Quân sự thế giới hôm nay (14-8): Bulgaria ra mắt UAV cảm tử Samjet, Iskander-M diệt Su-27

14/08/2024 06:55

Quân sự thế giới hôm nay (14-8-2024) có những nội dung sau: Bulgaria ra mắt UAV cảm tử Samjet, Hải quân Brazil hạ thủy tàu khu trục lớp Tamandaré đầu tiên, Nga ra mắt máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130M cải tiến; Su-27 bị Iskander-M hạ đo ván.

* Bulgaria ra mắt UAV cảm tử Samjet

Samjet là phương tiện bay không người lái (UAV) cảm tử do doanh nghiệp quốc phòng Samel-90 của Bulgaria và ALIDRONE SAGL của Thụy Sĩ đồng phát triển.

Theo Defense Romania, UAV cảm tử (còn được gọi là đạn tuần kích) này được phát triển nhằm cung cấp cho lực lượng vũ trang Bulgaria “khả năng tấn công chính xác và nhanh chóng”. Về mặt hình ảnh, Samjet rất giống với Shahed-136/131 của Iran. UAV này cũng sử dụng tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và máy phóng.

UAV Samjet của Bulgaria (bên trái) và Shahed-136 của Iran (bên phải). Hai UAV khác nhau về kích thước nhưng giống nhau về thiết kế. Ảnh: Samel-90 và truyền thông Iran

Về thông số kỹ thuật, Samjet đạt vận tốc bay từ 120 đến 250km/giờ, phạm vi hoạt động “vài trăm km”, thời gian hoạt động từ 60 đến 120 phút, trọng lượng đầu đạn 5kg. Việc bảo dưỡng UAV này diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Đáng chú ý, Samjet có “giao diện trực quan” nên nó có thể hoạt động trong nhiều điều kiện và môi trường chiến đấu khác nhau. Thêm vào đó, chi phí sản xuất thấp cũng là một ưu điểm của UAV này.

Samjet còn được trang bị camera cho phép người vận hành theo dõi mục tiêu theo thời gian thực, ngay cả trong điều kiện thời tiết khó khăn. Điều này khiến UAV của Bulgaria trở nên khác biệt về mặt khái niệm so với Shahed của Iran vốn chỉ dựa vào hệ thống dẫn đường bên trong và không có chức năng điều khiển từ xa.

* Hải quân Brazil hạ thủy tàu khu trục lớp Tamandaré đầu tiên

Theo công bố mới đây của Bộ Quốc phòng Brazil, Hải quân nước này vừa hạ thủy tàu khu trục ‘Tamandaré’ (F200) tại xưởng đóng tàu thyssenkrupp Estaleiro Brasil Sul (tkEBS). Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, Bộ trưởng Quốc phòng José Mucio Monteiro và Tư lệnh Hải quân Đô đốc Marcos Sampaio Olsen đã tham dự sự kiện lịch sử này.

Đây là 1 trong 4 tàu thuộc Chương trình tàu khu trục lớp Tamandaré (PFCT) được đóng hoàn toàn tại Brazil. Các tàu khu trục này dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Brazil theo từng giai đoạn, từ năm 2025 đến 2029.

Lễ hạ thủy tàu khu trục lớp Tamandaré đầu tiên. Ảnh: Hải quân Brazil

Theo Army Recognition, mỗi tàu sẽ đảm nhiệm các vai trò khác nhau như tác chiến phòng không, tác chiến chống ngầm, và được trang bị các hệ thống tiên tiến như hệ thống tên lửa phòng không Sea Ceptor, tên lửa chống hạm MANSUP và ngư lôi Mark 46 chống lại các mối đe dọa dưới nước. Ngoài ra, tàu khu trục lớp Tamandaré còn được trang bị radar và cảm biến tinh vi, gồm radar Hensoldt TRS-4D và hệ thống quang điện tử Paseo XLR của Safra.

Tàu khu trục 'Tamandaré' dài 107,2m, rộng 15,95m, có lượng giãn nước khoảng 3.500 tấn, tầm hoạt động 5.500 hải lý, tốc độ 47km/giờ. Tàu có sàn đáp, nhà chứa trực thăng, radar, cảm biến và vũ khí tối tân. Tàu có thể hoạt động trong mọi môi trường tác chiến: Mặt nước, trên không và dưới nước. Dự kiến sẽ có khoảng 130 nhân sự làm việc trên tàu F200.

Theo dự kiến tàu sẽ được bàn giao vào năm 2027.

* Nga ra mắt máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130M cải tiến

Nhà máy Hàng không Yakovlev thuộc Tập đoàn Rostec (Nga) đã giới thiệu dự án hiện đại hóa máy bay huấn luyện - chiến đấu hạng nhẹ Yak-130M tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự quốc tế Army-2024, Nga. Theo TASS, Nhà máy Hàng không Irkutsk hiện đang sản xuất 3 nguyên mẫu của máy bay nâng cấp này.

Phiên bản nâng cấp máy bay huấn luyện - chiến đấu hạng nhẹ Yak-130 được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số tiên tiến, bao gồm buồng lái kính, màn hình đa chức năng cung cấp cho phi công khả năng nhận thức tình huống toàn diện và dễ vận hành. Hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến giúp tăng cường khả năng cơ động và độ ổn định của máy bay, cho phép mô phỏng các đặc điểm bay của nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau.

Máy bay huấn luyện - chiến đấu hạng nhẹ Yak-130. Ảnh: Dzen.ru 

Máy bay Yak-130 cũng được trang bị hệ thống radar đa chế độ có thể thực hiện các hoạt động tác chiến không đối không và không đối đất.

Về mặt vũ khí, máy bay Yak-130 được nâng cấp để mang nhiều loại vũ khí hơn. Hiện tại, máy bay được trang bị bom thông minh và bom không dẫn đường, tên lửa không đối không và tên lửa không đối đất. Ngoài ra, phiên bản nâng cấp còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, bao gồm máy thu cảnh báo radar, máy phát mồi bẫy/pháo sáng, giúp cải thiện khả năng sống sót của máy bay.

Yak-130 còn được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt AI-222-25, góp phần nâng cao hiệu suất và mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay. Yak-130 cũng đã được nâng cấp về cấu trúc để tăng độ bền và tuổi thọ, đảm bảo máy bay có thể chịu được sự khắc nghiệt khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu.

* Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M tiêu diệt máy bay chiến đấu Su-27

Bulgarian Military đưa tin, một đoạn phim vừa được công bố ngày 13-8 cho thấy một trong số ít máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Ukraine tại Căn cứ Không quân Mirgorod đã bị phá hủy bởi hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.

Su-27 là máy bay chiến đấu có năng lực nhất trong kho vũ khí của Ukraine. Nó được thiết kế như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-15 Eagle của Mỹ và chủ yếu phục vụ trong các vai trò chiếm ưu thế trên không.

Máy bay chiến đấu Su-27 đạt vận tốc tối đa khoảng Mach 2,35. Ảnh minh họa: Flight Aware

Su-27 dài khoảng 21,9m, sải cánh 14,7m, cao 5,93m, được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Saturn AL-31F cho phép máy bay đạt vận tốc tối đa khoảng Mach 2,35 (gấp 2,35 lần vận tốc âm thanh) ở độ cao lớn. Su-27 được trang bị nhiều hệ thống điện tử hàng không tiên tiến như radar N001 Myech.

Vũ khí của máy bay chiến đấu Su-27 gồm một pháo 30mm GSh-30-1 với 150 viên đạn, nhiều giá treo để mang nhiều loại tên lửa không đối không và không đối đất như tên lửa R-27 (AA-10 Alamo) và R-73 (AA-11 Archer), bom dẫn đường và các loại rocket tấn công mặt đất khác.

Tầm bay của Su-27 lên đến 3.530km với các thùng nhiên liệu ngoài. Trong cấu hình chiến đấu thông thường, máy bay có tầm bay khoảng 1.340km, cho phép Su-27 thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.

MAI HƯƠNG(tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (14-8): Bulgaria ra mắt UAV cảm tử Samjet, Iskander-M diệt Su-27
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO