Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào: Lan toả tinh thần kết nối và sức mạnh tự cường

Tin đối ngoại - Ngày đăng : 14:22, 10/01/2025

Với việc tổ chức thành công năm ASEAN 2024 trên cương vị Chủ tịch, Lào đã truyền tải hình ảnh một đất nước tự tin, là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong khu vực với năng lực ngày càng được khẳng định.
Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào: Lan toả tinh thần kết nối và sức mạnh tự cường
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 ở Vientiane, Lào ngày 9-11/10. (Ảnh: Nhật Bắc)

Kết nối và Tự cường - chủ đề “đúng và trúng”

Vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với quốc gia này cũng như Hiệp hội, khi năm 2024 là năm bản lề quan trọng để ASEAN hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng đồng vào năm 2025.

Chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2024 “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” đã được Lào cụ thể hoá một cách đậm nét, khẳng định sự đồng điệu với định hướng chung của Hiệp hội, đồng thời nhấn mạnh về tính kết nối và khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực phục hồi chậm, thiếu vững chắc.

Nhìn lại năm 2024, có thể thấy Lào đã tập trung làm sâu sắc hơn nội hàm của “Kết nối” và “Tự cường”, thể hiện qua một số thành tựu chính:

Thứ nhất, tổ chức thành công các Hội nghị cấp cao và thông qua một loạt các văn kiện có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực. Xuyên suốt năm 2024, Lào đã tổ chức hàng trăm hội nghị đa dạng về quy mô, mức độ trong khuôn khổ ASEAN. Nổi bật là trong tháng 10/2024, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các hội nghị liên quan đã thông qua hơn 90 văn kiện hợp tác quan trọng.

Bên cạnh đó, Lào cũng thúc đẩy thành công việc tiếp tục xây dựng Kế hoạch chiến lược của 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập kinh tế nội Khối và tăng cường hợp tác kinh tế số. Khẳng định sự kết nối các nền kinh tế là trụ cột chính trong quan hệ, thúc đẩy kết nối thương mại và đầu tư, ASEAN và các đối tác đã thông qua các Tuyên bố như Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Canada về kết nối và tự cường ASEAN, Tuyên bố về cơ bản hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0.

Ngoài ra, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch, việc thực hiện “Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025” đã có những bước tiến đáng kể, với 807 hoạt động được hoàn thành trong năm 2024 - tăng 34% so với năm trước.

Việc thúc đẩy thông qua các văn kiện và triển khai sáng kiến nêu trên của Lào góp phần tái khẳng định cam kết của ASEAN nói chung và Lào nói riêng trong việc đưa hội nhập kinh tế trở thành trọng tâm, đảm bảo các quốc gia thành viên được hưởng lợi công bằng từ sự tăng trưởng khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác nội Khối nhằm giải quyết các thách thức mới nổi.

Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào: Lan toả tinh thần kết nối và sức mạnh tự cường
Hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 tại thủ đô Vientiane, Lào. (Nguồn: Laotian Times)

Thứ ba, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác để giải quyết các thách thức trong khu vực. Trong bối cảnh các thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp, Lào đã tổ chức thành công nhiều cuộc họp song phương và đa phương nhằm thảo luận và tìm kiếm giải pháp, qua đó tiếp tục củng cố và duy trì hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Đồng thời, thể hiện sự tích cực trong việc thúc đẩy, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác đối thoại của ASEAN. Các cơ chế tham vấn chính thức và không chính thức được duy trì thường xuyên, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên trong việc giải quyết các thách thức chung ở khu vực như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh mạng.

Nâng tầm vị thế, uy tín của Lào

Năm 2024 chứng kiến một đất nước Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với những nỗ lực đáng khích lệ.

Lào đã chủ động, tích cực chuẩn bị sớm cho năm Chủ tịch với việc thành lập 14 tiểu ban chuyên trách các lĩnh vực khác nhau. Chỉ trong 3 ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, Lào đã tổ chức liên tiếp hơn 20 hoạt động, đón hơn 30 lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác, với hơn 2.000 đại biểu tham dự và 1.000 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia tác nghiệp, đưa tin.

Nỗ lực này càng đáng trân trọng hơn trong bối cảnh Lào đang đẩy mạnh nỗ lực xử lý, tháo gỡ những khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024 cũng ghi nhận sự bứt phá của du lịch Lào khi đón gần 5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD.

Năm Chủ tịch ASEAN 2024 cũng là cơ hội để Lào khẳng định đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với tất cả các nước; tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ hợp tác; là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN. Qua đó, giúp truyền tải tới bạn bè khu vực và quốc tế hình ảnh một đất nước Lào nỗ lực, tự tin với năng lực ngày càng được khẳng định trong đảm nhận vai trò chủ trì tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.

Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào: Lan toả tinh thần kết nối và sức mạnh tự cường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cùng trưởng đoàn các nước ASEAN dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội, ngày 23/4/2024.

Việt Nam đóng góp vào thành công chung

Với mối quan hệ đặc biệt “có một không hai” giữa hai nước, Việt Nam đã sớm dành sự hỗ trợ quý báu, thiết thực cho Lào. Trong các chuyến thăm của Lãnh đạo các cấp giữa hai nước, Việt Nam luôn khẳng định cam kết sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2024, tô đậm thêm tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trong đó, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) lần đầu được tổ chức vào tháng 4/2024 tại Hà Nội không chỉ là sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp cho hợp tác và liên kết khu vực, mà còn là sự kiện góp phần mang tính dấu ấn trong năm Chủ tịch của Lào, được dư luận trong và ngoài khu vực đánh giá cao.

Bên cạnh những sự hỗ trợ đáng kể của Việt Nam về tài chính và cơ sở vật chất, các bộ, ban, ngành liên quan của hai nước cũng tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và đào tạo, bồi dưỡng để giúp Lào hoàn thành trọng trách trong năm Chủ tịch ASEAN.

Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào: Lan toả tinh thần kết nối và sức mạnh tự cường
Thủ tướng Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone (trái) trao chiếc búa chủ tịch ASEAN 2025 cho Malaysia. (Ảnh: Nhật Bắc)

Hà Bảo Trâm, Diệp Lê