Quân sự thế giới hôm nay (1-4): Belarus cho phép Nga triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược khi cần thiết

01/04/2023 11:45

Quân sự thế giới hôm nay (1-4) có những tin đáng chú ý sau: Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược (tên lửa hạt nhân liên lục địa) trong trường hợp cần thiết; hàng trăm xe tăng T-90M của Nga sẵn sàng được đưa vào tác chiến; Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ hướng đến thỏa thuận quân sự mới.

* Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31-3 tuyên bố việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Minsk giúp bảo vệ nước mình và nếu cần thiết Nga cũng có thể triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược (tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) ở Belarus.

Đây là nội dung ông Lukashenko đưa ra trong bài phát biểu thường niên trước các nhà lập pháp và quan chức chính phủ. Ông nói: “Tôi không tìm cách đe dọa bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn bảo vệ nhà nước và đảm bảo hòa bình cho người dân Belarus”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố Nga có thể triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược ở Minsk nếu cần. Ảnh: TASS

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng các tên lửa hạt nhân chiến thuật sẽ nằm dưới quyền quản lý và điều khiển của Moscow, Tổng thống Belarus ám chỉ rằng Minsk có thể sử dụng hệ thống tên lửa hạt nhân đó với sự đồng ý của Nga trong trường hợp Belarus bị đe dọa hủy diệt. Ông Lukashenko cũng gợi ý việc Nga có thể triển khai tới Belarus các loại vũ khí hạt nhân chiến lược, gồm những loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể phá hủy toàn bộ một thành phố từ khoảng cách hàng nghìn km.

* Theo hãng tin Nga Sputnik, hàng trăm xe tăng T-90M của Nga đã sẵn sàng được đưa vào tác chiến trên chiến trường. Ngoài ra, một số lượng lớn xe tăng T-72B3M mới cũng đã được chuyển giao cho quân đội. Thông tin này được đưa ra ngay sau thông báo của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev vào cuối tháng 3 vừa qua: “Chỉ trong năm nay chúng tôi sẽ sản xuất 1.500 xe tăng... Họ cứ nghĩ rằng ngành công nghiệp của chúng tôi sẽ bị đè bẹp và họ đưa ra vô số các tuyên bố đại loại như chúng tôi sắp hết đạn, sắp hết xe tăng, sắp hết tên lửa”.

Theo Sputnik, hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M đã sẵn sàng tác chiến trên chiến trường. Ảnh: CGTN

Thông tin về quy mô sản xuất xe tăng trong năm nay của ông Medvedev là bằng chứng cho thấy những tuyên bố nói trên là không có căn cứ. Xe tăng mạnh nhất hiện có trong biên chế quân đội Nga T-90M hoàn thành giai đoạn thử nghiệm vào tháng 2-2020 và đã được biên chế cho Lục quân 2 tháng sau đó. Việc phần lớn xe tăng của Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu là những mẫu xe tăng đời cũ cho thấy ưu điểm vượt trội của mẫu xe tăng mới và đây chính là yếu tố thúc đẩy quy mô sản xuất.

Một trong những ưu điểm đáng chú ý nhất của T-90M so với các mẫu xe tăng cũ là nó được tích hợp súng 2A46M-5 và hệ thống điều khiển và kiểm soát hỏa lực Kalina, cho phép sử dụng nhiều loại đạn. T-90M cũng được tích hợp hệ thống thông tin và chỉ huy và hệ thống thông tin liên lạc kỹ thuật số vượt trội so với các mẫu xe tăng khác. Về giáp chống đạn, T-90M kết hợp hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit và giáp phản ứng nổ Relikt. Có khả năng sử dụng đạn nổ phân mảnh, T-90M có lợi thế quan trọng trong hỗ trợ bộ binh trong tấn công và phòng ngự.

* Hungary đang hướng đến ký kết một thỏa thuận quân sự mới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Hungary Today cho biết Quốc hội nước này hiện đang thảo luận về một thỏa thuận khung về hợp tác quân sự Hungary - Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, vào tháng 11-2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp cận Hungary nhằm mục đích xem xét một thỏa thuận quân sự mới thay thế cho thỏa thuận 2 bên đã ký kết năm 1995.

Xe chiến đấu bộ binh Gidran được trang bị cho cho quân đội Hungary. Ảnh: Military Images

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tamás Vargha cho biết, chính phủ Hungary sẽ tiếp tục hợp tác công nghiệp quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với chính sách hướng Đông, tạo điều kiện thích hợp cho phát triển hơn nữa của quan hệ quân sự song phương. Các chương trình ưu tiên trong thỏa thuận này là đào tạo quân sự và diễn tập chung, trao đổi thông tin và kinh nghiệm.

Ông Tamás Vargha nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố và đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh khu vực và an ninh châu Âu, ngăn chặn làn sóng di cư vào lục địa già”. Kết quả hợp tác quân sự giữa 2 nước thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có việc Hungary trang bị cho quân đội các khí tài quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và sản xuất như xe chiến đấu Ejder Yalçın (phiên bản mang tên Gidran ở Hungary). Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ máy bay không người lái, đặc biệt là có giá cả phải chăng. Đây cũng là lĩnh vực khiến Hungary đặc biệt quan tâm tới hợp tác quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân sự thế giới hôm nay (1-4): Belarus cho phép Nga triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược khi cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO