Quân sự thế giới hôm nay (12-10): Mỹ điều tra thương vụ Brazil mua tiêm kích Gripen

12/10/2024 08:11

Quân sự thế giới hôm nay (12-10) có những nội dung sau: Mỹ điều tra thương vụ Brazil mua tiêm kích Gripen; Ấn Độ sẽ nhận UAV MQ-9B trong 3-4 năm tới; Anh lần đầu tiên phóng tên lửa Sea Venom từ trực thăng Wildcat.

* Mỹ điều tra thương vụ Brazil mua tiêm kích Gripen 

Theo Flight Global, chính phủ Mỹ đang điều tra thỏa thuận năm 2014 giữa Brazil và nhà thầu Saab của Thụy Điển nhằm cung cấp tiêm kích Gripen cho lực lượng không quân nước này (FAB).

Cụ thể, sau khi thỏa thuận được ký kết, Saab cho biết, công ty con của họ tại Mỹ đang bị Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) triệu tập và yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến việc bán 36 tiêm kích Gripen cho Brazil trị giá 5,4 tỷ USD.

“Saab sẽ tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin và hợp tác với DoJ về vấn đề trên”, hãng này tuyên bố, song từ chối cung cấp thêm chi tiết với lý do “phải giữ bí mật”. Trong khi đó, DoJ cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nào.

Tiêm kích Gripen của Brazil. Ảnh: Air Data News 

Trước đây, vào năm 2016, tòa án ở cả Thụy Điển và Brazil đều tiến hành điều tra hợp đồng trên với nghi vấn xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, Saab lưu ý rằng vai trò của mình trong thỏa thuận đã được các cơ quan tư pháp ở cả hai nước xem xét kỹ lưỡng. “Những cuộc điều tra này đã kết thúc mà không chỉ ra bất kỳ hành vi sai trái nào của Saab”, công ty nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Flight Global cho biết, kết luận đó rõ ràng không làm hài lòng các nhà chức trách ở Washington, những người có khả năng đang điều tra hợp đồng của Brasilia theo đơn kiện từ hãng Boeing của Mỹ.

Năm 2013, Brazil mở gói thầu FX-2 mua tiêm kích cho FAB, thu hút các ứng cử viên là tiêm kích Gripen (Saab), F/A-18 (Boeing) và Rafale (Dassault). Cuối cùng, Saab thắng thầu, với việc Brazil khẳng định việc lựa chọn máy bay dựa trên 3 yếu tố gồm: Mức độ chuyển giao công nghệ, giá thành, chi phí bảo dưỡng. Tiêm kích Gripen đầu tiên đã được bàn giao cho Brazil và hợp đồng sẽ hoàn tất trong năm 2027.

Vào năm 2021, Brasilia cho biết cân nhắc mở rộng chương trình FX-2 lên 70 tiêm kích. Mặc dù vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết cho các máy bay chiến đấu bổ sung, song một đại diện của Saab từng chia sẻ rằng công ty vẫn lạc quan về triển vọng thắng thầu tiếp.

* Ấn Độ sẽ nhận UAV MQ-9B trong 3-4 năm tới

Bulgarian Military đưa tin, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, Ủy ban An ninh thuộc Nội các Ấn Độ (CCS) tiếp tục thông qua hợp đồng mua 31 máy bay không người lái (UAV) MQ-9B từ hãng General Atomics của Mỹ, ước tính trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Thỏa thuận dự kiến sẽ được hai bên hoàn tất vào cuối năm nay, sau các cuộc thảo luận và đàm phán kỹ lưỡng về vấn đề chuyển giao công nghệ, chi phí và những điều kiện tiên quyết về khai thác khí tài.

Ấn Độ và Mỹ có thể sớm ký hợp đồng UAV MQ-9B. Ảnh: Times of India

Nếu thương vụ trên được New Delhi và Washington ký kết đúng thời gian, các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào cuối năm 2027 hoặc đầu năm 2028, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa đội bay không người lái của quân đội Ấn Độ.

Được biết, việc mua 31 máy bay MQ-9B, bao gồm 15 chiếc SeaGuardian cho hải quân Ấn Độ và 16 chiếc SkyGuardian (8 chiếc cho Lục quân và 8 chiếc cho Không quân Ấn Độ), là một nội dung quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng được công bố trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6 vừa qua.

Các máy bay này, dự kiến được lắp ráp tại Ấn Độ, sẽ góp phần tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát của lực lượng vũ trang Ấn Độ. Đồng thời, chúng cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu chiến lược ở vùng núi và vùng biển trong những nhiệm vụ kéo dài. Reuters thông tin, đi kèm với số máy bay trên còn có một loạt thiết bị giám sát và liên lạc hiện đại, cùng tên lửa tấn công AGM-114R Hellfire và 310 quả bom lượn dẫn đường laser kích thước nhỏ.

* Anh lần đầu tiên phóng tên lửa Sea Venom từ trực thăng Wildcat 

Army Recognition dẫn nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Anh cho biết lực lượng này vừa lần đầu tiên thành công trong việc bắn tên lửa hành trình diệt hạm Sea Venom từ trực thăng săn ngầm AW159 Wildcat.

Cuộc thử nghiệm này, được tiến hành tại trường bắn Aberporth ở Xứ Wales, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa năng lực tấn công trên không của Hải quân Anh.

Hình ảnh tên lửa Sea Venom được phóng từ trực thăng AW159 Wildcat tại cuộc thử nghiệm. Ảnh: Army Recognition 

Theo công bố, tàu mục tiêu bao gồm 3 container gắn trên một xà lan, mỗi container được trang bị các bộ phận gia nhiệt được thiết kế để mô phỏng tín hiệu nhiệt của tàu đối phương phát ra.

Việc phóng tên lửa thành công là một bước tiến lớn trong việc tích hợp Sea Venom vào kho vũ khí, vốn đã rất đáng gờm của trực thăng Wildcat, bao gồm ngư lôi Sting Ray để chống lại các mối đe dọa dưới nước và tên lửa Martlet hạng nhẹ để tấn công các tàu nhỏ và tàu nổi di chuyển tốc độ nhanh.

Sea Venom là sản phẩm của chương trình phát triển tên lửa tự dẫn diệt hạm tương lai FASGW(H)/ANL do Anh và Pháp hợp tác sản xuất. Tên lửa được thiết kế để phóng từ trực thăng, được dùng để vô hiệu hóa tàu nổi có lượng choán nước từ 50 tới 1.000 tấn và đạt hiệu quả cao khi ngăn chặn tàu tấn công nhanh hay xuồng cao tốc. Về thông số, tên lửa có chiều dài 2,5m, đường kính 200mm, trọng lượng 110kg, đầu đạn 30kg và tầm bắn tối đa 20km.

Tên lửa được thiết kế với đa chế độ dẫn. Việc dẫn bắn tên lửa được thực hiện qua kênh kết nối hai chiều với tên lửa hoặc tự động hoàn toàn. Khả năng tác chiến của tên lửa vượt trội nhờ việc được trang bị cảm biến tự dẫn ảnh hồng ngoại giúp kháng nhiễu và xác suất trúng mục tiêu cao.

MINH ANH(tổng hợp)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-10-my-dieu-tra-thuong-vu-brazil-mua-tiem-kich-gripen-798411
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-10-my-dieu-tra-thuong-vu-brazil-mua-tiem-kich-gripen-798411
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (12-10): Mỹ điều tra thương vụ Brazil mua tiêm kích Gripen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO