẽ giúp tăng số lượng tên lửa tàu có thể mang theo và khả năng sống sót cho nền tảng tên lửa này.
Ngoài Ba Lan, các quốc gia như Brazil, Canada và Thụy Điển hiện cũng đang sử dụng dòng tên lửa CAMM đối với vũ khí dẫn đường tầm ngắn. Ra mắt năm 2022 như một phần của thỏa thuận phát triển vũ khí giữa Ba Lan và Vương quốc Anh, sáng kiến phát triển tên lửa CAMM được thực hiện như một phương thức nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa lực lượng phòng không hải quân và mặt đất của Ba Lan trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực. Thụy Điển mới đây cũng đã tuyên bố sẽ đưa tên lửa CAMM vào danh mục những loại vũ khí biên chế cho tàu hộ tống lớp Visby.
* Quân đội Nga đưa vào sử dụng áo giáp chịu được mảnh đạn có tốc độ lên tới 630 m/giây
Theo Bulgarian Military, Quân đội Nga sẽ trang bị 25.000 áo giáp hiện đại Strelok cho lực lượng bộ binh. Đây là loại áo giáp bảo vệ binh sĩ hiệu quả trước các loại đạn súng trường và mảnh đạn pháo do nhà sản xuất Triada-TKO LLC, một chi nhánh của hãng súng bộ binh Kalashnikov nổi tiếng, cung cấp.
Quân đội Nga sẽ đưa vào sử dụng 25.000 áo giáp hiện đại Strelok. Ảnh: Top War |
Thông tin về việc Kalashnikov sẽ cung cấp 25.000 áo chống đạn Strelok đã được xác nhận từ năm ngoái, nhưng cho đến nay thì việc sản xuất số lượng lớn áo giáp nói trên mới chính thức hoàn thành. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, ông Alan Lushnikov, Chủ tịch Kalashnikov, từng tiết lộ rằng lực lượng tác chiến đặc biệt Nga đã thử nghiệm thành công áo giáp Strelok, từ đó mở đường cho việc sản xuất hàng loạt loại áo giáp hiện đại này.
Về tính năng cụ thể, Strelok bảo vệ khoảng 70% diện tích cơ thể người mặc với một tấm chắn phía trước, các chi tiết bảo vệ hai bên hông, một tấm bảo vệ dưới háng và hai tấm bảo vệ vai đáp ứng tiêu chuẩn GOST cấp BR5. Về cơ bản, Strelok có thể bảo vệ người dùng trước các mảnh đạn pháo có tốc độ lên tới 630 m/giây. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tiêu chuẩn GOST cấp BR5 khác với tiêu chuẩn STANAG 2920 của NATO ở chỗ áo giáp đạt tiêu chuẩn GOST cấp BR5 có thể bảo vệ bộ binh khỏi nhiều loạt đạn xuyên giáp cỡ 7,62x54mm.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)