* Ấn Độ mua hệ thống radar cảnh báo sớm Voronezh của Nga?
Theo Bulgarian Military, Ấn Độ được cho là đang hoàn tất một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD mua hệ thống radar cảnh báo sớm Voronezh của Nga. Hợp đồng mua sắm này sẽ giúp nâng cao năng lực phòng thủ của Ấn Độ trước các mối đe dọa trên không.
Voronezh là hệ thống radar cảnh báo sớm chiến lược được thiết kế để phát hiện tên lửa đạn đạo, vệ tinh và các mối đe dọa trên không khác. Đây là một phần của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga. Hệ thống này hoạt động với ăng-ten mảng pha chủ động, cho phép hoạt động trên nhiều băng tần khác nhau, mang lại độ nhạy cao và khả năng phát hiện chính xác mục tiêu.
Radar Voronezh-M của Nga. Ảnh: russianarms.ru |
Phạm vi của hệ thống có thể mở rộng từ 4.000 đến 6.000km. Hệ thống có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo ngay trong giai đoạn đầu của quá trình bay, ở khoảng cách lên đến 6.000km, trong khi các mục tiêu trên không như máy bay và tên lửa siêu thanh có thể được phát hiện ở khoảng cách 2.000km. Do thời gian phát hiện rất quan trọng đối với việc cảnh báo sớm và triển khai biện pháp đối phó nên hệ thống có thể cung cấp cảnh báo ban đầu trong vòng vài phút, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Hệ thống còn có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ và di chuyển nhanh thông qua các thuật toán xử lý tín hiệu phức tạp.
Hệ thống còn được trang bị bộ phân tích dữ liệu có thể xử lý hàng tỷ điểm dữ liệu theo thời gian thực, đảm bảo phát hiện và theo dõi hiệu quả nhiều mục tiêu cùng lúc. Ăng-ten mảng pha chủ động cho phép radar tập trung vào các mục tiêu khác nhau mà không cần chuyển động cơ học, tăng tốc độ phản ứng và độ theo dõi chính xác. Do kích thước và công suất của hệ thống, Voronezh yêu cầu các trạm làm mát và nguồn điện đặc biệt để hoạt động tối ưu.
Radar có một số mẫu đang được hiện đại hóa. Radar Voronezh-SM tăng cường khả năng phát hiện chính xác các mục tiêu đạn đạo, khí động học và loại bỏ nhiễu. Radar Voronezh-VP có thể theo dõi tên lửa đạn đạo đang bay tới, thậm chí cả các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình từ khoảng cách xa. Phiên bản cũ hơn, radar Voronezh-M, đang được hiện đại hóa để đáp ứng những thách thức mới, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm.
Các radar Voronezh có thể được tích hợp với các thành phần khác của hệ thống phòng thủ, như hệ thống phòng không S-400 và S-500, cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện chống lại các mối đe dọa trên không.
* Lục quân Anh triển khai vũ khí laser từ xe bọc thép Wolfhound chống UAV
Lục quân Anh đã triển khai thành công một hệ thống vũ khí laser năng lượng cao (HEL) gắn trên xe bọc thép Wolfhound, đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng trong thực tế.
Lục quân Anh đã triển khai thành công hệ thống vũ khí laser gắn trên xe bọc thép, đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng trong thực tế. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh |
Tại cuộc thử nghiệm diễn ra tại một bãi thử quân sự ở Wales, Trung đoàn Pháo binh Hoàng gia Anh số 16 đã theo dõi và phá hủy một loạt phương tiện bay không người lái (UAV) bằng hệ thống HEL. Khả năng tấn công và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không bằng vũ khí năng lượng định hướng laser (LDEW) đánh dấu bước ngoặt trong cách tiếp cận của Lục quân Anh nhằm chống lại các mục tiêu di chuyển nhanh và cơ động cao.
Cuộc thử nghiệm là giai đoạn mới nhất trong Dự án Swinton, chương trình LDEW nhằm chứng minh tính khả thi của tia laser như một giải pháp trong tương lai để chống lại các hệ thống bay không người lái (UAS). Đây không chỉ là chiến thắng về mặt kỹ thuật mà còn là tín hiệu mạnh mẽ về ý định tiếp tục đầu tư vào các công nghệ quốc phòng tiên tiến của Lục quân Anh.
Hệ thống LDEW hoạt động bằng cách hướng một chùm tia năng lượng mạnh về phía mục tiêu bằng các cảm biến và hệ thống theo dõi tiên tiến, duy trì độ chính xác và khóa mục tiêu theo thời gian thực. Vì lý do an ninh, vẫn chưa có tiết lộ về việc chùm tia phải tiếp xúc với mục tiêu trong bao lâu trước khi mục tiêu bị phá hủy.
* Thổ Nhĩ Kỳ chạy thử nghiệm tàu tuần tra xa bờ lớp Hisar đầu tiên
Nhà thầu quốc phòng ASFAT của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu tuần tra xa bờ lớp Hisar đầu tiên do nước này tự sản xuất - tàu TCG Akhisar (P-1220).
Tàu tuần tra xa bờ lớp Hisar dài 99,56m, mớn nước 3,77m, lượng giãn nước 2.300 tấn. Tàu có tốc độ tối đa 44,4km/giờ, có thể chở 104 thủy thủ.
Tàu tuần tra xa bờ lớp Hisar đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: ASFAT |
Tàu được trang bị các cảm biến hiện đại, bao gồm radar tìm kiếm 3D, radar kiểm soát hỏa lực, thiết bị hỗ trợ dẫn đường TACAN, hệ thống sonar gắn trên thân tàu, hệ thống hỗ trợ điện tử và hệ thống quản lý chiến đấu ADVENT do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Về vũ khí, tàu được trang bị pháo chính 76mm, 2 súng máy 12,7mm, đồng thời có khả năng triển khai tên lửa chống hạm Atmaca.
Theo dự án tàu tuần tra xa bờ, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đóng 10 tàu loại này. 2 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2025.
Tàu đảm nhiệm các nhiệm vụ thu nhập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, tìm kiếm và cứu nạn, chống khủng bố, ngăn chặn trên biển, tác chiến điện tử, phòng thủ chống lại các mối đe dọa phi đối xứng, bảo vệ giao thông hàng hải và hỗ trợ các hoạt động đổ bộ.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)