Quân đội Mỹ và tiềm năng không giới hạn của trí tuệ nhân tạo - AI trong lĩnh vực quân sự

08/04/2023 18:04
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Với nguồn lực và nắm giữ nhiều công nghệ lõi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Mỹ trong nhiều năm qua đã thử nghiệm và tích hợp công nghệ đặc biệt này trong nhiều lĩnh vực quân sự. Giới chức quân sự Mỹ đánh giá với khả năng xử lý thông tin không bị chi phối bởi ngoại cảnh, AI đang giúp rút ngắn thời gian nhận định tình huống và ra quyết định chỉ huy để tạo lợi thế cho lực lượng tác chiến Mỹ trên chiến trường.

Lầu Năm Góc cũng đang rất mạnh tay đầu tư cho lĩnh vực phát triển công nghệ AI. Điều đó dẫn tới việc quân đội Mỹ đang dẫn đầu trong nhiều khía cạnh của công nghệ được cho là tương lai và tiềm năng không giới hạn này.

AI quân sự có tiềm năng không giới hạn!

Thực tế, AI là thuật toán đưa ra phán đoán và thực hiện nhiệm vụ dựa trên thông tin tổng hợp và logic học. Tuy nhiên, để công nghệ AI tiệm cận với khả năng suy luận và đưa ra quyết định giống con người sẽ cần thời gian dài để phát triển, cũng như hoàn thiện kho dữ liệu lớn để AI truy cập và học hỏi.

Chuyên gia công nghệ AI, John Shanahan đánh giá, đối với phát triển công nghệ AI quân sự việc hạn chế các sai sót, lỗi kỹ thuật và đưa ra quyết định dựa trên đạo đức là ưu tiên hàng đầu. Với những nền tảng AI quân sự đang phát triển, Mỹ đang là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Nhận định này cũng được lãnh đạo Viện nghiên cứu Chiến lược Nga, Sergey Oznobisev ủng hộ.

Khi được đưa vào trang bị, AI sẽ hỗ trợ người lính rất nhiều trên chiến trường.

“Chiến lược phát triển AI quân sự của Mỹ rất có tiềm năng. Họ đang có cơ hội vượt lên so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực này”, chuyên gia Sergey Oznobisev đánh giá.

Ưu tiên phát triển của Lầu Năm Góc chính là phát triển hệ thống chỉ huy hợp nhất đa miền giúp kết nối tất cả các quân, binh chủng với sự hỗ trợ của AI - JADC2. Đây được coi là hệ thống chỉ huy lõi của quân đội Mỹ trong tương lai giúp quyết định của cấp chỉ huy được thực hiện theo quy tắc tuần tự hoặc ưu tiên trên chiến trường theo trục dọc hoặc ngang cấp. Sự phức tạp của hệ thống chỉ huy như vậy cần có hỗ trợ của AI để có thể hoạt động trơn tru và hiệu quả.

“Chúng tôi đang tập trung chú ý vào hoàn thiện hệ thống chỉ huy liên cấp, rút ngắn thời gian ra quyết định và phản ứng trên chiến trường. Với sự hỗ trợ của AI, hệ thống chỉ huy mới sẽ duy trì và tạo ra lợi thế cho quân đội Mỹ trước các đối thủ tiềm năng trong tương lai”, Giám đốc Chương trình phát triển Trung tâm chỉ huy Liên quân ứng dụng trí thông minh nhân tạo (JAIC) của quân đội Mỹ, Nand Mulchandani đánh giá.

Theo lời ông Nand Mulchandani, ứng dụng của JADC2 đã đạt được một số thành tựu trong năm 2019 đưa ra các dự đoán về sự biến đổi của chiến trường trong môi trường giả lập. JAIC đang cải thiện khả năng của phiên bản JADC2 thông qua các bài học giả lập và dữ liệu tổng hợp từ thực tiễn chiến trường.

Không chỉ có JAIC, Cơ quan phụ trách các Dự án tương lai (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc cũng đang thử nghiệm công nghệ AI mạng lưới thần kinh nhân tạo có thể áp dụng như trợ lý ảo giúp đơn giản hóa thao tác của phi công khi điều khiển máy bay quân sự với tên gọi RED. Công nghệ này đang được ứng dụng và thử nghiệm trên mô hình máy bay F-15C Eagle trong các nhiệm vụ chiến đấu ảo.

Những lĩnh vực nghiên cứu trên mới chỉ là phần nhỏ của AI quân sự. Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ mới đang ở giai đoạn sơ khai nghiên cứu về AI. Nó có tiềm năng gần như không giới hạn và ở mức phát triển nhất định, AI có thể thay thế con người trong nhiều điều kiện chiến đấu khắc nghiệt và nguy cơ cao.

Viễn cảnh về đội quân kết hợp giữa con người và máy móc với sự hỗ trợ của AI không còn là điều viễn tưởng.

Nguy cơ AI chiếm quyền của con người?

Bên cạnh những lợi ích AI mang lại, công nghệ tương lai này vẫn ẩn chứa nhiều mối nguy cơ, đặc biệt là khi nó được sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Giới chuyên gia quân sự quốc tế đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về các mối nguy cơ khi AI quân sự có thể đưa ra quyết định sai lầm.

Cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, Robert Work đánh giá, công nghệ AI hiện tại chưa đủ tin cậy để ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, trong đó có việc quyết định có nên sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Nhân loại không thể mạo hiểm với AI để đẩy thế giới đến bờ hủy diệt như những điều diễn ra trong phim điện ảnh “Kẻ hủy diệt” của Hollywood.

Theo lời ông Robert Work, kịch bản chiến tranh hạt nhân không kiểm soát do AI cũng có nhiều nét tương tự như hệ thống “ngày tận thế” Premier (Bàn tay chết) của Nga. Hệ thống này cho phép hệ thống vũ khí hạt nhân tự động kích hoạt khả năng đánh trả mà không cần sự can thiệp của con người trong chiến tranh hạt nhân tổng lực.

Tuy nhiên, ai sẽ kiểm soát AI quân sự và nếu nó nhận diện nhân loại là đối thủ cần tiêu diệt thì làm sao để đối phó hay viễn cảnh xảy ra tương tự như trong loạt phim "Kẻ hủy diệt".

“Chúng ta cần phải chắc chắn rằng AI không nên nắm quyền sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như các loại vũ khí mang tính hủy diệt khác”, ông Robert Work cho biết.

Đánh giá về các nguy cơ liên quan tới việc ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự, chuyên gia Sergey Oznobisev đánh giá, AI là lĩnh vực công nghệ hoàn toàn mới, ẩn chứa nhiều vấn đề kỹ thuật chưa thể lường trước. Chính vì thế, khi ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự cần có các kịch bản ngăn chặn và phương án đối phó trong các tình huống không mong muốn do công nghệ này gây ra.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, DefenseTalk…)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quân đội Mỹ và tiềm năng không giới hạn của trí tuệ nhân tạo - AI trong lĩnh vực quân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO