Quân sự thế giới hôm nay (14-6): Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 tới Crimea

14/06/2024 07:52

Quân sự thế giới hôm nay (14-6-2024) có những nội dung sau: Nga đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 tới bán đảo Crimea, Indonesia sắp nhận máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II của Mỹ, Hải quân Đức hạ thủy tàu khu trục F126 đầu tiên.

*Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 tới Crimea

Militarnyl dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết Quân đội Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 tới Crimea để bảo vệ các cơ sở quan trọng. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai hệ thống phòng không tầm xa tối tân tại bán đảo này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga. Ảnh: Militarnyl

Quan chức này cũng giải thích thêm rằng việc sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 có thể sẽ mang tính thử nghiệm vì Nga chưa đưa vào sản xuất hàng loạt hệ thống này và cũng chưa từng sử dụng chúng trước đây.

Theo các nhà quan sát quân sự, động thái này là nhằm tăng cường khả năng phòng không của Nga trước các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Ukraine, đặc biệt là tên lửa đạn đạo. Nga hiện tại vẫn chưa bình luận về thông tin nói trên.

S-500 Prometheus là hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới của Nga do công ty quốc phòng Almaz-Antey phát triển và là phiên bản cải tiến của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. S-500 có khả năng tiêu diệt mọi loại vũ khí siêu vượt âm, cũng như các mục tiêu trên không và tên lửa đạn đạo khác. Ngoài ra, S-500 có thể đánh chặn máy bay siêu thanh và máy bay không người lái (UAV).

Theo một báo cáo của RIA Novosti, tầm bắn tối đa của S-500 là khoảng 600km. Hệ thống phòng không này có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm dòng 40N6M (đã được trang bị trên S-400) với tầm bắn khoảng 400km, cũng như dòng 77N6 và 77N6-N1 nhằm chống lại tên lửa đạn đạo và vệ tinh địa tĩnh hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất, có thể đánh chặn các mục tiêu ở khoảng cách 500-600km ở độ cao 200km.

* Indonesia sắp nhận máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II của Mỹ

Trong cuộc họp báo với giới truyền thông, Zaid Alami, Giám đốc điều hành Boeing Indonesia, xác nhận rằng công ty đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thành đơn đặt hàng 24 máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II của Bộ Quốc phòng Indonesia.

Được trang bị động cơ General Electric F110-GE-129, F-15EX có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2,5. Ảnh: Boeing Defense

Trước đó, vào tháng 8-2023, Indonesia đã hoàn tất thỏa thuận với Boeing về việc mua 24 máy bay F-15EX Eagle II, được định danh là F-15IDN trong biên chế của Indonesia. Việc mua các chiến đấu cơ này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân của Indonesia.

F-15EX Eagle II do Boeing phát triển là phiên bản mới nhất của dòng F-15 huyền thoại. F-15EX sở hữu tính linh hoạt và hiệu suất chiến đấu trên không vượt trội, được trang bị hệ thống cảnh báo và giám sát áp suất buồng lái, một tính năng quan trọng để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp ăng-ten tần số cực cao để liên lạc vệ tinh, mở rộng khả năng liên lạc và kết nối trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.

F-15EX được trang bị radar AN/APG-82(V)1 AESA, giúp cải thiện khả năng nhận biết tình huống và theo dõi mục tiêu. Sử dụng động cơ General Electric F110-GE-129, F-15EX có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2,5 (tương đương 3.090km/giờ) và trần bay là 18.288m. Máy bay có phạm vi hoạt động 1.270km và có thể bay liên tục trong hơn 20.000 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.

Vũ khí được trang bị trên F-15EX gồm pháo nòng xoay Gatling M61A1 Vulcan 20mm, tên lửa AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM, AGM-158, AGM-88 và AGM-183. Trong tương lai, máy bay có thể sẽ được trang bị thêm tên lửa chiến thuật AIM-260. Ngoài ra, F-15EX có thể mang theo bom GBU-31 hoặc GBU-38 (JDAM) và Bom đường kính nhỏ GBU-39 để nâng cao khả năng tấn công chính xác.

* Hải quân Đức hạ thủy tàu khu trục F126 đầu tiên

Mới đây, Damen Naval công bố Hải quân Đức vừa hạ thủy tàu khu trục F126 đầu tiên mang tên Niedersachsen.

Hình ảnh mô phỏng tàu khu trục F126 của Hải quân Đức. Ảnh: Naval Today

Dự án F126 là dự án mua sắm lớn nhất trong lịch sử của Hải quân Đức. Tàu khu trục đầu tiên trong dự án này dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2028 sau khi hoàn thiện tất cả các khâu thử nghiệm.

Theo nhà sản xuất, các tàu khu trục trong dự án này được trang bị hệ thống liên lạc vệ tinh SurfSAT-L (SatCom) do Thales cung cấp, mang lại kết nối an toàn và hiệu suất cao cho các hoạt động hải quân. Hệ thống này hỗ trợ nhiều băng tần và kết nối với cả vệ tinh quân sự và thương mại, đảm bảo liên lạc đáng tin cậy ngay cả trong điều kiện bất lợi.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt radar TRS-4D giúp tàu khu trục F126 có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường hàng hải phức tạp. Hệ thống radar này cùng với các cảm biến tiên tiến khác giúp nâng cao khả năng nhận biết tình huống và khả năng sẵn sàng tác chiến.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị mô-đun tác chiến chống ngầm (ASW), cho phép tiến hành các hoạt động chống ngầm và phát hiện từ xa các mối đe dọa từ tàu ngầm.

Ngày 12-6 vừa qua, Ủy ban ngân sách Quốc hội Đức đã thông qua việc mua thêm 2 tàu khu trục F126, nâng tổng số tàu khu trục F126 cho hải quân nước này lên con số 6. Trước đó, Hải quân Đức đã được phê duyệt mua 4 chiếc F126 theo hợp đồng ký vào tháng 6-2020.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (14-6): Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 tới Crimea
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO