Quân đội Nga huấn luyện lái xe tăng dưới nước

20/07/2021 07:30

Quân đội Nga đã tổ chức đợt huấn luyện thực hành lái xe tăng dưới nước trong mùa hè năm nay tại thao trường gần thành phố Gusev, tỉnh Kaliningrad. Việc huấn luyện lái xe tăng dưới nước được quân đội Nga chú trọng nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng xe tăng.

Tham gia vào đợt huấn luyện này có các binh sĩ thuộc Hạm đội Baltic của hải quân Nga. Loại phương tiện được sử dụng trong thời gian huấn luyện là T-72B3M - phiên bản cải tiến của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. T-72B3M là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất của quân đội Nga. Kho vũ khí của T-72B3M cho phép mẫu xe tăng này tấn công cả mục tiêu trên mặt đất và trên không. Với sự hỗ trợ của tên lửa dẫn đường, T-72B3M cũng có thể bắn hạ trực thăng đổ bộ của đối phương. Theo Nevsky Novosti, Thuyền trưởng hạng nhất Roman Martov, người đứng đầu bộ phận phụ trách báo chí của Hạm đội Baltic cho biết, để lái xe tăng dưới nước, các kíp xe tăng cần trang bị cho các phương tiện chiến đấu những ống dẫn khí đặc biệt. Sau đó, người lái sẽ phải vượt qua chướng ngại nước sâu tới 5m. Khó khăn chính của bài huấn luyện là điều khiển phương tiện chiến đấu mà không cần sang số. Trước khi được phép lái xe tăng dưới nước, các thành viên của kíp lái phải trải qua khóa huấn luyện lặn.

Huấn luyện lái xe tăng dưới nước giúp nâng cao khả năng cơ động của lực lượng xe tăng. Ảnh: Mil.ru

Theo RT, thực hành lái xe dưới nước là một trong những bài tập khó nhất trong quá trình huấn luyện chiến đấu của lính tăng Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, độ lặn sâu tối đa đối với xe tăng Nga là từ 5m đến 6m. Trong huấn luyện lái xe tăng dưới nước, quy định về phạm vi di chuyển thường là khoảng 100m. Các binh sĩ cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng các biện pháp bảo vệ an toàn và cách thoát hiểm khi phương tiện bị hỏng hoặc ngập nước.

Khi bước vào huấn luyện, kíp xe tăng được trang bị thiết bị cứu hộ cá nhân và mặt nạ phòng độc cách nhiệt IP-5 để sử dụng trong trường hợp phương tiện dừng lại. Trong quân đội Nga, mặt nạ IP-5 được sử dụng phổ biến, hỗ trợ các binh sĩ 60 phút trong điều kiện thiếu oxy. Với sự trợ giúp của mặt nạ IP-5, các binh sĩ cũng có thể nổi lên trên mặt nước trong trường hợp cần thoát hiểm cũng như thực hiện các nhiệm vụ đơn giản dưới nước. Độ sâu cho phép khi mang mặt nạ IP-5 lặn dưới nước là 7m. Để học cách sử dụng IP-5, các binh sĩ được huấn luyện tại các hồ bơi đặc biệt, trong đó có lắp đặt hệ thống mô phỏng tiếng ồn dưới nước. Trong thời gian ở dưới nước, người lính lái xe tăng xác định phương hướng nhờ sự trợ giúp của la bàn con quay hồi chuyển. Thiết bị này cho phép tìm hướng chuyển động chính xác khi tầm nhìn bị che khuất. Ngoài la bàn con quay hồi chuyển, kíp lái xe tăng cũng có thể sử dụng kính tiềm vọng.

Lái xe tăng dưới nước là một trong các nội dung huấn luyện khó nhất của lính tăng Nga. Ảnh: Rg.ru

Các chuyên gia quân sự cho rằng những “cuộc hành quân” dưới nước là bài huấn luyện cần thiết nhằm nâng cao khả năng cơ động của các đơn vị xe tăng. Một chiếc xe tăng bị mắc kẹt có thể được kéo ra nhờ sự hỗ trợ của lực lượng công binh. Tuy nhiên, kíp lái xe tăng vẫn phải biết kỹ năng thoát hiểm một cách an toàn trong trường hợp không thể kéo xe tăng ngay vào bờ vì một lý do nào đó. “Kỹ năng quan trọng nhất mà lính tăng phải thành thạo là khả năng hành động trong trường hợp bất khả kháng. Xe tăng Nga có khả năng vượt qua các loại địa hình và chướng ngại vật xuất sắc. Tuy nhiên, bùn có thể khiến xe tăng bị sa lầy cũng như động cơ ngừng hoạt động. Ngoài ra, không bao giờ có thể loại trừ tình huống xe tăng bị ngập nước”, ông Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin quân sự Nga Military Russia nhận định. Về phần mình, chuyên gia quân sự Sergei Suvorov cho biết: “Trên thực tế, một chiếc xe tăng không thể vượt qua hồ và sông lớn. Để thực hiện điều này, cần có cầu phao, một trong những trang thiết bị của lực lượng công binh. Nhưng nói chung, kỹ năng lái xe dưới nước là hữu ích và cần thiết”.

Đề cập đến những khó khăn, thách thức mà kíp xe tăng cần vượt qua khi huấn luyện lái xe tăng dưới nước, chuyên gia quân sự Suvorov đánh giá: “Yếu tố tâm lý là khó nhất, đặc biệt là đối với những binh sĩ chưa từng thực hiện bài huấn luyện này”. Trong khi đó, ông Kornev cho rằng điều quan trọng là kíp xe tăng cần giữ bình tĩnh. “Khi đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cùng tâm lý vững vàng, sẽ không có sự cố nào xảy ra”, ông Kornev nhấn mạnh.

Nhu cầu sử dụng xe tăng để vượt qua chướng ngại nước đã được ghi nhận trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khi Hồng quân Liên Xô trải qua rất nhiều khó khăn trong lúc vượt sông. Hiện nay, phần lớn các kíp xe tăng của quân đội Nga đều có kinh nghiệm lái xe tăng dưới nước.

LÂM ANH

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân đội Nga huấn luyện lái xe tăng dưới nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO