Tái diễn tình trạng tiếp viên hàng không tuồn hàng lậu

Nhịp sống - Ngày đăng : 12:54, 10/01/2025

Thống kê năm 2024 cho thấy tình trạng tiếp tay cho buôn lậu của các nhân viên hàng không vẫn tái diễn. Một số trường hợp bị an ninh sân bay bắt quả tang.

Nhìn lại năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận 14 vụ buôn lậu, gian lận thương mại tại các sân bay.

Nhiều vụ việc cho thấy "lỗ hổng buôn lậu" đến từ chính các nhân viên làm việc tại sân bay như tiếp viên hàng không, nhân viên dịch vụ mặt đất.

Tuồn hàng lậu từ chuyến bay quốc tế

Tối 20/2/2024, tại sân bay Nội Bài, 2 nhân viên của Công ty Kỹ thuật máy bay VAECO đã lái xe nâng ra sân đỗ máy bay để nhận một túi chứa 60 cây thuốc lá điện tử hiệu IQOS. Người giao chiếc túi là một nữ tiếp viên hàng không vừa bay về từ Nhật Bản.

Tái diễn tình trạng tiếp viên hàng không tuồn hàng lậu - 1

(Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Nhân viên VAECO sau đó đã tuồn số hàng trên ra ngoài sân bay (mà không qua kiểm tra hải quan) với mức thù lao 3 triệu đồng. Khi đang thực hiện hành vi, cả 2 người đã bị an ninh sân bay phát hiện và xử lý.

Tối 4/5/2024, tại sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng an ninh hàng không cũng phát hiện nữ nhân viên phục vụ của Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) mang 1 túi giấy nghi vấn. Qua kiểm tra, trong túi có 25 điện thoại di động các loại và 100 tờ tiền mệnh giá 100USD.

Theo tường trình, nữ nhân viên nhận số tài sản trên từ ông T.N.T - tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines - vừa bay về Việt Nam từ Hàn Quốc.

Sau những vụ việc trên, hãng hàng không đã xác minh và kỷ luật các tiếp viên vi phạm quy định.

Nhìn chung, báo cáo của Cục Hàng không cho thấy hành vi xách hàng lậu từ nước ngoài về Việt Nam của nhân viên hàng không vẫn tái diễn. Để tránh soi chiếu hải quan, các tiếp viên sau khi mang hàng hóa nước ngoài về tới sân bay sẽ tìm cách chuyển cho các nhân viên phục vụ mặt đất rồi từ đó tuồn ra khỏi sân bay.

Cả nể giúp nhau, cả 2 bị kỷ luật

Tại sân bay Cát Bi, một tình huống "cả nể" giữa các nhân viên hàng không đã khiến kiện hàng trái phép bị lọt lên chuyến bay từ Hải Phòng đi TPHCM.

Cụ thể, sáng 12/10/2024, nhân viên phục vụ mặt đất L.T.A. mang theo 1 thùng đồ từ bên ngoài, đi qua cửa soi chiếu an ninh nội bộ để vào khu vực hạn chế của nhà ga.

Tại cửa soi chiếu, nhân viên trực soi chiếu C.Đ.T. đã phát hiện đó là đồ vật không được phép mang vào khu vực hạn chế. Tuy nhiên, nhân viên L.T.A. đã xin mang thùng đồ vào phòng làm việc để bảo quản và hứa sẽ mang ra ngoài khi kết thúc ca làm việc.

Tái diễn tình trạng tiếp viên hàng không tuồn hàng lậu - 2

Nhân viên soi chiếu an ninh tại sân bay (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).

Vì cả nể, anh C.Đ.T. đã đồng ý cho L.T.A. mang vào, đồng thời dặn nhân viên soi chiếu ca tiếp theo kiểm tra khi anh A. trở ra.

Sau đó, anh A. đã trở ra mà không mang theo thùng đồ. Khi được hỏi, anh A. nói thùng đồ đã được gửi đi trên chuyến bay VJ289 chặng Hải Phòng - TPHCM.

Nhận thấy dấu hiệu sai phạm, nhân viên trực soi chiếu đã báo cáo vụ việc. Lực lượng an ninh sân bay Cát Bi rà soát camera và xác nhận thùng đồ đã được đưa lên chuyến bay trên.

Qua kiểm tra lại dữ liệu soi chiếu, thùng đồ đó có chứa đồ trang sức bằng kim loại gồm nhẫn, dây chuyền...

Sau vụ việc, Cảng hàng không Cát Bi đã khiển trách nhân viên C.Đ.T., đồng thời kỷ luật bằng hình thức điều chuyển công tác, kéo dài thời hạn nâng lương với nhân viên L.T.A.

Theo đánh giá của Cục Hàng không, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không vẫn diễn ra tinh vi, phức tạp trong năm 2024, nhất là với các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam.

Cục khẳng định sẽ xử lý nghiêm các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trong Tết Ất Tỵ 2025, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ của đơn vị mình.

Ngọc Tân