* Lầu Năm Góc tăng cường quan hệ quân sự với Mông Cổ
Thông cáo báo chí mới nhất của Lục quân Mỹ cho biết 2 nhóm cố vấn thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Hỗ trợ An ninh số 5 đã tới Mông Cổ, phối hợp và hỗ trợ Lục quân Mông Cổ tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ cho lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này và tiến hành các sáng kiến phát triển lực lượng hạ sĩ quan.
Từ đầu năm 2021, Lữ đoàn Hỗ trợ an ninh số 5 đã duy trì quan hệ hợp tác lâu dài với Lục quân Mông Cổ. Hai nhóm cố vấn thuộc lữ đoàn có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa 2 bên là Đội Cố vấn cấp đại đội 5220 và Đội Cố vấn triển khai lực lượng 5223.
Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Mông Cổ. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Thiếu tá Steve Morse, Đội trưởng Đội 5220, Chỉ huy trưởng lực lượng Lữ đoàn Hỗ trợ an ninh số 5 tại Mông Cổ, cho biết: “Cả Đội 5220 và 5223 đều đã từng được triển khai tới Mông Cổ trước đây. Chúng tôi đã tích lũy được nhiều trải nghiệm ở đây và việc hai nhóm cố vấn tiếp tục tới Mông Cổ đảm bảo Mỹ luôn có liên kết chặt chẽ với quốc gia châu Á này, làm phong phú thêm các mối quan hệ và năng lực tư vấn của các tư vấn viên theo ưu tiên của phía bạn”.
* Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào vận hành tàu sân bay đầu tiên
Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào sử dụng tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên, nhằm tăng cường năng lực sử dụng máy bay không người lái trong tác chiến hải quân và tác chiến trên bộ trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng.
Từ tàu sân bay TCG Anadolu có thể triển khai các loại máy bay hạng nhẹ, chủ yếu là máy bay trực thăng và máy bay phản lực có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn. Tàu có chiều dài 232m, rộng 32m và có thể mang theo tối đa 1.400 binh sĩ và một số khí tài phục vụ tác chiến trên biển.
Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sử dụng tàu sân bay TCG Anadolu chủ yếu cho máy bay không người lái. Ảnh: Anadolu Agency |
Tại buổi lễ ra mắt tại Istabul, Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh: “Tàu sân bay TCG Anadolu cho phép chúng ta tiến hành các hoạt động tác chiến quân sự và hoạt động nhân đạo ở bất cứ nơi nào trên thế giới khi cần thiết. Chúng tôi coi đây là biểu tượng củng cố vị trí lãnh đạo khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ”.
TCG Anadolu được đóng tại Nhà máy đóng tàu Sedef tại Istanbul dựa trên thiết kế tàu sân bay hạng nhẹ Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Theo kế hoạch ban đầu, Ankara dự kiến sẽ sử dụng máy bay chiến đấu F-35B có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn trên tàu TCG Anadolu. Tuy nhiên, kế hoạch này buộc phải hủy bỏ sau khi Mỹ từ chối bán F-35B cho Thổ Nhĩ Kỳ do quốc gia thành viên NATO này thực hiện kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 defence vào năm 2019. Tàu TCG Anadolu vì vậy được chuyển đổi chức năng thành tàu sân bay chủ yếu dành cho máy bay không người lái. Đây sẽ là tầu sân bay đầu tiên trên thế giới có đội hình máy bay chủ yếu là không người lái.
* Kết thúc các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO
Các cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO đã kết thúc 6 ngày nhóm họp. Các nội dung được đưa ra thảo luận bao gồm các vấn đề an ninh thế giới như xung đột ở Ukraine và vai trò của Bắc Kinh; các mối đe dọa và thách thức an ninh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi như bất ổn, khủng bố...
NATO tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Ảnh: NATO |
Các bộ trưởng cũng bàn thảo vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng với hy vọng các quốc gia thành viên sẽ nhất trí với mức sàn 2% như đã đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh Vilnius tới đây. Viện trợ quân sự cho Ukraine cũng là một chủ đề chính của cuộc họp. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh các cam kết mới của các nước đồng minh trong Ủy ban NATO-Ukraine và ủng hộ các thành viên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Stoltenberg cũng công bố việc phát triển một chương trình hỗ trợ chiến lược lâu dài cho Ukraine. Tại cuộc họp, NATO cũng hoan nghênh Phần Lan đã trở thành viên mới nhất của tổ chức.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
QUÝ CHUNG (thực hiện)