Nằm trong một ngõ nhỏ sâu trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), quán cơm bình dân của chị Ngọc Hân (46 tuổi) luôn chật kín bàn.
Mỗi suất cơm bình dân của chị Hân chủ yếu dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/suất nên đối tượng khách hàng của chị Hân chủ yếu là sinh viên và những người lao động thu nhập thấp như tài xế xe ôm, xe ôm công nghệ, công nhân…
Trong bối cảnh giá xăng tăng kỷ lục, mỗi suất cơm bình dân của chị Hân cũng phải "gồng gánh" nhiều chi phí từ sự leo thang của vật giá. Song để giữ chân lượng khách hàng như hiện tại, chị Hân chỉ còn phương án cắt giảm mọi chi phí khác như điện, nhân viên, trực tiếp mua đồ thay vì sự hỗ trợ từ đối tác cung cấp thực phẩm…
Chị Hân cho biết: "Mặc dù chỉ là quán cơm bình dân nhưng mỗi ngày, số lượng suất cơm bán ra cũng dao động từ khoảng 500 – 700 suất. Vì giá chỉ dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/suất cơm, thậm chí là 15.000 đồng/suất nên ở thời điểm vật giá tăng theo xăng, lương thì quán ngày một đông khách".
Cũng vì đông khách và giữ chân lượng khách như hiện tại, hai vợ chồng chị Hân đã quyết định không thuê nhân viên hỗ trợ, trực tiếp đến chợ đầu mối lựa đồ và mua số lượng nhiều để được trợ giá, thay vì đối tác cung cấp thực phẩm.
Chị Hân cho biết: "Mua hàng ở chợ đầu mối và mua số lượng nhiều được giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 giá so với giá bán ở chợ dân sinh. Khi mang thực phẩm về, hai vợ chồng tôi trực tiếp làm từ khâu sơ chế, chế biến, phục vụ khách hàng… đến khâu dọn dẹp, vệ sinh. Vì cả hai vợ chồng quen tay nên chúng tôi tự tay làm để cắt giảm chi phí, giữ giá trên mỗi suất cơm để giữ chân khách hàng".
Dù có thể một tay kiêm tất cả "chức năng" trong căn bếp, chị Hân không tránh khỏi cảm giác lo lắng việc kìm giá mỗi suất cơm sẽ diễn ra được bao lâu, trong khi mức giá cả đang leo thang từng ngày như hiện nay.
Quán cơm văn phòng của anh Bằng ở Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tương tự.
Trước đây, quán cơm của anh Bằng cung cấp, giao khoảng hơn 200 suất ăn trưa cho các văn phòng lân cận khu vực phố Duy Tân nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng nguyên liệu tăng giá theo xăng dầu, giá mỗi suất cơm của anh Bằng cũng tăng từ 35.000 – 45.000 đồng thì đến thời điểm này, đơn hàng đặt tại bếp ăn của anh Bằng chỉ còn khoảng 150 suất ăn/ngày.
Để giữ chân khách hàng, anh Bằng phải cân đo đong đếm và thay đổi món ăn mỗi ngày.
"Trước đây, đi chợ nhập nguyên liệu tôi không phải tính toán quá nhiều nhưng bây giờ, giá cả leo thang, khách hàng đặt đơn giảm, tôi phỉa tính toán chi li từng thành phần thực phẩm, thậm chí là không dám mua dư để đảm bảo chất lượng mỗi khẩu phần ăn", anh Bằng cho biết.
Vì các chi phí đều tăng theo xăng nên nguyên liệu rau củ quả cũng "nhỉnh" hơn so với hồi tháng 3/2022 (thời điểm giá xăng chưa tăng vọt – PV). Do đó, với số lượng khách hàng gọi đồ ăn giảm nhưu hiện nay, quán anh Bằng cũng giảm lợi nhuận rõ rệt.
Là một trong những "khách ruột" tại quán cơm bình dân của chị Ngọc Hân, anh Nguyễn Hữu Trung (23 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) – tài xế xe ôm công nghệ cho biết: "Nhân viên văn phòng, không đi lại nhiều có thể không lo lắng bởi có thể mang cơm đến chỗ làm nhưng những tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng thì khác, mùa hè nắng nóng cũng không thể từ chối phục vụ khách hàng. Có cày cật lực tiền ăn, tiền xăng đều phụ thuộc vào phần trăm hoa hồng ít ỏi trên mỗi chuyến phục vụ khách".
Do đó, để tiết kiệm chi phí nhất có thể, không chỉ anh Trung, mà nhiều tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng… sẽ tìm đến và trung thành với những quán cơm bình dân, có mức giá rẻ.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)