Quân sự thế giới hôm nay (15-3): Xe tăng nội địa mới của Triều Tiên có gì đáng chú ý?

15/03/2024 07:02

Quân sự thế giới hôm nay (15-3-2024) có những nội dung sau: Chi tiết xe tăng nội địa mới của Triều Tiên, Anh công khai vũ khí laser tiềm năng, Mỹ tái vận hành trực thăng lưỡng thể Osprey tại Nhật Bản.

* Chi tiết xe tăng nội địa mới của Triều Tiên

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát một cuộc tập trận của quân đội và lái thử mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của nước này.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lái thử mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của nước này. Ảnh: KCNA

KCNA cho hay, ông Kim Jong Un mô tả đây là “xe tăng mạnh nhất thế giới” và bày tỏ sự hài lòng khi phương tiện này đã phô diễn hỏa lực và khả năng cơ động tuyệt vời, lần đầu thể hiện năng lực chiến đấu đáng kinh ngạc trong cuộc tập trận.

Hiện phía Bình Nhưỡng chưa công bố tên và thông số kỹ thuật của dòng xe tăng trên, kể từ khi nó được ra mắt trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động hồi tháng 10-2020. Tuy nhiên, theo Army Recognition, qua những hình ảnh nói trên, loại xe tăng này được trang bị 7 bánh chịu lực ở mỗi bên, nhiều hơn những xe tăng nội địa từng được Triều Tiên công bố trước đây.

Xe tăng mới của Triều Tiên vẫn mang họa tiết ngụy trang kiểu sa mạc giống mẫu M1 Abrams của Mỹ, nhưng màu sắc nhạt hơn so với nguyên mẫu xuất hiện vào năm 2020. Mặt khác, xe có hình dạng khung thân mới và mang nhiều nét tương đồng với dòng T-14 Armata của Nga, bao gồm giáp lồng ở hai bên sườn đuôi xe, nơi đặt động cơ. Sườn dưới thân xe, bánh chịu lực và hệ thống treo cũng được che chắn bằng diềm cao su, tương tự những xe tăng chiến đấu chủ lực ngày nay.

Video tổng hợp hình ảnh cuộc tập trận và ra mắt mẫu xe tăng mới nhất của Triều Tiên. Nguồn: AP

Tháp pháo xe tăng mới của Triều Tiên có hình dạng góc cạnh và cũng được lắp giáp lồng ở phía sau. Pháo chính dường như có cỡ nòng 125mm, với việc nòng pháo có thể tích hợp cảm biến laser đo độ cong do chênh lệch nhiệt độ nhằm tăng độ chính xác. Bên phải tháp pháo là hai ống phóng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) có thể lắp phiên bản được nước này chế tạo và nâng cấp dựa trên mẫu 9K111 Fagot từ thời Liên Xô. Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của thiết bị giống hệ thống phòng thủ chủ động (APS), gồm 4 cụm ống hướng về phía trước và hai bên tháp pháo - cấu hình tương đồng với APS Afghanit trên xe tăng T-14 Armata.

* Anh công khai vũ khí laser tiềm năng

CNN đưa tin Bộ Quốc phòng Anh mới đây đã công bố video về cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí laser năng lượng định hướng (LDEW) có tên DragonFire (Rồng lửa).

Một nguyên mẫu của hệ thống DragonFire. Ảnh: Defence Blog

Video được ghi hình trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 1 tại Scotland, trong đó DragonFire tấn công chính xác mục tiêu trên không. Bộ Quốc phòng Anh không công khai tầm bắn cụ thể của DragonFire nhưng tuyên bố hệ thống có thể bắn trúng mục tiêu nhỏ như đồng xu ở khoảng cách xa.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chùm tia laser có thể xuyên qua kim loại dẫn đến hư hỏng cấu trúc hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn nếu nhắm mục tiêu vào đầu đạn tên lửa.

Một trong những điểm mạnh của vũ khí này là giá thành rẻ. Theo CNN, chính quyền London ước tính chi phí cho một lần bắn của DragonFire chỉ khoảng 13USD, cho thấy vũ khí này có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế tên lửa. Ví dụ, để tiêu diệt drone và tên lửa của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, tàu khu trục HMS Diamond của Hải quân Hoàng gia Anh phải bắn đi tên lửa Sea Viper trị giá 1,2 triệu USD.

* Mỹ tái vận hành trực thăng lưỡng thể Osprey tại Nhật Bản

Kyodo News đưa tin, quân đội Mỹ đã nối lại việc khai thác trực thăng lưỡng thể Osprey tại Nhật Bản, qua đó chấm dứt lệnh cấm bay kéo dài 3 tháng đối với loại máy bay này sau vụ tai nạn hồi năm ngoái.

Một trực thăng Osprey của quân đội Mỹ hoạt động tại tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Theo đó, lực lượng Mỹ đã đình chỉ hoạt động trực thăng lưỡng thể Osprey trên toàn cầu từ ngày 6-12-2023, một tuần sau khi một chiếc rơi xuống vùng biển phía Tây của Nhật Bản khiến 8 binh sĩ thiệt mạng. Vụ tai nạn bị đánh giá là sự cố nguy hiểm nhất liên quan đến Osprey kể từ khi máy bay này được ra mắt vào năm 2007.

Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Osprey hồi tháng 11 năm ngoái đã được xác định nhưng không thể công khai do những hạn chế theo luật pháp của Mỹ cho đến khi Washington đưa ra báo cáo về vụ việc.

Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) đã tiết lộ nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay trực thăng UH-60JA ngoài khơi phía Nam quận Okinawa hồi tháng 4-2023, khiến toàn bộ 10 quân nhân có mặt trên máy bay thiệt mạng. Trong báo cáo điều tra về vụ tai nạn, GSDF cho biết cả hai động cơ đều bị giảm công suất đột ngột trước khi rơi, khiến chiếc trực thăng khó duy trì độ cao. Đây là sự cố chưa từng được báo cáo trước đây và gây thiệt hại về người nặng nề nhất từng xảy ra với máy bay của GSDF.

MINH ANH(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (15-3): Xe tăng nội địa mới của Triều Tiên có gì đáng chú ý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO