* Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết đào tạo cho các phi công máy bay chiến đấu của Ukraine, theo một tuyên bố được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới London.
Ông Sunak cũng đề nghị hỗ trợ các sáng kiến khác như đào tạo lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine và cung cấp vũ khí tầm xa không xác định.
Máy bay chiến đấu đa năng Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh cất cảnh ngày 9-12-2022. Các phi công Ukraine có thể sớm được đào tạo về hệ thống này. Ảnh: Getty |
Anh và một số đồng minh cho đến nay đã từ chối yêu cầu của Ukraine về cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho nước này, nhưng tuyên bố cho biết khóa huấn luyện sắp tới “sẽ đảm bảo các phi công có thể lái các máy bay chiến đấu hiện đại theo tiêu chuẩn NATO trong tương lai”.
Chưa có thông tin chi tiết về khóa đào tạo phi công; tuy nhiên, nhiều khả năng các phi công Ukraine sẽ được huấn luyện để lái máy bay phản lực huấn luyện Hawk của Không quân Hoàng gia Anh và máy bay chiến đấu đa năng Typhoon.
Không quân Hoàng gia Anh đã đào tạo cho quân nhân của Không quân Ukraine trong các lĩnh vực thích hợp và đề nghị đào tạo phi công mới nhất này có thể được mở rộng cho cả lực lượng trực thăng.
Trước đó, quân nhân Ukraine đã đến Anh để học cách vận hành 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2.
* Theo kế hoạch tăng cường tiềm lực quốc phòng, Nhật Bản sẽ loại biên các máy bay trực thăng tấn công và trinh sát lỗi thời và chuyển sang sử dụng các hệ thống máy bay không người lái “tấn công/tiện ích”, “tấn công thu nhỏ”, và “trinh sát”.
Một chiếc trực thăng CH-47 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản mang theo một xe bọc thép hạng nhẹ trong cuộc tập trận đa quốc gia ngày 8-1-2023. Ảnh: Getty |
Defensenews cho biết, các máy bay trực thăng hiện có của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ được trang bị vũ khí để duy trì khả năng tác chiến cần thiết. Nhật Bản hiện vận hành khoảng 50 chiếc trực thăng tấn công Bell AH-1 Cobra và 12 chiếc Boeing AH-64D Apache. Phi đội trực thăng trinh sát bao gồm 37 chiếc Kawasaki OH-1 và khoảng 100 chiếc trực thăng hạng nhẹ Hughes OH-6D Cayuse.
Việc loại biên các máy bay trực thăng tấn công và trinh sát sẽ đi kèm với việc cắt giảm khoảng 1.000 nhân viên.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản còn vận hành các máy bay trực thăng Boeing CH-47 Chinook, Fuji UH-1 và Sikorsky UH-60. Nhật Bản có kế hoạch mua 77 chiếc trực thăng tiện ích Subaru UH-2 từ nay đến năm 2027 để thay thế phiên bản UH-1.
Nhiều hệ thống vũ khí, khí tài già cỗi khác của Nhật Bản bao gồm 9 tàu khu trục lớp Asagiri, Hatakaze và Abukuma và các tàu huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản dự kiến sẽ được thay thế bằng 12 khinh hạm lớp Mogami.
Hải quân nước này cũng sẽ xem xét giảm số lượng máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 để chuyển sang các thiết bị giám sát hàng hải diện rộng không người lái.
Những năm qua, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục. Gần đây, Nhật Bản đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội của mình, tăng so với mức hơn 1% hiện tại.
* Aljazeera đưa tin, SpaceX - Công ty công nghệ không gian của tỷ phú Elon Musk đã tiến hành phóng thử thành công động cơ tên lửa đẩy mạnh nhất từng được chế tạo. Tên lửa này được thiết kế để đưa các phi hành gia lên mặt trăng và sao hỏa.
Vụ thử các động cơ tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo của SpaceX tại một căn cứ của SpaceX ở Boca Chica, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP |
Diễn ra ngày 9-2 tại một căn cứ của công ty vũ trụ tư nhân ở Texas, cuộc thử nghiệm có tên là “lửa tĩnh” sử dụng 33 động cơ Raptor tên lửa đẩy và xác lập kỷ lục mới về lực đẩy mạnh nhất được tạo ra bởi một tên lửa không gian.
NASA hy vọng tàu Starship sẽ đưa các phi hành gia lên bề mặt mặt trăng trong vài năm nữa. Về lâu dài, nhà sáng lập SpaceX, Elon Musk, muốn sử dụng những chiếc Starship khổng lồ để đưa con người lên sao hỏa.
Giới đam mê du hành vũ trụ đã ca ngợi cuộc thử nghiệm này, mô tả nó như “một thắng lợi lớn” của SpaceX.
* Raytheon Intelligence & Space sẽ cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) hệ thống tiếp cận và hạ cánh chính xác dành cho máy bay (JPALS). Theo TheDefensePost, hợp đồng này trị giá 8,6 triệu USD. Sau khi được chuyển giao vào năm 2024, khả năng JPALS sẽ được trang bị cho tàu sân bay trực thăng lớp Izumo - JS Izumo - của JMSDF.
JPALS nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tàu sân bay trực thăng lớp Izumo - JS Izumo. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
JPALS thường được sử dụng cho máy bay chiến đấu F-35 Lightning II để đảm bảo khả năng hoạt động và an toàn trong quá trình tiếp cận và hạ cánh trên biển trong mọi tình huống thời tiết.
Hiện tại, JPALS đang được trang bị cho tất cả các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Mỹ cũng như trên tàu HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh và ITS Cavour của Hải quân Italy.
* Airforcetimes dẫn tin từ AP cho biết, quân đội Mỹ và Pháp thuộc nhóm tác chiến NATO ở Romania đã tổ chức một cuộc tập trận vào ngày 9-2 để kiểm tra khả năng phòng thủ.
Đây là một trong số các cuộc tập trận chung có tên Eagle Royal 23 diễn ra tại thao trường huấn luyện Biển Đen ở Capu Midia với sự tham gia của khoảng 350 binh sĩ nhóm tác chiến đa quốc gia.
Quân nhân Pháp trong cuộc tập trận chung Pháp-Mỹ ngày 9-2. Ảnh: AP |
Bộ Quốc phòng Romania cho biết mục tiêu của các cuộc tập trận này, diễn ra từ 2 đến 10-2, là kiểm tra “khả năng tương tác của các hệ thống pháo binh” NATO.
Tướng Tricand de la Goutte của Pháp, chỉ huy nhóm tác chiến, cho biết mục đích của cuộc tập trận là “củng cố các quy trình chung” trong nhóm đa quốc gia trong trường hợp nhóm này phải đối mặt với “một kịch bản phòng thủ thực sự”.
Cuối tháng trước, khoảng 600 lính Pháp được triển khai tới Romania cũng đã tổ chức cuộc tập trận trực chiến để kiểm tra mức độ sẵn sàng tác chiến của NATO trong khu vực. Cuộc tập trận diễn ra tại một trường huấn luyện gần thị trấn Smardan, phía đông Romania và có sự tham gia của khoảng 200 phương tiện quân sự, trong đó có 4 xe tăng chiến đấu Leclerc của Pháp.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
MAI HƯƠNG (thực hiện)