* Tên lửa Patriot tại Ukraine bị phá hủy, khó có thể thay thế
Theo Forbes và Viện Nghiên cứu chiến tranh, hệ thống tên lửa Patriot viện trợ cho Ukraine hoạt động gần Sergeevka thuộc khu vực Donetsk đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga.
Vụ tấn công diễn ra vào ngày 9-3 và cũng khiến một hệ thống S-300 của Ukraine bị phá hủy. Cả hai vụ tấn công đều được thực hiện bằng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander-M. Hệ thống Patriot bị phá hủy trong cuộc tấn công được cho là từ phía Đức chuyển giao.
Tên lửa Iskander khai hỏa. Ảnh: Military Watch |
Trước đó, nguồn tin từ phía Nga đã đưa tin các loại tên lửa của Nga như 9K720 Iskander và Kh-47M2 Kinzhal đã được sử dụng để tiêu diệt các hệ thống tên lửa Patriot của Ukraine ở thủ đô Kiev vào tháng 5-2023. Tuy nhiên, các nguồn phương Tây khi đó chỉ xác nhận mức độ thiệt hại nhỏ đối với hệ thống Patriot. Ngày 23-2, Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo tiêu diệt thành công một hệ thống Patriot nhưng thông tin này cũng không được các nguồn tin phương Tây thừa nhận.
Tuy nhiên, cuộc tấn công mới nhất ngày 9-3 đánh dấu lần đầu tiên các nguồn tin phương Tây thừa nhận hệ thống Patriot bị tiêu diệt. Mặc dù Iskander-M không được thiết kế để chế áp phòng không và thay vì dẫn đường bằng radar như các tên lửa khác, nó sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp quán tính. Tuy nhiên, Iskander-M có độ chính xác cao và khả năng liên tục định vị lại mục tiêu trong hành trình bay là một trong những tính năng nổi bật nhất của tên lửa này, giúp nó có thể vô hiệu hóa một cách hiệu quả nhiều hệ thống vũ khí cơ động cao.
Forbes cũng ước tính rằng, có tới 13% tổng số bệ phóng Patriot được chuyển giao cho Ukraine đã bị phá hủy. Việc Mỹ tạm dừng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine từ cuối tháng 12-2023 khiến Ukraine hiện không đủ khả năng để thay thế các hệ thống Patriot đã bị tiêu diệt và bổ sung đạn tên lửa cho các hệ thống còn lại hiện đang được sử dụng. Bản thân quân đội Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các hệ thống Patriot do nhu cầu tăng đột ngột từ tháng 10-2023 sau khi các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ ở Trung Đông gia tăng.
* Almaz-Antey tăng cường tỷ lệ bắn trúng cho S-400 bằng radar Yenisei của S-500
Theo Bulgarian Military, Nga đang có kế hoạch tăng cường năng lực cho hệ thống tên lửa S-400 với việc trang bị radar Yenisei của S-500 cho hệ thống này. Công ty Almaz-Antey được cho là đã sản xuất thành công hệ thống radar nhận dạng mục tiêu tự động tiên tiến Yenisei.
S-400 sẽ được trang bị radar hiện đại. Ảnh: Yandex |
Thông tin này đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và ông Gennady Bendersky, Tổng giám đốc Almaz-Antey. Nhắc đến tầm quan trọng của radar và các loại vũ khí, ông Shoigu cũng nhấn mạnh vai trò sống còn của hệ thống tên lửa đất đối không trong “khu vực tác chiến đặc biệt” và chỉ ra rằng lực lượng phòng không Nga dự kiến sẽ tiếp tục phải đối phó với những đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và máy bay không người lái tấn công tầm xa.
Hệ thống nhận dạng mục tiêu tự động Yenisei sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là một phần của hệ thống radar hiện đại của Nga, được thiết kế để xác định và theo dõi các mục tiêu một cách độc lập. Phạm vi hoạt động của hệ thống Yenisei rất rộng, có khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km, giúp cung cấp thông tin cảnh báo sớm về các mối đe dọa tiềm ẩn, cho phép quân đội có đủ thời gian để ứng phó trước các mối đe dọa này.
* Nhập khẩu vũ khí vào châu Phi giảm mạnh, châu Âu tăng gấp đôi
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) trong ấn bản “Xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế” năm 2023 của mình cho biết nhập khẩu vũ khí vào các quốc gia châu Phi đã giảm đáng kể, giảm đi 52% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018. Sự sụt giảm đáng kể này chủ yếu là do Algeria và Morocco cắt giảm mua sắm vũ khí, với mức giảm lần lượt là 77% và 46%.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2019-2023, Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho châu Phi, chiếm 24% lượng nhập khẩu vũ khí vào lục địa này. Tiếp theo sau là Mỹ với 16%, Trung Quốc 13% và Pháp ở mức 10%. Nigeria, Angola và Senegal là ba nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu. Ở khu vực Hạ Sahara, Pháp duy trì vị trí là nhà cung cấp lớn thứ ba, với 11% thị phần nhập khẩu vũ khí; Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ tư và phần lớn là xuất khẩu trực thăng chiến đấu cho Nigeria và nhiều loại máy bay và máy bay không người lái cho các quốc gia khác.
Binh sĩ Rwanda vận hành vũ khí. Ảnh: Bộ Quốc phòng Rwanda |
Trước đó, Ai Cập từng là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 toàn cầu, nhưng hiện chỉ đứng thứ 7, với lượng nhập khẩu vũ khí giảm tới 26% trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018. Đức là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ai Cập, tiếp theo là Italy, Nga, Pháp và Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, các thương vụ mua sắm gần đây của Ai Cập bao gồm tàu khu trục, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.
Trên phạm vi toàn cầu, 5 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong giai đoạn 2019-2023 là Ấn Độ, Saudi Arabia, Qatar, Ukraine và Pakistan, trong khi các nhà xuất khẩu hàng đầu bao gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Tổng khối lượng chuyển giao vũ khí quốc tế trong giai đoạn 2019-2023 giảm nhẹ 3,3% so với 5 năm trước nhưng lại tăng 3,3% so với giai đoạn 2009-2013.
Ngược lại với châu Phi, các nước châu Âu đã tăng gần gấp đôi giá trị nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018, trong đó Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 23% tổng giá trị nhập khẩu của châu lục. Việc Nga giảm xuất khẩu vũ khí khiến Pháp lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)