Quân sự thế giới hôm nay (12-6): Nga hoàn tất kế hoạch đóng tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M

12/06/2024 07:56

Quân sự thế giới hôm nay (12-6-2024) có những nội dung sau: Nga hoàn tất kế hoạch đóng tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M, Hezbollah bắn hạ thêm UAV đắt tiền của Israel, Đức cam kết tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.

* Hezbollah bắn hạ UAV đắt tiền của Israel

Long War Journal đưa tin, lực lượng Hezbollah tuyên bố vừa bắn rơi thêm một UAV Hermes 900 của Israel trên không phận Lebanon.

Video đăng trên mạng xã hội cho thấy một vật thể bốc khói và xoay vòng trong lúc rơi xuống mặt đất theo chiều thẳng đứng. Đây là lần thứ ba nhóm vũ trang tại Lebanon tuyên bố hạ UAV Hermes 900 của Israel kể từ khi giao tranh xuyên biên giới giữa hai bên bùng phát cách đây 8 tháng, thời điểm Tel Aviv phát động chiến dịch ở dải Gaza chống Hamas.

Một UAV Hermes 900. Ảnh: Defense Post

Được phát triển dựa trên mẫu tiền nhiệm UAV Hermes 450, UAV Hermes 900 được tập đoàn Elbit Systems của Israel đưa vào sản xuất hàng loạt từ giữa năm 2010. Máy bay có khả năng đạt tốc độ 220km/giờ, thời gian hoạt động liên tục trên không đạt 36 giờ ở độ cao trên 9.000m, tải trọng tối đa 350kg. Máy bay trang bị các thiết bị quan sát quang-điện tử, cảm biến laser, hồng ngoại cùng hệ thống trao đổi dữ liệu thông tin theo mốc thời gian thực với trung tâm chỉ huy. Mỗi chiếc UAV Hermes 900 có giá khoảng 6 triệu USD.

Trước đó, The Times of Israel đưa tin, quân đội Israel xác nhận một UAV của nước này đã trúng tên lửa phòng không khi đang hoạt động ở không phận Lebanon, song không đề cập chủng loại. Giao tranh giữa quân đội Israel và Hezbollah đang gia tăng trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng.

* Nga hoàn tất kế hoạch đóng tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M

Theo Bulgaria Military, Nga vừa hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Stavropol thuộc lớp Buyan-M (Dự án 21631) tại xưởng đóng tàu Zelenodol ở vùng Tatarstan. Đây là chiếc thứ 12 và cũng là cuối cùng thuộc lớp này được đóng cho hải quân Nga.

Tàu được khởi đóng vào giữa năm 2018 và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm để có thể biên chế cho Hạm đội Baltic của Hải quân Nga vào cuối năm nay.

Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Stavropol của Nga. Ảnh: Top War 

Tàu Stavropol sẽ là một sự bổ sung đáng giá và đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh biên giới phía Tây của Nga, đồng thời có thể sẵn sàng được triển khai đến bất cứ nơi nào trên thế giới nếu có yêu cầu.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M là biến thể của tàu pháo tuần tra lớp Buyan (Dự án 21630). Tàu có kích thước nhỏ, thiết kế góc cạnh và được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar khiến tàu có khả năng tàng hình trước đối phương.

Mặc dù lượng giãn nước đầy tải chỉ 949 tấn nhưng tàu lớp Buyan-M lại mang theo số vũ khí đối hạm cực mạnh với 8 tên lửa chống tàu siêu thanh 3M54 Klub (NATO định danh là SS-N-27) đặt trong ống phóng thẳng đứng (VLS) phía sau tháp radar. Pháo hạm của tàu là A-190E cỡ 100mm có tầm bắn hiệu quả 23km, tốc độ bắn 80 phát/phút. Đồng thời, hỏa lực phòng không của tàu gồm 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp Igla-1M với 8 tên lửa. Trong khi đó, để chống lại tên lửa đối hạm, tàu trang bị 1 pháo phòng không cao tốc AK-630M2 Duet nòng kép có tốc độ bắn 10.000 phát/phút, tầm bắn 5km.

Hiện chưa rõ Hải quân Nga có tiếp tục đặt hàng thêm tàu lớp Buyan-M hay sẽ tìm kiếm một biến thể hiện đại hơn.

* Đức cam kết tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine

DW dẫn phát biểu tại Hội nghị phục hồi Ukraine ở Berlin ngày 11-6 cho biết Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz tuyên bố sẽ chuyển giao cho Kiev các hệ thống phòng không mới, bao gồm Patriot, IRIS-T và Gepard cũng như tên lửa và đạn dược trong “những tuần và tháng tới”.

Song song với tuyên bố trên, ông Scholz còn kêu gọi các nước có mặt tại hội nghị ủng hộ sáng kiến của Đức nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine “bằng tất cả những gì có thể”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên một hệ thống phòng không Gepard. Ảnh: Reuters

Tháng trước, chính phủ của ông Scholz từng thông báo bắt đầu huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng hệ thống phòng không Patriot thứ ba trước khi gửi nó cho Kiev.

Mặt khác, Đức cũng đứng đầu sáng kiến tìm kiếm thiết bị phòng không cho Ukraine trên khắp thế giới. Một số quốc gia như Mỹ và Romania đang xem xét cung cấp cho Ukraine mỗi nước một tổ hợp Patriot, trong khi Italy dự định gửi hệ thống phòng không SAMP/T sau hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại nước này trong tháng này.

Trước đó, Thủ tướng Scholz từng tuyên bố Đức sẽ chi 7,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2024. Viện kinh tế thế giới Kiel (IfW) thống kê rằng, Berlin đã viện trợ cho Kiev gần 23 tỷ USD từ tháng 2-2022 đến tháng 11-2023, đưa Đức trở thành nước đóng góp lớn thứ hai sau Mỹ.

MINH ANH(tổng hợp)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (12-6): Nga hoàn tất kế hoạch đóng tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO