* Ba Lan mua 800 tên lửa Hellfire trang bị cho trực thăng tấn công mới
Chính phủ Ba Lan đã ký hợp đồng mua 800 tên lửa Hellfire II (AGM-114 Hellfire) của Lockheed Martin trang bị cho trực thăng tấn công mới Boeing AH-64E Apache Guardian.
Theo Defense News, thương vụ trị giá 150 triệu USD này đã được ký kết giữa Cơ quan mua sắm vũ khí Bộ Quốc phòng Ba Lan và Bộ tư lệnh trợ giúp an ninh Lục quân Mỹ. Phía Ba Lan sẽ bắt đầu nhận tên lửa từ năm nay cho đến hết năm 2029.
Lính Mỹ lắp tên lửa AGM-114 Hellfire cho trực thăng AH-64E Apache Guardian tại Kunduz, Afghanistan. Ảnh: Defense News |
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết tên lửa Hellfire II sẽ được trang bị cho “các máy bay trực thăng hỗ trợ AW149 và trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian”.
Trước đó, tháng 7-2022 chính phủ Ba Lan đã ký hợp đồng mua 32 trực thăng AW149 do Leonardo của Italy sản xuất và đề nghị chính phủ Mỹ bán 96 trực thăng AH-64E Apache Guardian. Thời gian bàn giao máy bay cũng trong giai đoạn 2023-2029.
Hellfire II là tên lửa không đối đất và đất đối đất đa nhiệm, dẫn đường bằng laser của Mỹ, chủ yếu trang bị cho trực thăng tấn công. Được đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1974, Hellfire có thể được sử dụng để tiêu diệt xe tăng và xe bọc thép.
* NATO cân nhắc điều thêm 700 binh sĩ đến Kosovo để ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực
Theo AP, NATO sẽ điều thêm 700 binh sĩ đến Kosovo để giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực sau khi xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực với người sắc tộc Serbia khiến khoảng 30 binh sĩ NATO bị thương hôm thứ Hai (29-5) vừa qua.
Căng thẳng leo thang ở Kosovo đang làm dấy lên lo ngại về việc tái diễn một cuộc xung đột như giai đoạn 1998-1999, cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và khiến hơn một triệu người mất nhà ở. Trong gần một phần tư thế kỷ qua, NATO đã điều lực lượng (KFOR) đến thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại đây.
Lực lượng KFOR tại Kosovo hiện đang có khoảng 3.800 binh sĩ. Ảnh: AP |
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khối hiện sẵn sàng điều động một tiểu đoàn tăng cường trong trường hợp cần bổ sung cho lực lượng KFOR gần 3.800 binh sĩ hiện đang có mặt ở Kosovo.
* Mỹ sẽ cung cấp tên lửa AIM-7 Sparrow cho Ukraine
Ngày 31-5 (giờ địa phương), chính quyền Mỹ đã chính thức nhất trí về mặt nguyên tắc cho phép triển khai gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.
Mỹ sẽ viện trợ tên lửa AIM-7 Sparrow cho Ukraine. Ảnh: Không quân Mỹ |
Lầu Năm Góc cũng xác nhận gói viện trợ sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ vũ khí và đạn pháo binh, vũ khí chống tăng và xe thiết giáp và nhiều loại đạn vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ thêm thông tin cụ thể nào liên quan máy bay không người lái trong gói viện trợ mới cho Ukraine.
Cụ thể gói viện trợ sẽ bao gồm đạn trang bị cho máy bay không người lái và pháo tầm xa, đạn cho hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot, FIM-92 Stinger, AN/TWQ-1 Avenger và tên lửa AIM-7 Sparrow.
Đáng chú ý trong gói viện trợ lần này là tên lửa AIM-7 Sparrow, tên lửa không đối không, dẫn đường bằng radar mang đầu đạn có sức công phá lớn. AIM-7 Sparrow linh hoạt và có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ở mọi độ cao, có thể tấn công máy bay và tên lửa từ mọi hướng. Tên lửa AIM-7 Sparrow được triển khai và sử dụng rộng rãi bởi các lực lượng Mỹ và NATO.
Đây là lần thứ 39 Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng, đưa tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên con số 37,6 tỷ USD kể từ tháng 2-2022.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)