Quán hủ tiếu phố Tây dành một ngày bán bún mắm, khách đến 4 lần chưa được ăn

20/07/2023 09:57

Nằm trong hẻm phố Tây, quán hủ tiếu Lệ đắt khách nhờ công thức “tươi, nóng”. Đặc biệt, thứ Sáu hàng tuần, quán phục vụ món bún mắm, có khách đến 4 lần vẫn chưa được ăn.

Có duyên buôn bán sau chuyến xuất ngoại

Quán hủ tiếu Lệ của chị Châu Mỹ Lệ (51 tuổi, Quận 1, TP.HCM) nằm trong con hẻm thông từ đường Bùi Viện sang Phạm Ngũ Lão. 27 năm qua, quán là điểm đến ăn sáng quen thuộc của du khách và người dân phố Tây.

Hẻm nhỏ, chị Lệ chỉ kê được khoảng 5-6 chiếc bàn dọc hai bên, lúc đông khách chị kê thêm. Quán không có mái che, khách ngồi ăn phải nép mình dưới hiên nhà dân.

Quán Lệ nằm trong hẻm phố Tây nên có nhiều người nước ngoài đến ăn. 

Quán Lệ tuy nhỏ, đơn sơ nhưng nổi tiếng với món hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu khô. Trong đó, hủ tiếu khô được ưa chuộng nhờ nước sốt đậm đà do chính chị Lệ pha chế, nghiên cứu hơn 20 năm.

Một tô hủ tiếu Lệ thơm ngon, được chế biến bằng sợi hủ tiếu Sa Đéc, nước lèo hầm xương và các nguyên liệu “tươi, nóng”.

Hàng ngày, chị Lệ không quản mệt mỏi, đi chợ lúc 2h sáng để mua được tôm thịt tươi, lòng heo nóng hổi.

Chị Lệ nói: “Lòng heo rất hôi, nếu làm không kỹ, khách ăn sẽ rất khó chịu. Đặc biệt, tôi chỉ chọn mua lòng heo nóng vừa ra lò, không bao giờ mua lòng heo đông lạnh.

Giá thành lòng heo đông lạnh rẻ hơn lòng heo nóng nhưng không ngon và có hại cho sức khỏe.

Tôi bán hàng ăn lâu năm nên biết rõ góc khuất của nghề. Tôi quan niệm buôn bán phải có tâm, nấu bán cũng phải ngon như nấu cho chính mình”.

Hơn 27 năm trước, chị Lệ học nghề bán hủ tiếu từ bà Muối, một phụ nữ người Hoa nấu ăn rất ngon. Lúc đó, bà Muối bán hủ tiếu ở mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, còn chị Lệ bán bánh canh, nui trong hẻm chợ gần đó.

Quán của bà Muối lúc nào cũng đông khách, trong khi quán của chị Lệ và những người khác đều thưa người đến ăn.

Khi biết bà Muối chuẩn bị sang Nhật Bản định cư, chị Lệ tìm đến, xin người này dạy nghề và sang lại quán. Thế nhưng, bà Muối từ chối, nói đã sang quán cho đệ tử.

Hủ tiếu khô của quán được nhiều người yêu thích.
Nguyên liệu làm nên tô hủ tiếu đều rất "tươi, nóng".

Lúc xin học nghề, chị Lệ đang mang thai. Đến khi con chị được 7 tháng tuổi, bà Muối đổi ý, nhờ người nhắn chị qua học nghề.

Mặc dù đồng ý truyền nghề nhưng bà Muối chỉ hướng dẫn cơ bản, nhiều bí quyết vẫn giấu kín. Không được truyền thụ trọn vẹn, chị Lệ nấu mãi, thử đi thử lại nhiều lần vẫn thấy chưa đúng vị.

Sau thời gian cố gắng tìm tòi, thay đổi công thức mà quán vẫn ế ẩm, chị Lệ chán nản, quyết định nghỉ bán chuyển sang làm thuê. Thế nhưng, làm được vài năm, chị lại tiếp tục bán hủ tiếu. Lần này, quán vẫn ế ẩm dù khách qua lại dập dìu.

Đến năm 2000, chị Lệ sang nước ngoài hợp tác lao động. Sau 2 năm, chị về Việt Nam và mở lại quán hủ tiếu. Đổi vận, quán hủ tiếu Lệ bắt đầu đông khách.

Chị Lệ chủ quán hủ tiếu nức tiếng trong hẻm phố Tây.

Quán hủ tiếu nổi tiếng món bún mắm

Lạ thay, quán Lệ chuyên bán hủ tiếu nhưng lại dành ngày thứ Sáu hàng tuần bán thêm bún mắm. Nguyên do bán thêm món mới hơn chục năm qua của chị Lệ là để chiều khách.

Chị Lệ nhớ: “Lúc đó, khách đến ăn hủ tiếu hay hỏi sao quán không bán thêm món khác cho đa dạng. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy mình nấu bún mắm cũng ngon bèn bán thử.

Nấu bún mắm cực lắm, cho nên tôi chỉ bán thứ Sáu hàng tuần. Khách muốn ăn thường gọi điện đặt trước. Tôi mở bán từ 6h đến gần 8h là hết hàng, có khách đến quán 4 lần vẫn chưa được ăn”.

Tô bún mắm đầy ắp tôm, cá, thịt quay...

Chị Lệ tự hào kể, nhiều Việt kiều về thăm quê thường ghé quán của chị ăn bún mắm. Họ vừa ăn vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội và tấm tắc khen ngon.

Dù mỗi tô bún mắm có giá 75.000 đồng nhưng khách đến ăn nườm nượp. Có lúc, thực khách phải xếp hàng chờ đến lượt ngồi vào bàn thưởng thức.

Hải Yến (28 tuổi, TP.HCM) thường ăn bún mắm ở quán Lệ chia sẻ: “Tôi ăn ở đây rồi thì không thể ăn chỗ khác. Hàng tuần, tôi đều chờ đến thứ Sáu để được ăn bún mắm của quán”.

Những ngày đông khách, chị Lệ bán được khoảng 130 tô bún mắm, thu về gần chục triệu đồng.

Nồi nước lèo bún mắm thơm ngọt, không mùi tanh.

Cũng như món hủ tiếu, bún mắm của quán Lệ hút khách nhờ bà chủ nấu nướng có tâm. Nước lèo được hầm bằng xương heo hòa quyện vào vị mắm đậm đà, không có mùi tanh.

Ngoài ra, chị Lệ tự mua cá thác lác tươi về làm chả cá, chọn thịt ba rọi ngon đem đến lò quay.

1h30 sáng thứ Sáu, chị Lệ ra chợ mua cá lóc, tôm sống và mực lá tươi… Về nhà, chị sơ chế và luộc sẵn các nguyên liệu.

Nấu bún mắm vất vả và mất nhiều thời gian hơn hủ tiếu. Thế nên, mỗi tuần, chị Lệ chỉ chọn bán một ngày duy nhất.

Chị Lệ rất vui khi con gái đồng ý theo nghề.

Tính chất nghề nghiệp buộc chị Lệ phải thức khuya dậy sớm, thời gian nghỉ ngơi rất ít. Tuy nhiên, khí thế làm việc của chị lúc nào cũng hừng hực, bởi thực khách luôn để lại lời khen sau khi ăn.

Những năm gần đây, niềm an ủi, động viên lớn nhất của chị Lệ là con gái chịu theo mẹ học nghề.

Chị chẳng mong con gái tạo dựng quán Lệ thành thương hiệu nổi danh mà chỉ cần con giữ gìn bí quyết, lưu lại cho đời thêm một món ngon.

Bài liên quan
  • Lắt léo chữ nghĩa: 'Hủ tíu' hay 'hủ tiếu' ?
    Hiện nay đang có cuộc tranh luận “bất phân thắng bại” trên mạng xã hội Facebook, nhóm ủng hộ cách viết chính tả chuẩn là hủ tíu, nhóm còn lại cho rằng viết hủ tiếu mới chính xác. Đâu mới là “chân lý”?
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quán hủ tiếu phố Tây dành một ngày bán bún mắm, khách đến 4 lần chưa được ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO