Ngày 27/10, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn đã lần đầu tiên xác nhận hiện diện của đặc nhiệm Mỹ tại đây.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN (Mỹ), bà cho biết Washington đã cử người đến giúp huấn luyện lực lượng phòng vệ của vùng lãnh thổ này, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi có nhiều hợp tác với Mỹ để tăng cường khả năng phòng vệ của mình”.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo này hy vọng chính quyền Đài Bắc và Bắc Kinh sẽ “chung sống hòa bình”.
Trả lời phỏng vấn CNN, bà Thái Anh Văn thừa nhận Mỹ đã cử đặc nhiệm tới giúp huấn luyện lực lượng phòng vệ Đài Loan. (Nguồn: CNN) |
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên liên tục leo thang thời gian gần đây, khi máy bay chiến đấu của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) thường xuyên xuất hiện tại vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có phát biểu bất ngờ nhân dịp 50 năm Bắc Kinh thế chỗ Đài Bắc tại Hội đồng Bảo an. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “sự tham gia đáng kể, mạnh mẽ hơn” của Đài Loan (Trung Quốc) vào hệ thống Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế là cần thiết khi thế giới đối mặt nhiều “thách thức toàn cầu chưa từng có”.
Ông cho rằng sự hiện diện của chính quyền Đài Bắc tại hệ thống Liên hợp quốc “không phải là một vấn đề chính trị, mà là vấn đề thực tiễn”, phù hợp với chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh gần đây Đài Loan (Trung Quốc) chưa thể tham gia nhiều cơ chế và công dân vùng lãnh thổ này không thể dự một số sự kiện quan trọng “vì tấm hộ chiếu của mình”.
Ngay lập tức, Bắc Kinh đã đáp trả. Ngày 27/10, người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung Quốc Mã Hiểu Quang đã bác bỏ tuyên bố của ông Blinken, khẳng định chỉ quốc gia có chủ quyền mới có thể tham gia Liên hợp quốc và do đó, “Đài Loan không có quyền tham gia Liên hợp quốc”.
Những diễn biến mới về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) có thể là hòn đá tảng, cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Trung thời gian qua.
Không khó để thấy Mỹ và Trung Quốc có cách tiếp cận khác biệt về quan hệ. Washington muốn duy trì hợp tác với Bắc Kinh trong từng vấn đề cụ thể và dần dần tháo gỡ khúc mắc giữa hai bên.
Song Trung Quốc lại duy trì quan điểm “tất cả hoặc không có gì” - hợp tác trong vấn đề Mỹ muốn chỉ diễn ra khi Washington đáp ứng danh sách điều kiện của Bắc Kinh, từ đó cải thiện quan hệ.
Một trong số đó là yêu cầu Washington chấp nhận rằng Bắc Kinh có quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết trước chính quyền Đài Bắc.
Tuy nhiên, bà Diana Fu, Phó Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Toronto (Canada) nhận định: “Về bản chất, yêu cầu của Trung Quốc đi ngược lại các giá trị mà Mỹ theo đuổi”.
Trên thực tế, các bước đi mới đây của Mỹ, từ cử quan chức cấp cao tới thăm, kêu gọi mở rộng hiện diện của Đài Loan (Trung Quốc) tại hệ thống Liên hợp quốc, tới tăng cường tuần tra eo biển Đài Loan, gửi đặc nhiệm tới huấn luyện, bán máy bay chiến đấu, cho thấy nước này sẽ không từ bỏ Đài Bắc.
Như vậy, chừng nào Bắc Kinh và Washington chưa tìm được tiếng nói chung về Đài Bắc, với cách tiếp cận hiện nay của hai bên, quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó tiến triển cụ thể, dù là ở bất kỳ lĩnh vực nào.