Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia trước nguy cơ đổ vỡ vì dầu

17/10/2022 08:48

Mỹ lên kế hoạch trừng phạt và xét lại quan hệ đồng minh với Saudi Arabia khi liên minh dầu mỏ do Riyadh dẫn đầu chuẩn bị giảm mạnh sản lượng.

Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia lại rơi vào căng thẳng thời gian gần đây, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), đứng đầu là Saudi Arabia, ra quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 11 tới để kéo giá dầu thế giới tăng trở lại.

Đài CNN dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cuối tuần qua cáo buộc chính Saudi Arabia cố tình đẩy các quốc gia thành viên OPEC+ vào tình thế phải cắt giảm sản lượng dù không muốn. “Một số thành viên OPEC không đồng ý với việc Saudi Arabia thúc đẩy cắt giảm sản lượng và cảm thấy bị ép buộc trong cuộc bỏ phiếu” - ông Kirby khẳng định hôm 14-10.

Theo ông, việc cắt giảm sản lượng lúc này sẽ “giúp Nga tăng nguồn thu từ dầu và làm giảm hiệu quả của các lệnh cấm vận lên Moscow”. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ có thể khiến lạm phát ở nước này tăng vọt, tác động tiêu cực tới triển vọng chính trị của đảng Dân chủ cầm quyền.

Mỹ chuẩn bị kế hoạch trả đũa Saudi Arabia

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-10 đã tuyên bố Saudi Arabia sẽ “gánh hậu quả” khi dẫn đầu OPEC+ giảm sản lượng dầu, động thái được ông chỉ trích là “đứng về phía Nga”. Ông Biden không nói cụ thể hậu quả mà Riyadh sẽ phải hứng chịu là gì nhưng phát biểu này báo hiệu tổng thống Mỹ đang từ bỏ những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện quan hệ với thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời làm tăng lo ngại về nguy cơ đổ vỡ quan hệ an ninh giữa hai nước.

Saudi Arabia đến nay bác bỏ mọi cáo buộc rằng OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu vì lý do chính trị. Nước này khẳng định việc cắt giảm hoàn toàn vì mục đích kinh tế với mục đích kiềm chế sự biến động của thị trường.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý để bộ trưởng Tư pháp Mỹ có thể khởi kiện OPEC ra tòa án liên bang nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để tăng giá dầu, vi phạm các quy định về chống độc quyền.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez cũng kêu gọi đóng băng ngay lập tức quan hệ với Saudi Arabia, chấm dứt các kế hoạch bán vũ khí cho đồng minh Trung Đông này. Ông tuyên bố thái tử Mohammed đang giúp “bảo vệ chiến dịch của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine thông qua OPEC+”.

Tuy nhiên, đây là biện pháp được đánh giá là khá mạnh tay, sẽ khiến Riyadh rời xa khỏi tầm ảnh hưởng của Washington. Theo báo cáo năm ngoái của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới, đạt 47 tỉ USD. Saudi Arabia là khách hàng lớn nhất của Mỹ, chiếm 24% tổng doanh thu. Nếu tiến hành các biện pháp hạn chế tối đa lên các hoạt động mua bán vũ khí với nước này, Mỹ sẽ tạo cơ hội cho các nước khác nhảy vào thế chỗ, kéo theo ảnh hưởng chính trị từ những quốc gia đó.

Trên thực tế, kể từ khi mối quan hệ với Washington lên xuống thất thường theo đồ thị hình sin, chính quyền Riyadh đã và đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu vũ khí từ những đối tác khác như Anh, Pháp, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi. Các chính sách hạn chế từ Mỹ lúc này chỉ càng làm Saudi Arabia thấy rõ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Ngoài ra, một số nghị sĩ đảng Dân chủ mới đây đã công khai đưa ra đề xuất “chấm dứt sự bảo vệ của Mỹ đối với các đối tác vùng Vịnh” bằng cách rút lực lượng quân sự khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một thành viên khác của OPEC+. Hiện có khoảng 3.500 nhân viên quân sự Mỹ đang đồn trú ở UAE, trong khi Mỹ đã rút hầu hết binh sĩ khỏi Saudi Arabia vào năm 2003. Tuy nhiên, động thái này được cho là khó có khả năng thực thi bởi rút quân đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không thể cạnh tranh với hiện diện khu vực của Iran, Trung Quốc hay Nga.

Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia trước nguy cơ đổ vỡ vì dầu ảnh 1
Thái tử Mohammed bin Salman (phải) tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du Saudi Arabia hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Giới chuyên gia nói gì?

Tờ The Guardian dẫn lời chuyên gia Bruce Riedel thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng những tuyên bố, động thái từ Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ nói trên đang cho thấy “một sự đảo ngược đáng kể” trong chính sách với Saudi Arabia của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Người tiền nhiệm Donald Trump trước đây đã tìm cách thúc đẩy quan hệ với Riyadh nhưng quan hệ hai bên dần đi xuống khi ông Biden nhậm chức. Hồi còn tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ “cô lập” thái tử Mohammed do liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Tuy nhiên, ông Biden cho đến gần đây vẫn chưa có dấu hiệu nào để hiện thực hóa cam kết này. Hồi tháng 7, ông có chuyến công du tới Saudi Arabia và gặp trực tiếp thái tử Mohammed để cải thiện quan hệ song phương và thuyết phục Saudi Arabia không giảm sản lượng dầu.

Đối với đảng Dân chủ và bản thân ông Biden, điều này rất quan trọng bởi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ chỉ vài tuần nữa là diễn ra. Nếu OPEC+ vẫn tiếp tục kế hoạch giảm sản lượng, giá xăng tại Mỹ sẽ tăng lên, đe dọa triển vọng kiểm soát lưỡng viện Quốc hội của phe Dân chủ.

“Tôi nghĩ áp lực trong đảng Dân chủ lúc này là rất lớn. Chính quyền ông Biden sẽ phải có một số động thái quyết liệt với Riyadh” - ông Riedel nói.

Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu còn là diễn biến đáng chú ý cho thấy thái tử Mohammed sẵn sàng theo đuổi những mục tiêu riêng, ngay cả đối diện với nguy cơ làm phật ý các đối tác quan trọng của Riyadh. “Saudi Arabia muốn trực tiếp nhắn nhủ Mỹ rằng quan hệ giữa Washington và Riyadh không còn là quan hệ một chiều và hai bên cần xem xét tới các lợi ích chung” - chuyên gia Sanam Vakil thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Chatham House (Anh) nhận xét, theo tờ Financial Times. Bà Vakil còn chia sẻ động thái quyết đoán như gần đây của Saudi Arabia là thông điệp nhắc nhở Washington rằng nếu muốn lôi kéo Riyadh, sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn và giữ cho mối quan hệ cân bằng.•

Nga là bên hưởng lợi nhất khi OPEC+ giảm sản lượng dầu

Theo trang tin Oil Price, dù trên lý thuyết sản lượng dầu mà OPEC+ chuẩn bị cắt giảm là 2 triệu thùng/ngày, mức cắt giảm thực tế so với sản lượng dầu hiện tại của OPEC+ sẽ chỉ bằng một nửa con số đó, vào khoảng 1-1,1 triệu thùng.

Nguyên nhân là bởi nhiều nước trong nhóm không đạt được hạn ngạch sản xuất do nhóm đặt ra trong nhiều tháng liên tục, trong đó có Nga. Ước tính nước này đã sản xuất ít hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch 11 triệu thùng/ngày trong tháng 9, vì vậy nước này sẽ không phải giảm sản lượng trong thời gian tới và sẽ chỉ hưởng lợi từ giá dầu cao hơn.

Động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ có hiệu lực kể từ tháng 11 tới chủ yếu sẽ do Saudi Arabia thực hiện vì quốc gia này đang cố gắng bán đủ hạn ngạch. Saudi Arabia dự kiến ​​giảm sản lượng 526.000 thùng/ngày và sẽ có mục tiêu là 10,478 triệu thùng/ngày. Nga cũng có mục tiêu tương tự nhưng sản xuất thực tế bị thiếu khoảng 500.000 thùng/ngày.

Các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ quay lại mốc

100 USD/thùng sớm hơn và thị trường dầu sẽ thâm hụt trong cả năm 2023. Nga sẽ là nước hưởng lợi trong quyết định của OPEC+ vì giá dầu sẽ tăng, trong khi sản lượng của Nga sẽ giảm và Nga sẽ không phải cắt giảm dù chỉ một thùng dầu. Tất nhiên là với điều kiện sau tháng 12, nước này sẽ có một thị trường đủ lớn còn lại để thay thế châu Âu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, dẫn đầu phái đoàn Nga tại các cuộc họp của OPEC+, đã tuyên bố Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước sẽ tham gia áp giá trần với dầu của Nga. “Chúng tôi phản đối các công cụ phi thị trường như vậy; những tiền lệ như thế rất có hại cho thị trường năng lượng. Điều này chỉ dẫn đến thâm hụt, dẫn đến tăng giá. Người tiêu dùng sẽ trả giá cho điều đó, nếu họ muốn đưa ra một cơ chế như vậy” - ông Novak nói.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia trước nguy cơ đổ vỡ vì dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO