* Nga nâng cấp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đã tích hợp thành công hệ thống tác chiến chống drone (máy bay không người lái) cho các dàn pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A đang thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine. Đây là biện pháp giúp quân đội Nga bảo vệ hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A trước các cuộc tấn công bằng drone và bom lượn đang ngày càng trở nên phổ biến trên các chiến trường.
Quân đội Nga tăng cường khả năng phòng vệ cho pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A trước các cuộc tấn công của drone bằng hệ thống tấm chắn lưới thép. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo thông tin trên trang Sputnik, hệ thống tác chiến điện tử mới được tích hợp vào TOS-1A bao gồm súng bắn drone loại mới nhất cùng các hệ thống khác có khả năng gây nhiễu và cắt đứt liên lạc của các loại drone. Công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các loại drone khác nhau, bao gồm cả FPV (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất), loại drone vốn phụ thuộc nhiều vào việc duy trì tín hiệu liên lạc liên tục để hoạt động.
Chức năng chính của hệ thống tác chiến điện tử nâng cấp này là chặn tín hiệu trên nhiều tần số mà các drone sử dụng để định vị và tấn công mục tiêu, từ đó cải thiện khả năng phòng thủ của TOS-1A và đảm bảo hiệu quả chiến đấu của nó trên chiến trường.
TOS-1A còn được biết đến với cái tên Solntsepyok, được xem là một trong những hệ thống vũ khí có uy lực mạnh nhất trên thế giới và là một quân bài chiến lược của lực lượng pháo binh Nga. Đây là hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) với 24 ống phóng tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp hoặc đầu đạn cháy được đặt trên bộ khung gầm xe tăng T-72. TOS-1A có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 6 km và phóng liên tiếp 24 quả đạn, bao phủ một khu vực rộng lớn với sức hủy diệt mạnh. Việc bổ sung thêm hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến càng củng cố vai trò quan trọng của TOS-1A trong tác chiến của các lực lượng Nga ở Ukraine.
* Mỹ phát triển mẫu tên lửa mới cho Ukraine
Theo Bulgarian Military, chính phủ Mỹ vừa đưa ra đề nghị mời thầu cho dự án phát triển một loại tên lửa mới giúp Không quân Ukraine nâng cao khả năng tác chiến phòng thủ. Mục tiêu của dự án là tạo ra nguyên mẫu một phương tiện tự động có thể phát động tấn công tầm xa và nguyên mẫu này phải đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt cũng như một số tiêu chí khác mà Lầu Năm Góc đặt ra.
Bản phác thảo loại tên lửa mới. Ảnh: Không quân Mỹ |
Trong hồ sơ gửi về Lầu Năm Góc, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chi tiết về năng lực, kinh nghiệm có thể đáp ứng gói thầu, cụ thể như khả năng sản xuất loại tên lửa 500 cân Anh với hiệu ứng nổ phân mảnh, có nhiều tùy chọn ngòi nổ, có tốc độ bay thấp nhất là 0,6 Mach (740km/giờ) và có tầm bay ít nhất là 463km. Loại tên lửa này cũng cần hệ thống điều hướng hoạt động tốt trong khu vực tín hiệu GPS (định vị toàn cầu) yếu, sai số chính xác trong phạm vi 10m ở cả trường hợp bị gây nhiễu điện tử bình thường và cao. Ngoài ra, các công ty cần đảm bảo năng lực sản xuất hơn 1.000 tên lửa hoàn thiện trong thời gian 2 năm kể từ khi ký kết hợp đồng.
Đề nghị mời thầu đã được gửi đến 16 doanh nghiệp được lựa chọn dựa trên cơ sở xem xét hồ sơ thông tin ban đầu mà các doanh nghiệp đã cung cấp cho chính phủ Mỹ hồi đầu năm. Chỉ có những công ty nhận được đề nghị mời thầu mới có thể nộp hồ sơ tham gia gói thầu với hạn cuối vào ngày 24-7-2024.
*Quân đội Đức đặt hàng 105 xe tăng Leopard 2A8
Theo Army Recognition, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius vừa xác nhận thông tin quân đội nước này đặt mua thêm 105 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A8.
Hợp đồng mua 105 xe tăng Leopard 2A8 này có giá trị 2,9 tỷ Euro, được trích từ một quỹ đặc biệt của quân đội Đức và ngân sách chi tiêu hằng năm của Bộ Quốc phòng Đức. Những chiếc xe tăng Leopard 2A8 mới sẽ được bàn giao cho các đơn vị tăng thiết giáp của Đức đang triển khai tại Lít-va, nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ ở sườn phía Đông Bắc của NATO.
Xe tăng Leopard 2A8 xuất hiện lần đầu tiên ở Eurosatory 2024, một triển lãm quốc phòng được tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 6-2024. Ảnh: Army Registration Group |
Như vậy, quân đội Đức sẽ có tổng cộng 123 chiếc Leopard 2A8, trong đó có 18 chiếc đã được đặt mua vào năm 2023 để thay thế những chiếc xe tăng Leopard 2A6 đã bàn giao cho quân đội Ukraine.
Xe tăng Leopard 2A8 đã được nâng cấp đáng kể so với các phiên bản tiền nhiệm, được tích hợp một loạt các cải tiến về vũ khí, khả năng cơ động và phòng thủ. Về vũ khí, Leopard 2A8 vẫn giữ pháo nòng trơn 120mm L/55 được sử dụng ở Leopard 2A6 và 2A7, nhưng tích hợp các hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến hơn và khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau.
Các cải tiến về khả năng cơ động của Leopard 2A8 được thể hiện qua hệ thống động cơ và truyền động nâng cấp, mang lại nhiều sức mạnh hơn và tối ưu hóa nhiên liệu tiêu thụ. Điều này giúp cải thiện khả năng tăng tốc, cơ động và tầm hoạt động, giúp cho Leopard 2A8 phát huy hiệu quả hơn trong các tình huống chiến đấu khác nhau trên chiến trường.
Khả năng phòng vệ được tăng cường đáng kể ở Leopard 2A8. Nó có lớp giáp bằng vật liệu composite và được tích hợp nhiều mô-đun bảo vệ, giúp chống lại các mối đe dọa từ đạn động năng và vũ khí hóa học. Xe cũng được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động (APS) có thể phát hiện và vô hiệu hóa đạn chống tăng đang bắn tới, tăng khả năng sống sót trên chiến trường. Ngoài ra, Leopard 2A8 còn được tích hợp các hệ thống tác chiến điện tử để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ máy bay không người lái và tên lửa dẫn đường.
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)