* Ukraine ra mắt UGV mới
Bộ Quốc phòng Ukraine vừa ra mắt phương tiện mặt đất không người lái (UGV) mới có tên gọi Lyut. Theo Militarnyi, phương tiện robot tiên tiến này được trang bị súng máy PKT cỡ nòng 7,62mm và được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động quân sự phức tạp.
Lyut được đặt trên khung gầm có hệ dẫn động 4 bánh, tối ưu hóa cho các nhiệm vụ quân sự chuyên sâu, được thiết kế để hoạt động như một tháp pháo di động, có khả năng thực hiện các hoạt động nghi binh và xác định mục tiêu, từ đó nâng cao lợi thế trên chiến trường.
UGV Lyut đã trải qua hơn 30 cuộc thử nghiệm để đánh giá độ chính xác trong tiêu diệt mục tiêu, khả năng liên lạc trong điều kiện tác chiến điện tử, hiệu quả hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau và độ bền của pin.
UGV “Lyut” được trang bị súng máy PKT cỡ nòng 7,62 mm. Ảnh: Militarnyi |
Kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy, Lyut đạt được phạm vi liên lạc theo tầm nhìn lên tới 2km và giảm xuống khoảng 700m trong môi trường có vật cản. Súng máy được trang bị camera mang lại tầm bắn chính xác lên tới 800m. Khi được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử “Bukovel” sản xuất trong nước, “Lyut” có thể hoạt động hiệu quả trong bán kính 700m.
Được thiết kế với mục đích mang lại hiệu quả chiến đấu cao, “Lyut” có trọng tâm thấp và hệ thống vũ khí có khả năng mang theo 550 viên đạn, được tích hợp một cách khéo léo nhằm giảm kích thước và tăng độ bền cho phương tiện. Giáp của UGV được thiết kế có thể chống lại hỏa lực của vũ khí nhỏ, trừ đạn xuyên giáp.
* Nga sử dụng xe tăng T-62M và T-62MV cải tiến trong chiến dịch quân sự đặc biệt
Một video được chia sẻ trên phương tiện truyền thông Nga mới đây cho thấy, xe tăng T-62M và T-62MV phiên bản cải tiến hiện đang được sử dụng trong chiếc dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đoạn video cho thấy, phiên bản hiện đại hóa của T-62M và T-62MV được trang bị giáp phản ứng nổ ở thân trước và hai bên sườn. Đặc biệt, biến thể T-62MV còn được nâng cấp cả tháp pháo. Trong khi đó, xe tăng T-62M được trang bị thêm lưỡi xúc cho nhiệm vụ đào hào và mở đường.
Ngoài giáp phản ứng nổ, T-62M còn được trang bị lưỡi xúc để đào hào và mở đường. Ảnh: Army Recognition |
Một cải tiến đáng chú ý nhất đối với mẫu T-62M là việc tích hợp kính ngắm ảnh nhiệt 1PN96MT-02, cho phép phát hiện và tiêu diệt chính xác các mục tiêu trong điều kiện ánh sáng yếu.
* Thổ Nhĩ Kỳ nhận xe tăng M60T hiện đại hóa đầu tiên
Army Recognition đưa tin, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiếp nhận lô xe tăng chiến đấu chủ lực M60T hiện đại hóa đầu tiên, đánh dấu thành công ban đầu của chương trình hiện đại hóa xe tăng M60T có tên gọi "TİYK – M60T" do Cơ quan Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng.
Xe tăng M60T, hay còn được biết đến với tên gọi Sabra trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, là phiên bản hiện đại hóa của xe tăng Patton M60, được phát triển vào những năm của thập niên 1960. Phiên bản này được kết hợp một loạt các tối ưu hóa nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và sống sót trên chiến trường.
Phiên bản đầu tiên của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Sabra (Mk I) được trang bị động cơ diesel tăng áp Continental AVDS-1790-5A công suất 900 mã lực cho phép di chuyển với vận tốc 48km/giờ. Một số biến thể khác là Mk II còn được trang bị động cơ MT881 KA-501 nội địa với công suất lên tới 1.000 mã lực, kết hợp với bộ truyền động Renk Color 304S, giúp tối ưu hóa hơn nữa khả năng cơ động của phương tiện.
Hình ảnh xe tăng chiến đấu chủ lực M-60T của Thổ Nhĩ Kỳ tại lễ bàn giao. Ảnh: Aselsan |
Về hệ thống vũ khí, M60T được trang bị pháo nòng trơn MG253 120mm có khả năng bắn nhiều loại đạn tiêu chuẩn của NATO, bao gồm cả tên lửa dẫn đường chống tăng LAHAT, giúp nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả chiến đấu của phương tiện. Những cải tiến về khung gầm, hệ thống treo cũng như khả năng cân bằng giúp tăng cường khả năng di chuyển cho phương tiện trên địa hình gồ ghề.
Trọng tâm của dự án "TİYK – M60T" là tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực VOLKAN-M và bổ sung lớp giáp bảo vệ giúp nâng cao khả năng chống lại các mối đe dọa của M60T.
* Đức lần đầu tiên đáp ứng chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng sau nhiều năm
Chính phủ Đức thông báo sẽ dành 73,41 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng trong năm nay, chiếm 2,01% GDP. Đây là con số kỷ lục đối với Berlin kể từ năm 1992.
Quyết định này được đưa ra sau tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện tranh cử ở South Carolina. Tại đây, ông Trump đã nói rằng, Washington có thể sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, có 18 trong tổng số 31 quốc gia thành viên NATO dự kiến sẽ đáp ứng chỉ tiêu chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, các đồng minh NATO ở châu Âu dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng 380 tỷ USD vào quốc phòng, chiếm tổng cộng 2% GDP. Sau những bình luận này, các chính trị gia Đức đã gia tăng áp lực lên Thủ tướng Olaf Scholz về việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Theo lãnh đạo NATO, dự kiến có 18 trong tổng số 31 quốc gia thành viên NATO đáp ứng chỉ tiêu chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay. Theo đánh giá của ông Jens Stoltenberg, đây là con số kỷ lục, tăng gấp 6 lần so với năm 2014 khi chỉ có 3 đồng minh đạt được chỉ tiêu đưa ra.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.