Quần đảo Solomon - 'Vòng eo' vô cùng quan trọng ở Thái Bình Dương

Phương Hà| 22/04/2022 08:00

Một thỏa thuận an ninh giữa Solomon với Trung Quốc đang khiến Mỹ và các quốc gia khu vực Thái Bình Dương lo lắng và quan ngại vì nguy cơ Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng quân sự, gây bất ổn định khu vực.

Vai trò quan trọng của Quần đảo Solomon ở Thái Bình Dương
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019. (Nguồn: Reuters)

Vấn đề "đặc biệt đáng quan tâm"

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare được cho là đã ký một thỏa thuận an ninh mới với Trung Quốc và bản thảo của thỏa thuận bí mật đã bị rò rỉ cách đây 3 tuần.

Bản thỏa thuận nêu rõ rằng Trung Quốc sẽ được phép cử lực lượng an ninh đến Solomon theo yêu cầu của chính phủ nước này.

Vào thời điểm bản thỏa thuận bị rò rỉ, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng đây là một vấn đề “đặc biệt đáng quan tâm”. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng đó thực sự là “một vấn đề gây lo ngại đối với khu vực”.

Tuy nhiên, ngày 17/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho rằng vấn đề đã được giải quyết. Khi phóng viên David Speers của kênh truyền thông ABC đặt câu hỏi: “Thủ tướng Sogavare cho biết ông vẫn giữ kế hoạch thực hiện thỏa thuận này, ông nói nó không liên quan đến một căn cứ quân sự. Bà có tin những gì ông Sogavare nói không?”

Bà Payne đã trả lời: “Tôi nghĩ đó là những lời đảm bảo rất quan trọng và chắc chắn đó là những đảm bảo mà chúng tôi mong muốn”.

Ngoại trưởng Australia nói thêm: “Chúng tôi tin rằng 'gia đình Thái Bình Dương' gồm những quốc gia có phản ứng tốt nhất đối với các vấn đề an ninh ở khu vực Thái Bình Dương”.

Thế nhưng, Washington có vẻ như vẫn chưa cảm thấy an tâm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 18/4 cho rằng việc ký kết thỏa thuận "có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn ở quần đảo Solomon và sẽ đặt ra một tiền lệ đáng quan ngại đối với toàn bộ khu vực rộng lớn hơn ở Thái Bình Dương".

Ông Ned Price nêu rõ: "Bản chất bao trùm thỏa thuận an ninh này là mở đường cho việc triển khai các lực lượng quân sự của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon".

Dự kiến, trong tuần này, một phái đoàn của Mỹ sẽ đến thăm Quần đảo Solomon. Một trong những nội dung chính của chuyến đi này sẽ là việc giới chức Nhà Trắng thảo luận với chính quyền chủ nhà về việc mở cửa trở lại đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Honiara.

Phái đoàn này do hai quan chức Mỹ dẫn đầu là Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink.

Đại sứ quán của Mỹ ở thủ đô Honiara đã bị đóng cửa từ năm 1993. Washington đưa ra tuyên bố về việc mở cửa trở lại đại sứ quán này từ hồi tháng 2 năm nay trước khi có những thông tin bị rò rỉ về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.

Tuy nhiên, vào thời điểm Mỹ đưa ra tuyên bố đó, quan ngại về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt ở Quần đảo Solomon có vị trí địa lý quan trọng chiến lược, đã ngày càng gia tăng.

"Con đường huyết mạch"

Có 2 lý do cho thấy thỏa thuận an ninh mới giữa Solomon với Trung Quốc là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với an ninh của Australia, New Zealand và khu vực.

Đầu tiên, cần lưu ý đến những lợi ích chiến lược. Quần đảo Solomon nằm ở trung tâm chiến lược khu vực, tại “vòng eo” tiếp nối giữa Australia, New Zealand với thế giới. Bên nào có khả năng kiểm soát quyền tiếp cận "vòng eo" này thì có thể kiểm soát “con đường huyết mạch” từ Australia đến Mỹ.

Thứ hai, Australia không thể tin tưởng vào sự đảm bảo của Thủ tướng Sogavare. Thông tin của dự thảo thỏa thuận với Bắc Kinh chỉ được biết đến sau khi chúng bị rò rỉ.

Nó cũng cho thấy rằng ông Sogavare đang đàm phán để cho phép Trung Quốc bí mật đưa hàng chục loại vũ khí, bao gồm súng lục, súng trường và súng máy, vào Honiara.

Thậm chí, ngay cả khi ông Sogavare khẳng định sẽ không đồng ý cho phép xây dựng một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Solomon, thì bản thân dự thảo thỏa thuận vẫn có hai nguy cơ tiềm tàng:

Điều 1 của thỏa thuận nói rằng “Trung Quốc có thể, theo nhu cầu của riêng nước này và với sự đồng ý của Quần đảo Solomon, thực hiện các chuyến thăm hàng hải, thực hiện bổ sung hậu cần và có điểm dừng chân và chuyển tiếp ở Quốc đảo Solomon”. Không có bất kỳ điều khoản nào trong thỏa thuận ngăn cản các tàu hải quân của Trung Quốc.

Điều 7 nói rằng “Hiệp định khung có thể được sửa đổi và bổ sung khi có sự đồng thuận bằng văn bản”. Vì vậy, thỏa thuận có thể được mở rộng bất cứ lúc nào.

Ngoại trưởng Payne nói rằng Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương có thể thảo luận về "vấn đề bí mật". Tuy nhiên điều này khá khó khăn vì diễn đàn đã bị chia rẽ vào năm ngoái và không có khả năng nhóm họp đông đủ như trước.

Australia có các lựa chọn, trong đó có 2 lựa chọn đặc biệt. Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương đặt tại Fiji có thể là một cơ chế hữu ích để quản lý sự ổn định của khu vực. Australia và New Zealand là thành viên của diễn đàn này, trong khi Trung Quốc không phải. Nhưng trước hết, diễn đàn cần được khôi phục. Việc tái hợp nhất diễn đàn nên là ưu tiên hàng đầu đối với Australia và New Zealand.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/quan-dao-solomon-vong-eo-vo-cung-quan-trong-o-thai-binh-duong-181029.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/quan-dao-solomon-vong-eo-vo-cung-quan-trong-o-thai-binh-duong-181029.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quần đảo Solomon - 'Vòng eo' vô cùng quan trọng ở Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO