Quan hệ Trung-Hàn: Ràng buộc cũ, hướng đi mới

Vy Vy| 12/04/2022 12:05

Trong một bài phân tích vừa qua trên trang JoongAng Daily, Giáo sư Kang Jun-young, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên của khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Hankuk đã đưa ra những đánh giá về mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Quan hệ Trung-Hàn: Ràng buộc cũ, hướng đi mới
Mối quan hệ Trung-Hàn vẫn còn nhiều khác biệt chưa có hướng giải quyết. (Nguồn: The Diplomat)

"Trăng mật" ngắn ngủi

Hàn Quốc và Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đến lúc hai nước cần chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo trên tinh thần “hợp tác cùng thịnh vượng”.

Trong lịch sử, hai nước láng giềng này đụng độ nhau lần đầu tiên là trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ở đó Trung Quốc xuất hiện với tư cách là “người bên kia chiến tuyến”.

Mối hiềm khích kéo dài 4 thập niên, cho tới ngày 24/8/1992, hai nước mới chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đặt mục tiêu đem lại hòa bình và thịnh vượng kinh tế cho Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, hai bên còn tồn tại lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề. Bắc Kinh tiếp cận vấn đề Bán đảo Triều Tiên dưới góc nhìn ngoại giao nước lớn, trong khi Hàn Quốc muốn sử dụng ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc đối với Triều Tiên và thâm nhập vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Trong giai đoạn đầu mới thiết lập quan hệ ngoại giao, cả Seoul và Bắc Kinh đều ủng hộ tinh thần “tìm kiếm điểm tương đồng và gác lại sự khác biệt”. Hai nước muốn mở rộng hợp tác sau khi gạt sang một bên các vấn đề an ninh nhạy cảm và gai góc.

Thực tế không dễ dàng như vậy do những khác biệt cơ bản, mối quan hệ song phương bắt nguồn từ yếu tố Triều Tiên, song lại là một thách thức đối với cả hai bên. Cụ thể hơn, hai nước phải duy trì mối quan hệ không cân bằng do Seoul không có biện pháp hữu hiệu nào để kiểm soát mối quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Do đó, ngoại trừ khoảng thời gian "trăng mật" ngắn ngủi sau khi bình thường hóa quan hệ song phương, đã xảy ra xung đột giữa hai nước, đặc biệt là đối với các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Bắt đầu từ những tranh chấp về lệnh cấm xuất khẩu tỏi của Trung Quốc vào năm 2000, mâu thuẫn giữa hai nước lan sang Dự án Đông Bắc (dự án nghiên cứu nối tiếp lịch sử và hiện trạng khu vực biên cương Đông Bắc Trung Quốc).

Những động thái công khai ủng hộ Triều Tiên đã tạo ra giới hạn của mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh. Các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc sau khi Hàn Quốc cho triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vẫn tiếp tục phủ bóng quan hệ song phương.

Xung đột văn hóa gần đây về kimchi và hanbok khiến người Hàn Quốc phải đặt dấu hỏi về ý định của Trung Quốc.

Quỹ đạo phát triển quan hệ song phương cho thấy chỉ đạt được “tiến bộ ở mức tối thiểu”, trong khi hòa bình, an ninh và tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không cho thấy bước tiến triển thực chất nào.

Thay vào đó, Bình Nhưỡng đã cải tiến công nghệ vũ khí hạt nhân và dần làm thay đổi cán cân quan hệ với Mỹ.

Bài toán cân bằng

Về cơ bản, ngoại giao là hành động “có đi có lại”, được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở tối đa hóa lợi ích quốc gia, thông qua công cụ đàm phán.

Không thể thực hiện được quá trình trao đổi như vậy nếu chỉ suy nghĩ dựa trên mong muốn.

Khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa được giải quyết bởi chính quyền tiền nhiệm, dự kiến, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ theo đuổi đường lối đối ngoại mới.

Ông Yoon muốn xây dựng lại mối quan hệ liên minh Hàn Quốc-Mỹ và củng cố tinh thần hợp tác “có đi có lại” với Bắc Kinh.

Về phần mình, Trung Quốc lo ngại về chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol vì có thể Seoul sẽ không trông đợi vào vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Quốc cũng lo lắng về khả năng quan hệ đồng minh Hàn Quốc-Mỹ sẽ khôi phục hoàn toàn và góp phần tạo nền tảng giúp củng cố mối quan hệ ba bên giữa Seoul, Washington và Tokyo, đồng thời tách Bắc Kinh ra khỏi chuỗi cung ứng do Washington dẫn dắt.

Để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc cần củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Chính quyền mới cũng phải thể hiện phản ứng rõ ràng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc cũng không nhất thiết phải đối đầu với Trung Quốc. Ngoại giao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là điều đáng mong đợi. Chính quyền mới phải thận trọng để không làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Trung-Hàn: Ràng buộc cũ, hướng đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO