Đặng Lê Nguyên Vũ (lớp 12, THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình) là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2022. Trong kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Nguyên Vũ đã đạt 125 trên tổng số 150 điểm.
Trong khi đó, theo phổ điểm thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2022, chỉ có 16 thí sinh đạt điểm trong khoảng từ 125 - 131.
Cụ thể, Vũ đạt được 47/50 điểm bài thi tư duy định lượng (toán học); 38/50 điểm bài thi tư duy định tính (văn học) và 40/50 điểm ở bài thi khoa học (sử, địa, lý, hóa, sinh).
Mặc dù đạt được kết quả cao trong kỳ thi ĐGNL nhưng Nguyên Vũ không thực sự hài lòng. Với cấu trúc gần giống đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), Vũ đăng ký thi ĐGNL với tâm thế muốn trải nghiệm và thử sức, coi đây như một lần tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Vũ chia sẻ, mục tiêu ban đầu của em khi tham gia thi là muốn lấy điểm tuyệt đối của bài thi định lượng (toán học). Trên thực tế, Vũ còn thiếu 3 điểm để có thể đạt điểm tối đa cho bài thi này.
"Vì từng thi cuộc thi học sinh giỏi toán và dành nhiều thời gian để học toán nên em đặt mục tiêu cao về điểm số của môn này. Đối với em, kết quả nhận được chưa đạt được mục tiêu em đề ra từ trước", Vũ chia sẻ.
Với kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có thể lựa chọn một trong hai tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Còn với kỳ thi ĐGNL, thí sinh phải hoàn thành 7 môn bao gồm: Toán, văn, sử, địa, lý, hóa và sinh, đòi hỏi khối lượng kiến thức nặng hơn so với thi THPT quốc gia.
Vũ nhận thấy thi ĐGNL và Đường lên đỉnh Olympia đều cần đến sự am hiểu trong nhiều môn học, riêng với Olympia còn yêu cầu những kiến thức trong đời sống xã hội. Vậy nên, những kinh nghiệm từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia trước đó đã phần nào giúp Vũ hoàn thành tốt bài thi ĐGNL.
Trong số những môn phải thi, Vũ chia sẻ, ngữ văn là môn học em thiếu tự tin nhất, đặc biệt khi cấu trúc bài thi định tính khác hoàn toàn so với cấu trúc bài thi ngữ văn THPT nam sinh lớp 12 quen thuộc trước giờ.
Tuy nhiên, Vũ nhận thấy, tuy khác đề thi văn thông thường nhưng cấu trúc bài thi này lại giống với cấu trúc phần đọc hiểu của môn tiếng Anh. Từ đó, Vũ đã áp dụng phần nào kỹ năng trong làm bài thi ngoại ngữ để thực hiện bài thi định tính dù vẫn gặp nhiều khó khăn.
"Khi nộp bài định tính, em còn sợ không được quá 25 điểm, nhất là khi ngữ văn trước giờ không phải thế mạnh của em. Chính vì không tự tin nên em quyết định làm câu nào chắc chắn câu đó và sử dụng phương pháp loại trừ để tìm ra đáp án", Vũ kể lại.
Đạt được kết quả cao ngoài sự kỳ vọng ban đầu, Nguyên Vũ cho biết hiện giờ em vẫn chưa chắc chắn sẽ sử dụng điểm thi ĐGNL vào xét tuyển đại học. Nam sinh chia sẻ, em muốn tập trung vào kỳ thi THPT quốc gia trước mắt và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về những sự lựa chọn trong tương lai của mình.