* Lữ đoàn cơ giới 59 của Ukraine được trang bị xe tăng Leopard 1A5
Một video đăng tải trên mạng xã hội gần đây cho thấy, Lữ đoàn Cơ giới 59 của Ukraine được trang bị xe tăng Leopard 1A5 phiên bản hiện đại hóa.
Leopard 1A5 cải tiến giữ nguyên thiết kế, vũ khí và giáp của Leopard 1A5 nguyên bản với vị trí người lái ở phía trước, tháp pháo ở giữa và khoang động cơ ở phía sau. Leopard 1A5 thường hoạt động với tổ lái gồm 4 người gồm chỉ huy, pháo thủ, người nạp đạn và lái xe.
Hình ảnh xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5. Ảnh: Army Recognition |
Một đặc trưng của Leopard 1A5 là tấm băng được thiết kế có độ dốc cao nhằm tăng cường bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra, lớp giáp đồng nhất được hàn cuộn giúp tạo sự cân bằng về trọng lượng và khả năng bảo vệ. Lớp giáp trước cũng được thiết kế đặc biệt để bảo vệ tốt hơn trước các loại đạn động năng và năng lượng hóa học.
Tháp pháo của Leopard 1A5 có một đặc điểm khác biệt và dễ nhận biết nhất với hình dạng tròn, giúp làm chệch hướng đạn chống tăng. Tháp pháo còn có nơi chứa đạn và hệ thống vũ khí phụ, điển hình là súng máy. Vũ khí được trang bị trên Leopard 1A5 là pháo cỡ nòng 105mm. Một trong những nâng cấp chính của phương tiện này là hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Đức, nước này đã bàn giao 30 chiếc Leopard 1A5 cho Ukraine và khoảng 130 chiếc nữa sẽ được giao trong tương lai. Hiện tại, Quân đội Ukraina cũng sử dụng Leopard 1A5 của Đan Mạch được Công ty FFG của Đức tân trang lại.
* Nga trình làng bom FAB-1500-M54 nặng 1,5 tấn
Truyền thông Nga mới đây đăng tải những hình ảnh đầu tiên về mẫu bom FAB-1500 M54 có gắn mô-đun dẫn đường và cánh nâng hợp nhất (UMPK), loại bom được đánh giá là sẽ đặt ra hàng loạt thách thức mới cho đối phương khi sử dụng trên chiến trường.
FAB-1500-54 là một loại bom có sức nổ mạnh được ra đời từ năm 1954 và được đánh giá là một trong những loại bom dẫn đường uy lực nhất của nước này. Mẫu bom này nặng 1.550kg, trong đó 675kg là chất nổ Tonyl, đủ sức tạo hố sâu có đường kính tới 15m, cũng như phá hủy nhiều mục tiêu bằng mảnh văng và sóng xung kích trong bán kính 500m.
Hình ảnh bom FAB-1500-M54 của Nga với mô-đun UMPK. Ảnh: Militarnyi |
Với trọng lượng gấp rưỡi so với Mark 84, FAB-1500-54 được trang bị cánh lớn hơn nhằm đảm bảo phạm vi bay mở rộng. Ngoài ra, hiệu suất khí động học của nó cũng được nâng cao nhờ một tấm chắn khí động học hình tròn được gắn phía trên.
Với mô-đun UMPK, sức công phá của quả bom được tăng lên gấp nhiều lần. Nga đã bắt đầu công việc điều chỉnh các mô-đun điều khiển cho mẫu bom nặng 1,5 tấn này vào đầu năm 2023. Đến đầu tháng 9-2023, đã có báo cáo đầu tiên về triển khai chúng trong các tình huống chiến đấu.
Cho đến nay, thông tin cụ thể về tầm bay và thông số của mẫu bom này vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự phương Tây, mẫu FAB-1500 có khối lượng và tầm bay lớn sẽ mang đến sức hủy diệt vượt trội và nhiều lựa chọn tấn công hơn cho máy bay chiến thuật Nga.
* Ấn Độ có UAV bản địa đầu tiên
Air Recognition đưa tin, Hải quân Ấn Độ đã sắm máy bay không người lái (UAV) tầm trung, sức bền cao (MALE) được sản xuất trong nước có tên gọi Drishti 10 Starliner. Drishti 10 Starliner được đánh giá là bước nhảy vọt đáng kể về năng lực sản xuất quốc phòng của Ấn Độ.
Được sản xuất bởi Adani Defense và Aerospace, Drishti 10 Starliner được thiết kế cho mục đích thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát nâng cao với khả năng hoạt động liên tục lên tới 36 giờ và có thể mang tải trọng lên tới 450kg.
Dishti 10 Starliner là biến thể bản địa của UAV Hermes-900 do Elbit Systems của Israel phát triển. Ảnh: Airrecognition |
Một điểm nổi bật của Drishti 10 Starliner là nó được cấp chứng nhận đủ khả năng bay theo tiêu chuẩn NATO STANAG 4671 và trở thành nền tảng quân sự duy nhất có chứng nhận hoạt động trong mọi thời tiết như vậy, đảm bảo tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong những kịch bản chiến dịch khác nhau.
Về thông số kỹ thuật, Drishti 10 Starliner UAV có chiều dài 8,3m, sải cánh 15m và tổng trọng lượng 1.100kg và có hệ thống cất cánh và hạ cánh tự động (ATOL). Được trang bị động cơ Rotax 916 với công suất 160kW (210 mã lực), UAV này đạt tốc độ tối đa 220km/giờ, tốc độ hành trình 112km/giờ và trần bay 9.100km.
Việc bổ sung Drishti 10 Starliner vào biên chế được đánh giá là sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Hải quân Ấn Độ và góp phần nâng cao năng lực phòng thủ tổng thể của nước này.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)