*Su-25 của Ukraine được trang bị bom lượn của Pháp
Theo Defence Blog, Ukraine đã điều chỉnh máy bay tấn công Su-25 để triển khai bom lượn AASM Hammer tiên tiến của Pháp, nâng cao khả năng tấn công của lực lượng Ukraine với độ chính xác và hiệu quả cao hơn.
Su-25 của Ukraine được trang bị bom lượn ASSM Hammer của Pháp. Ảnh: Defence Blog |
Ban đầu, Không quân Ukraine sử dụng bom không điều khiển trên Su-25. Khi nguồn cung cạn kiệt, Mỹ đã cung cấp tên lửa Zuni từ kho dự trữ để duy trì khả năng hoạt động của Su-25. Tuy nhiên, kho tên lửa Zuni cũng đã cạn kiệt và việc khởi động lại sản xuất được coi là không thể, do phương Tây đang chuyển hướng sang vũ khí dẫn đường chính xác. Để duy trì hoạt động của Su-25, quân đội Ukraine đã điều chỉnh máy bay để triển khai bom lượn AASM Hammer của Pháp. Điều này đã giúp Su-25 nâng cao khả năng tấn công một cách chính xác hơn.
AASM Hammer là sự kết hợp giữa bom và tên lửa, có chức năng chuyển đổi bom không điều khiển tiêu chuẩn thành bom lượn dẫn đường chính xác nhờ bộ dẫn hướng có cánh và bộ đẩy tên lửa gắn phía sau giúp mở rộng tầm tấn công của bom. Hammer có thể tương tác với các phương tiện mang hệ thống điều khiển hỏa lực khác nhau và được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định, và di chuyển với độ chính xác cao. Bom được thiết kế không cần bảo trì và có chi phí vòng đời rất thấp.
Việc Ukraine nhận bom lượn AASM Hammer là một phần trong gói viện trợ quân sự của Pháp. Vũ khí này hiện đang được Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột với Nga.
* Israel ra mắt tên lửa không đối đất tầm xa Air Lora
Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) chính thức công bố phiên bản phóng từ trên không của tên lửa chiến thuật Lora có tên gọi Air Lora, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc tấn công tầm xa nhắm vào Israel.
Tên lửa Air Lora được giới thiệu tại Triển lãm hàng không vũ trụ ILA Berlin 2024. Ảnh: Army Recognition |
Air Lora được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm hàng không vũ trụ ILA Berlin 2024 diễn ra từ ngày 5 đến 9-6. Theo tài liệu do nhà sản xuất cung cấp, Air Lora được mô tả là tên lửa không đối đất có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược như trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân, cơ sở hạ tầng và tàu hải quân… Một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có thể đạt tốc độ siêu thanh và được trang bị thiết bị dẫn đường quán tính/GPS với chế độ “bắn và quên”, đảm bảo cho tên lửa có thể hoạt động cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.
Tên lửa có thể nhận tọa độ mục tiêu trong khi còn đang được gắn vào máy bay và nhà sản xuất tuyên bố hệ thống dẫn đường của Air Lora có khả năng chống lại hệ thống gây nhiễu của đối phương.
Air Lora tương thích với nhiều loại máy bay khác nhau, như máy bay tuần tra trên biển Boeing P-8 cũng như máy bay chiến đấu F-15 và F-16. Sử dụng nhiều loại đầu đạn mạnh mẽ, tên lửa cho phép lực lượng không quân tấn công các mục tiêu của đối phương từ khoảng cách xa, có khả năng lao nhanh xuống mục tiêu vào giai đoạn cuối, khiến việc đánh chặn nó trở nên vô cùng khó khăn đối với các hệ thống phòng không hiện có.
Dựa trên mô hình được trưng bày tại ILA và trên hình ảnh do IAI công bố, tên lửa Air Lora có hình dáng khá giống với tên lửa Lora. Tầm bắn của Air Lora mặc dù chưa được công bố nhưng các chuyên gia cho rằng, tên lửa có thể bắn trúng các mục tiêu vượt xa tầm bắn 442km của Lora phóng từ mặt đất.
* KNDS cung cấp thêm xe tăng Leopard 2A7HU cho Hungary
Lực lượng Phòng vệ Hungary mới đây vừa nhận thêm 2 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7HU (Leopard 2A7+) do tập đoàn KNDS của Đức sản xuất, theo hợp đồng ký từ năm 2018.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7HU. Ảnh: Hungarian Defence Forces |
Theo Bộ Quốc phòng Hungary, đợt giao hàng này còn bao gồm 1 xe huấn luyện Leopard 2A7, sẽ được sử dụng để huấn luyện binh lính ở Hungary. Với 2 xe tăng Leopard 2A7HU mới được giao, Hungary hiện sở hữu tổng cộng 13 chiếc chiến xa này.
Theo hợp đồng năm 2018, KNDS sẽ cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Hungary tổng cộng 44 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7HU.
Leopard 2A7HU, hay còn gọi là Leopard 2A7+, là phiên bản hiện đại hóa của xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6. Thiết kế mô-đun của xe cho phép phương tiện có thể hoạt động cường độ cao trong môi trường đô thị. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị bộ bảo vệ mô-đun với mô-đun giáp thụ động giúp bảo vệ kíp lái trước hỏa lực của tên lửa chống tăng, mìn, thiết bị nổ tự chế và hỏa lực súng chống tăng RPG.
Về thông số kỹ thuật, Leopard 2A7+ có chiều dài 7,7m (khi pháo hướng về phía trước có chiều dài là 10,97m), chiều rộng 3,76m và chiều cao 3,03m. Phương tiện này nặng 67,5 tấn và được điều khiển bởi kíp lái 4 người. Hỏa lực chính của xe là pháo nòng trơn L55A1 120mm có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 5km. Ngoài ra, xe còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm, trạm vũ khí điều khiển từ xa với súng máy 12,7mm và ống phóng lựu đạn khói 76mm.
Bên cạnh Leopard 2A7+, Hungary cũng đã đặt mua 5 xe thiết giáp Wisent 2; 3 xe bắc cầu bọc thép Leguan 2HU; 12 xe tăng Leopard 2A4 (dành cho huấn luyện tổ lái) và 24 hệ thống pháo tự hành PzH 2000. Tổng giá trị của hợp đồng ước tính vào khoảng 1,6 đến 1,8 tỷ euro.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)