Quân sự thế giới hôm nay (11-11): Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk bay thử nghiệm

11/11/2023 07:39

Quân sự thế giới hôm nay (11-11-2023) có những nội dung sau: Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk chuẩn bị bay thử nghiệm, Bulgaria phê duyệt mua xe chiến đấu Stryker, Hải quân Singapore và Brunei kết thúc cuộc tập trận song phương Pelican…

* Máy bay huấn luyện T-7 Red Hawk bay thử nghiệm

Military Leak đưa tin, máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk (Chim ưng đỏ) đầu tiên do “ông lớn” Boeing chế tạo cho Không quân Mỹ đã hoàn thành chuyến bay dài 2.253km tới Căn cứ Không quân Edwards ở California để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm bay tiếp theo.

Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk đầu tiên do Thiếu tá Jonathan Aronoff của lực lượng Không quân Mỹ và phi công thử nghiệm của Boeing, Steve Schmidt, điều khiển đang bay tới Căn cứ Không quân Edwards ở California. Ảnh: Không quân Mỹ 

Evelyn Moore, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chương trình T-7A Red Hawk của Không quân Mỹ, cho biết đây là thời điểm then chốt đối với chương trình T-7. Việc đưa T-7A Red Hawk đến Căn cứ Không quân của Mỹ tại Edwards để thử nghiệm bay sẽ chứng minh hiệu suất của máy bay như một phương tiện huấn luyện nhanh và an toàn cho các phi công trong tương lai.

Theo đó, T-7A được thiết kế để thay thế máy bay Northrop T-38 Talon được đưa vào sử dụng từ những năm 1960. T-7A sẽ cung cấp khả năng đào tạo phi công nâng cao cho các phi công đang học lái máy bay chiến thuật và máy bay ném bom.

Năm 2018, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 9,2 tỷ USD với Boeing để mua 351 máy bay huấn luyện tiên tiến T-7A cùng với thiết bị mô phỏng và hỗ trợ liên quan.

Air Force Technology trích lời Thiếu tá Jonathan Aronoff, phi công thử nghiệm T-7A, cho biết: “T-7A mang đến những cải tiến đáng kể cho phép Không quân Mỹ huấn luyện các thế hệ phi công chiến đấu tiếp theo”.

T-7A Red Hawk được thiết kế đi kèm với các thiết bị mô phỏng huấn luyện công nghệ cao. "Chim ưng đỏ" có trọng lượng 12 tấn, chiều dài 14m, chiều rộng 10m, chiều cao 4m. Được trang bị một động cơ GE F404, máy bay phản lực này có thể bay với tốc độ tối đa 1.300km/giờ, tốc độ hành trình đạt 970km/giờ, tầm hoạt động 1.830km, trần bay 15.000m, tốc độ leo cao tối đa 170m/giây.

T-7A Red Hawk của Mỹ cất cánh lần đầu vào ngày 28-6 tại Sân bay quốc tế Lambert–St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Nguồn: Boeing

* Bulgaria phê duyệt mua xe chiến đấu Stryker

Mới đây, Quốc hội Bulgaria đã cho phê duyệt gói chi tiêu quốc phòng trị giá 1,38 tỷ USD chưa bao gồm VAT. Khoản đầu tư này nhằm hiện đại hóa các tiểu đoàn bộ binh thông qua việc mua sắm thiết bị chiến đấu tiên tiến, trong đó nổi bật là mua 183 xe chiến đấu bọc thép Stryker từ Mỹ.

Xe chiến đấu bọc thép Stryker. Ảnh: Politico

Đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào quý III năm 2025, các đợt tiếp theo dự kiến sẽ được phân phối trong hai năm tiếp theo với mức 10 chiếc mỗi tháng. Toàn bộ quá trình giao hàng dự kiến sẽ kết thúc vào quý I năm 2028, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cam kết của Bulgaria nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và đảm bảo ổn định khu vực.

Gói chi tiêu này cũng bao gồm các thiết bị hỗ trợ quan trọng, như Trạm vũ khí điều khiển từ xa M-153A4 (CROWS), Hệ thống sửa chữa tiền phương (FRS), súng máy M2A1, súng phóng lựu đạn khói M6 và các phụ tùng liên quan.

Stryker là dòng xe chiến đấu bọc thép bánh lốp 8x8 do công ty General Dynamics Land Systems chế tạo cho quân đội Mỹ, bắt đầu được đưa vào biên chế từ tháng 10-2003. Xe có hệ dẫn động 8×4 và có thể chuyển sang dẫn động 8×8.

Hỏa lực trang bị trên Stryker bao gồm súng máy hạng nặng M2 12,7mm hoặc súng phóng lựu MK19 40mm được gắn trong trạm vũ khí điều khiển từ xa.

Stryker có khả năng vận chuyển các phân đội bộ binh cơ giới đến tuyến chiến đấu, yểm trợ hỏa lực cho cho bộ binh sau khi đổ bộ.  Kíp lái của xe gồm 2 người và xe có thể chở 9 binh sĩ được trang bị đầy đủ.

Sử dụng động cơ diesel Caterpillar 3126 công suất 350 mã lực, xe có thể di chuyển với vận tốc tối đa 100km/giờ, phạm vi hoạt động 530km.

Stryker có chiều dài 6,95m, chiều rộng 2,72m và chiều cao 2,64m. Xe có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự C-130, C-141, C-5 và C-17.

* Hải quân Singapore và Brunei kết thúc cuộc tập trận song phương Pelican

Theo MINDEF Singapore, Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) và Hải quân Hoàng gia Brunei (RBN) đã kết thúc cuộc tập trận song phương Pelican lần thứ 41.

Tàu của RSN và RBN tham gia cuộc tập trận Pelican. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Brunei

Cuộc tập trận được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9-11 tại Muara, Brunei. Năm nay, RSN đã đưa tàu tuần tra phản ứng nhanh lớp Sentinel và tàu khu trục lớp Formidable RSS Tenacious tham gia cuộc tập trận. Trong khi đó, RBN đưa tàu tuần tra KDB AS -SIDDIQ, tàu tuần tra xa bờ KDB Darussalam và tàu tuần tra phản ứng nhanh lớp Ijtihad KDB Syafaat.

Cuộc tập trận Pelican 2023 đánh dấu sự tham gia đầu tiên của tàu tuần tra phản ứng nhanh Sentinel và tàu tuần tra KDB AS-SIDDIQ.

Chỉ huy đội tàu RSN, Đại tá Kwan Hon Chuong, trong lễ khai mạc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Cuộc tập trận Pelican đối với hai nước, cũng như sự phát triển vượt bậc về quy mô và mức độ của cuộc tập trận. Ông cho biết rằng cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng hoạt động của hải quân trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Lực lượng hải quân Singapore và Brunei tiến hành lập kế hoạch cho cuộc tập trận Pelican. Ảnh: MINDEF Singapore

Cuộc tập trận bắt đầu từ việc lập kế hoạch chung và trao đổi chuyên môn trên bờ, sau đó là một loạt cuộc tập trận trên biển tập trung vào các nội dung bắn súng, cơ động và liên lạc. Lễ bế mạc diễn ra tại Căn cứ Hải quân Muara, Brunei ngày 9-11.

Cuộc tập trận cũng là cơ sở để củng cố hơn nữa mối quan hệ quốc phòng giữa Singapore và Brunei cũng như tăng cường hợp tác, hiểu biết và khả năng tương tác giữa hải quân hai nước. Bên cạnh cuộc tập trận Pelican, RSN và RBN cũng thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và các chương trình trao đổi chuyên môn.

QUỲNH OANH (Tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (11-11): Máy bay huấn luyện T-7A Red Hawk bay thử nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO