Quân sự thế giới hôm nay (13-3): Mỹ viện trợ 300 triệu USD vũ khí cho Ukraine, Belarus kiểm tra toàn diện khả năng SSCĐ của quân đội

13/03/2024 06:56

Quân sự thế giới hôm nay (13-3) có những thông tin sau: Mỹ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine, Ấn Độ phát triển máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến, Belarus kiểm tra toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, Quân đội Tây Ban Nha nhận 4 xe chiến đấu bọc thép Castor.

* Mỹ sẽ gửi gói vũ khí mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine

Ngày 12-3, Nhà Trắng đã công bố gói viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine trong năm nay trị giá 300 triệu USD.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết khoản tài trợ này được rút ra từ khoản tiết kiệm chi phí ngoài dự kiến từ các hợp đồng của Lầu Năm Góc và sẽ được sử dụng để trang bị các loại đạn pháo, tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng, và đạn cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn 79 đang huấn luyện. Ảnh: Reuters

Theo Thiếu tướng Pat Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua hợp đồng tiết kiệm của Lầu Năm Góc có thể chỉ là tình huống xảy ra một lần và không phải là cách tài trợ bền vững cho Kiev.

Thông báo về khoản viện trợ vũ khí mới cho Kiev được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng vào cuối ngày 12-3 để bàn về các cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Cũng trong ngày 12-3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết Đan Mạch sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 336,6 triệu USD, bao gồm hệ thống pháo Caesar và đạn dược, cho Ukraine.

Cùng ngày, Financial Times đưa tin các nước thuộc Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ thông qua một khoản hỗ trợ trị giá 5 tỷ euro (tương đương 5,46 tỷ USD) tài trợ cho các chuyến hàng quân sự tới Ukraine.

* Ấn Độ phát triển máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến (AMCA)

Ủy ban an ninh Nội các Ấn Độ đã phê duyệt dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm theo sáng kiến Máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến (AMCA). Theo báo cáo của Janes, dự án này trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.

Việc chế tạo các nguyên mẫu máy bay được giao cho Hindustan Aeronautics, công ty sản xuất máy bay hàng đầu của Ấn Độ. Dự kiến, nguyên mẫu đầu tiên sẽ được hoàn thành vào giai đoạn 2028 - 2029.

Máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến (AMCA) của Ấn Độ. Ảnh HAL

Máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến (AMCA) sẽ có các tính năng tàng hình, bao gồm một khe hút gió giúp che giấu các cánh động cơ khỏi radar và thiết kế thân vỏ giúp giảm thiểu phản xạ radar. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, radar đa chế độ và bộ cảm biến.

Hệ thống đẩy của AMCA sẽ bao gồm 2 động cơ Kaveri, mỗi động cơ có khả năng tạo ra lực đẩy khoảng 110kN. Máy bay cũng được thiết kế để có khả năng siêu thanh ở mọi độ cao, với tốc độ tối đa Mach 2,5.

Phạm vi hoạt động của AMCA là khoảng 2.800km mà không cần tiếp nhiên liệu. Phạm vi này có thể được mở rộng bằng cách tiếp nhiên liệu trên không hoặc sử dụng thùng nhiên liệu phụ. Máy bay cũng được thiết kế để có trần bay 18.000m.

Về vũ khí, AMCA sẽ được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất và chống hạm. Máy bay cũng sẽ được trang bị súng máy cận chiến.

* Belarus kiểm tra toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội

Theo Bộ Quốc phòng Belarus, cuộc kiểm tra bao gồm nhiều bài tập và huấn luyện khác nhau, đặc biệt là bắn đạn thật.

Người dân Belarus được cảnh báo về việc tạm thời bị hạn chế tiếp cận một số con đường do sự di chuyển quy mô lớn của các loại khí tài quân sự.

Quân đội Belarus diễu hành tại lễ Kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ảnh: Sergei Gapon

Tháng 12-2023, chính phủ Belarus cũng tiến hành kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng không, đặc biệt là các đơn vị tên lửa phòng không và lực lượng kỹ thuật vô tuyến.

Quyết định tổ chức kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Minsk được đưa ra khi NATO tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở sườn Đông châu Âu mang tên Người bảo vệ kiên định. Cuộc tập trận có sự tham gia của 90.000 binh sĩ và hàng nghìn khí tài quân sự từ 32 quốc gia thành viên.

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Belarus Viktor Gulevich cho biết việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu có thể được coi là phản ứng của Belarus đối với các cuộc diễn tập của NATO gần biên giới nước này. Theo vị quan chức quân sự này, trong tương lai, Belarus sẽ tổ chức các cuộc tập trận tăng cường với sự tham gia của nhiều binh sĩ.

* Quân đội Tây Ban Nha nhận 4 xe chiến đấu bọc thép Castor

Lễ bàn giao đã diễn ra tại nhà máy Santa Bárbara Sistemas của General Dynamics European Land Systems (GDELS) ở Seville, Tây Ban Nha.

Xe chiến đấu bọc thép Castor thuộc chương trình Pizarro. Ảnh: GDELS

Bốn xe chiến đấu bọc thép ASCOD Castor này là một phần trong giai đoạn thứ hai của chương trình Pizarro của Quân đội Tây Ban Nha. Cho đến nay, GDELS đã giao 10 xe Castor cho Tây Ban Nha. 26 chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm nay.

Được thiết kế như một chiếc xe tăng hạng nhẹ, Castor được trang bị bệ phóng tên lửa đất đối không và tên lửa dẫn đường chống tăng. Biến thể Pizarro của Tây Ban Nha được trang bị pháo tự động Mauser MK 30/2 30mm và súng máy FN MAG sử dụng đạn 7,62x51mm. Ngoài 3 người điều khiển, xe tăng có thể chở thêm 8 người. Xe được trang bị giáp thép cuộn. Ngoài khả năng chiến đấu, xe còn được trang bị lưỡi máy ủi, máy cày, hệ thống rà phá bom mìn hạng nặng và các tính năng mô-đun khác để rà phá bom mìn.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (13-3): Mỹ viện trợ 300 triệu USD vũ khí cho Ukraine, Belarus kiểm tra toàn diện khả năng SSCĐ của quân đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO