Quân sự thế giới hôm nay (15-6): Tàu ngầm hạt nhân Mỹ điều tới Cuba có gì đáng chú ý?

15/06/2024 07:41

Quân sự thế giới hôm nay (15-6-2024) có những nội dung sau: Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Cuba, Không quân Nga nhận lô máy bay huấn luyện Yak-130 mới, Brazil cân nhắc mua tiêm kích F-16.

* Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Cuba

Theo CBS News, quân đội Mỹ đã điều tàu ngầm hạt nhân với căn cứ ở Vịnh Guantanamo - căn cứ hải quân của Mỹ ở mũi phía Đông Nam Cuba, cách thủ đô Havana của Cuba khoảng 850km - khi các tàu hải quân Nga đang có chuyến thăm Cuba.

Cụ thể, Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ (SOUTHCOM) cho biết tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Helena của nước này đã tiến vào Vịnh Guantanamo trong một hoạt động định kỳ. Tuy nhiên, động thái này được coi là “sự phô trương sức mạnh” của Washington khi nhóm tàu chiến Nga tập trung ở vùng biển Caribe.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Helena. Ảnh: Zona Militar 

Trước đó, giới chức Mỹ cho biết nước này sẽ theo dõi chặt chẽ các tàu hải quân Nga cập cảng Cuba trong tuần này. Theo TASS, tàu ngầm hạt nhân Kazan, khinh hạm Đô đốc Gorshkov, tàu tiếp dầu Akademik Pashin và một tàu kéo đã đến Cuba để tiến hành tập trận quân sự ở Đại Tây Dương. Bộ Ngoại giao Cuba cho biết các tàu này không mang theo vũ khí hạt nhân.

USS Helena (SSN-725) là tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles do công ty con của tập đoàn General Dynamics (Mỹ) đóng và được hạ thủy năm 1986. Tàu dài 110m, lượng giãn nước đầy tải 6.200 tấn, tốc độ di chuyển tối đa gần 47km/giờ, thủy thủ đoàn 110 người. Tàu được trang bị 4 ống phóng 533mm có thể bắn được tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi MK48, cùng mìn Mk60 và Mk67.

Tuy nhiên, USS Helena đã có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong khi tàu ngầm Kazan là một trong những khí tài mới nhất của Hải quân Nga, được đưa vào biên chế vào năm 2021.

* Không quân Nga nhận lô máy bay huấn luyện Yak-130 mới

Defense Mirror dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết vừa nhận bàn giao lô máy bay huấn luyện Yak-130 mới, được sản xuất tại Nhà máy Hàng không Irkutsk của Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất Nga (UAC). Số lượng máy bay cụ thể không được tiết lộ.

Đây là đợt giao bàn giao đầu tiên đối với máy bay Yak-130 cho quân đội Nga trong năm nay, bởi lô trước đó được chuyển từ tháng 12-2023.

Máy bay Yak-130 của quân đội Nga. Ảnh: Airliners

Trong bối cảnh Nga tiếp tuc thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phi đội máy bay Yak-130 đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện thực hành đối với phi công cũng như hoàn toàn có thể được triển khai ra tiền tuyến với nếu cần.

Yak-130 được phát triển với mục đích thay thế máy bay huấn luyện L-39 từ thời Liên Xô và chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2009. Một trong những tính năng nổi bật của Yak-130 nằm ở là khả năng mô phỏng cũng như thực hiện các động tác thao diễn đặc trưng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm.

Đặc biệt, máy bay không chỉ được sử dụng làm phương tiện huấn luyện mà còn trong vai trò cường kích hạng nhẹ, khi nó có thể sử dụng cả rocket không điều khiển hạng nhẹ S-8 hay dòng S-13 và S-25OFM nặng hơn. Đồng thời, Yak-130 cũng có thể hoạt động như một máy bay tấn công mặt đất nhờ khả năng mang bom nặng tới 500kg, bao gồm cả bom dẫn đường thuộc loại KAB hay FAB nhưng gắn thêm module UMPC khiến chúng trở thành bom lượn. Nó cũng có khả năng không chiến khi sử dụng tên lửa không đối không R-73 với đầu dò hồng ngoại thụ động.

* Brazil cân nhắc mua tiêm kích F-16

Bulgarian Military đưa tin, sau thỏa thuận gần đây của Argentina mua tiêm kích F-16 đã qua sử dụng, Brazil cũng đang đàm phán với Mỹ về việc mua 24 chiếc F-16.

Không quân Brazil hy vọng sẽ sớm đưa ra quyết định, có thể vào cuối năm 2024, khẳng định điều này phù hợp với kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu cũ của họ.

Tiêm kích F-16 của quân đội Mỹ. Ảnh: Army.mil

Đây là thông tin gây bất ngờ bởi thỏa thuận năm 2014 của Brazil với công ty Saab (Thụy Điển) về 36 tiêm kích JAS-39 Gripen trị giá 5 tỷ USD dự kiến sẽ được giao từ năm 2027. Đáng nói, hợp đồng đó đã được gia hạn vào năm 2022 để bổ sung thêm 4 chiếc nữa, nâng tổng số máy bay lên 40. Đồng thời Brazil gần đây cũng bóng gió về việc mở rộng phi đội máy bay JAS-39 Gripen của mình.

Có thể thấy, bất chấp kế hoạch mua thêm JAS-39 Gripen, Không quân Brazil đang tìm kiếm những cách rẻ hơn để thay thế các máy bay chiến đấu sắp đến niên hạn loại biên của mình. Ban đầu, họ muốn tăng gần gấp đôi số tiền mua JAS-39 Gripen để thay thế các máy bay phản lực Mirage và AMX cũ. Tuy nhiên, những hạn chế về kinh tế đang khiến họ phải xem xét lại.

Tuy nhiên, con đường để Brazil có thể sở hữu F-16 cũng không hề đơn giản. Trước đó, từ đầu những năm 2000, Brazil đã cố gắng mua một lô máy bay F-16 của Mỹ nhưng không thành công. Năm 2002, Mỹ lần đầu tiên đề nghị bán máy bay F-16 cho Brazil, bao gồm cả tên lửa không đối không tiên tiến, song các cuộc thương thảo không đi đến hồi kết.

MINH ANH (tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-6-tau-ngam-hat-nhan-my-dieu-toi-cuba-co-gi-dang-chu-y-781165
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15-6-tau-ngam-hat-nhan-my-dieu-toi-cuba-co-gi-dang-chu-y-781165
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (15-6): Tàu ngầm hạt nhân Mỹ điều tới Cuba có gì đáng chú ý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO