* Nga tuyên bố sản xuất hàng loạt bom lượn Drel trong năm nay
Hãng Reuters ngày 10-1 đưa tin, tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga thông báo bom lượn Drel đã vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm cần thiết và sẵn sàng để sản xuất hàng loạt trong năm nay.
Nga tuyên bố sản xuất hàng loạt bom lượn Drel trong năm nay. Ảnh: The National Interest |
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết, Drel là một trong những vũ khí mới nhất của Nga, có khả năng bay độc lập bằng cách bay lượn tới mục tiêu và tự kích hoạt nổ phía trên mục tiêu. Đặc biệt, Drel sẽ tự hủy sau một thời gian nhất định nếu không kích nổ và không gây nguy hiểm cho dân thường.
TASS cũng tiết lộ rằng Drel có thể tiêu diệt xe bọc thép, trạm radar trên mặt đất, trung tâm điều khiển vận hành nhà máy điện và hệ thống tên lửa phòng không. Các nhà phân tích quân sự cho rằng ngoài khả năng tàng hình, loại bom lượn này còn có khả năng chống gây nhiễu và chống radar phát hiện, khiến nó khó bị tiêu diệt.
Theo thông tin từ Bulgarian Military,Drel có chiều dài 3,1m, đường kính 45cm, và nặng hơn 500kg. Drel có thể mang theo 15 đầu đạn con khác nhau với tổng trọng lượng lên tới 370kg. Bên cạnh đó, Drel sẽ được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GLONASS do Nga phát triển và có phạm vi hoạt động từ 30 đến 50km. Một đại diện của Rostec cho hay thông tin về việc sử dụng dòng bom lượn mới này ở Ukraine là vấn đề tuyệt mật.
* Hải quân Mỹ và Anh chặn đứng vụ tấn công quy mô lớn chưa từng có của lực lượng Houthi
Ngày 10-1, Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo trên mạng xã hội rằng tàu chiến và máy bay phản lực của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh đã đẩy lùi một cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.
Tàu khu trục HMS Diamond bắn hạ máy bay không người lái của phiến quân Houthi. Ảnh: dailymail.co.uk |
Theo đó, vào khoảng 9 giờ 15 phút tối ngày 9-1 (giờ địa phương), lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng một loạt UAV lái tự sát do Iran thiết kế, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo về phía nam Biển Đỏ, nhằm vào các tuyến đường vận tải biển quốc tế, nơi có hàng chục tàu thương mại đang qua lại.
Lực lượng của Mỹ và Anh, bao gồm máy bay phản lực F/A-18, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Gravely (DDG-107), USS Laboon (DDG-58), USS Mason (DDG-87), và HMS Diamond (D-34), đã bắn hạ 18 chiếc UAV, 2 tên lửa hành trình chống hạm và 1 tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi.
Theo CENTCOM, đây là vụ tấn công thứ 26 và cũng là vụ tấn công có quy mô lớn nhất của lực lượng này nhằm vào cung đường thương mại ở Biển Đỏ kể từ ngày 19-11 năm ngoái. Hiện tại, chưa có ghi nhận về thương tích hay thiệt hại nào sau vụ tấn công trên.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã thành lập liên minh hải quân đa quốc gia mang tên “Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng” để chống lại các mối đe dọa do lực lượng Houthi ở Yemen gây ra tại Biển Đỏ. Houthi ngay sau đó đã đưa ra cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu họ trở thành mục tiêu bị tấn công.
* Ukraine lắp pháo phòng không lên thiết giáp M113
Mới đây, một đoạn video chia sẻ trên Telegram cho thấy binh lính Ukraine đã lắp pháo hai nòng 23mm ZU-23-2 từ thời Liên Xô trên xe bọc thép chở quân M113 do đồng minh viện trợ cho Ukraine.
Sự kết hợp giữa pháo tự động ZU-23-2 và thiết giáp M113 đã tạo ra một hệ thống phòng không di động mới. Ảnh: Army Recognition |
ZU-23-2 là pháo tự động hai nòng 23mm do Liên Xô phát triển từ năm 1960 và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Pháo có thể bắn trúng mục tiêu bay thấp ở khoảng cách 2,5km và phương tiện bọc thép ở cự ly 2km. Nó có thể bắn đạn xuyên giáp (API-T) và đạn nổ mạnh (HEI-T). Dù là một loại vũ khí đời cũ nhưng ZU-23-2 vẫn được Quân đội Nga và hơn 20 quân đội khác trên toàn thế giới sử dụng do chi phí thấp và dễ vận hành. Nó thường được gắn trên xe tải hoặc xe bánh xích và cũng có thể được sử dụng trong lực lượng hải quân.
Trong khi đó, M113 là xe bọc thép bánh xích do tập đoàn BAE Systems sản xuất từ thập niên 1960. Phương tiện có tính cơ động cao nhưng có lớp giáp mỏng. Nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như vận chuyển binh lính, sơ tán y tế, cũng như hỗ trợ hỏa lực. M113 nặng hơn 12 tấn và có thể chở tối đa 11 binh lính. Thiết giáp này được trang bị súng máy hạng nặng M2 Browning và có thể di chuyển với vận tốc tối đa 67 km/giờ.
Sự kết hợp giữa pháo ZU-23-2 và thiết giáp M113 đã tạo ra một hệ thống phòng không di động có khả năng tấn công các mục tiêu trên không như máy bay bay thấp và máy bay không người lái, đồng thời cũng có thể đóng vai trò là phương tiện hỗ trợ bộ binh. Trước đó, quân đội Ukraine cũng từng lắp pháo ZU-23-2 lên nhiều loại phương tiện khác nhau để tạo ra hệ thống phòng không và yểm trợ mặt đất tự hành, nhưng đây là lần đầu tiên họ kết hợp giữa pháo phòng không từ thời Liên Xô và xe bọc thép của Mỹ. Quân đội Ai Cập và Lebanon, Hezbollah và lực lượng YPG của người Kurd cũng đã áp dụng phương pháp tương tự.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.