* Tên lửa Zircon lần đầu được sử dụng ở Ukraine
Theo Euromaidan, Viện Nghiên cứu khoa học giám định pháp y Kiev đã xác nhận việc Nga triển khai tên lửa chống hạm 3M22 Zircon, tên lửa được phía Nga công bố là vũ khí siêu vượt âm, ở Ukraine vào ngày 7-2 vừa qua.
Theo ông Oleksandr Ruvin, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học giám định pháp y Kiev, viện này đã mở một cuộc điều tra về tên lửa Nga sử dụng trong cuộc tấn công ngày 7-2 và đã xác định được các thành phần cụ thể và dấu hiệu đặc trưng của tên lửa Zircon từ những mảnh vỡ cùng một số chi tiết đặc biệt của những loại tên lửa được sử dụng trong cuộc tấn công.
Kiev xác nhận tên lửa Zircon đã được Nga sử dụng ở Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Ông Ruvin cho biết, các yếu tố đặc trưng của tên lửa 3M22 Zircon được tìm thấy bao gồm các chi tiết được đánh số và mã hóa trên các bộ phận của động cơ và cơ cấu điều khiển của tên lửa. Những ký hiệu nhận dạng như 3L22 và 3B22 là một trong những chỉ dấu cho thấy dòng tên lửa Zircon đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Đáng chú ý, Viện còn xác định được rằng các bộ phận của tên lửa Zircon mới được sản xuất khoảng từ cuối năm 2023 đến đầu 2024.
Mặc dù hầu hết các thiết bị vi điện tử trên các mảnh vỡ của tên lửa đều đã hỏng hóc và không thể phục hồi và gần như không thể mang ra phân tích, nhưng Kiev đang nỗ lực để xác định các thành phần kim loại và vật liệu cách nhiệt sử dụng cho tên lửa. Cũng theo ông Ruvin, các thông số kỹ thuật của tên lửa Zircon do phía Nga đưa ra là tầm bắn từ 600 đến 1.500km, tốc độ đạt Mach 8-9 (gấp 8-9 lần vận tốc âm thanh) và trọng lượng đầu đạn khoảng 300-400kg. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của viện cho thấy Zircon chưa đạt được các thông số kỹ-chiến thuật như đã công bố.
* F-35 của Mỹ sẽ được trang bị tên lửa Meteor và SPEAR 3
Theo The National Interest, Lockheed Martin hiện đang tích hợp bộ đôi tên lửa không đối không Meteor và tên lửa hành trình phóng từ trên không SPEAR 3 lên chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning II. Theo kế hoạch, việc tích hợp tên lửa sẽ được hoàn thành vào cuối thập niên này.
Là một cải tiến của MBDA và được thiết kế gần giống với tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ, Meteor là tên lửa không đối không công nghệ cao, có khả năng tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn. Với trọng lượng khoảng 181 kg, tầm bắn gần 100 km, Meteor tăng cường phạm vi tấn công cho F-35, và khiến các máy bay đối phương trong tầm bắn hết sức khó khăn để có thể vòng tránh tên lửa Meteor đang lao tới với tốc độ lên tới hơn 4.800km/giờ. SPEAR 3 là tên lửa hành trình dẫn đường chính xác được phóng từ trên không, có thể tấn công ở khoảng cách 150km và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như sở chỉ huy, hệ thống phòng không hoặc các điểm đảm bảo hậu cần trên đất liền và trên biển.
Meteor là tên lửa không đối không công nghệ cao, có khả năng tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn. Ảnh: Bulgarian Military |
Trong bối cảnh Chương trình F-35 tiếp tục thu hút nhiều quốc gia châu Âu tham gia (hiện có 11 nước tham gia chương trình), việc Lockheed Martin tích hợp các loại vũ khí do châu Âu sản xuất vào chiến đấu cơ F-35 là điều hoàn toàn hợp lý và giúp tăng sức hấp dẫn của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này.
* Bản đồ chi tiêu quốc phòng trong khối NATO
Phát ngôn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử hôm thứ Bảy vừa qua (ngày 11-2) về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lần nữa khiến cộng đồng xuyên Đại Tây Dương xôn xao.
Trước đó, trong suốt nhiệm kỳ trước đây của mình, cựu Tổng thống Mỹ đã liên tục chỉ trích các đồng minh NATO vì không đáp ứng được các tiêu chí về chi tiêu quốc phòng trong liên minh. Tại cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã được hỏi về quan điểm của mình về nghĩa vụ phòng thủ tập thể theo Điều 5 của NATO trong trường hợp một quốc gia của khối bị tấn công từ bên ngoài mà không đáp ứng mục tiêu chi tiêu như đã thỏa thuận. Trả lời câu hỏi này, ông Trump cho rằng nếu không đáp ứng được mục tiêu chi tiêu của khối thì ông sẽ không tìm cách bảo vệ thành viên đó.
Ngay lập tức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo rằng những bình luận như thế này sẽ “đặt binh sĩ của Mỹ và châu Âu vào vòng nguy hiểm”. Ông Jens Stoltenberg là người từng tìm nhiều cách để xoa dịu những chỉ trích của Nhà Trắng về vấn đề chi tiêu quốc phòng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Dưới đây là bản đồ chi tiêu quốc phòng của các quốc gia NATO tới thời điểm hiện tại.
Bản đồ chi tiêu quốc phòng của các nước NATO. Ảnh: Newsweek |
- Tím: Từ 3% GDP trở lên (3 nước)
- Xanh nước biển: 2% đến dưới 3% GDP (8 nước)
- Cam: 1% đến đưới 2% GDP (18 nước)
- Đỏ: Dưới 1% GDP (1 nước)
- Xanh lá cây: Chưa là thành viên (Thụy Điển, dự kiến chi tiêu 2,2% GDP)
- Vàng: Không có quân đội riêng (Băng Đảo)
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)